Công nghệ quyết định hiệu quả sản xuất
Công nghệ và tự động hóa tác động rất lớn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN). Vì thế, dù khó khăn, DN phải cố gắng đầu tư nếu muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt hiện nay.
Hiệu quả nhờ công nghệ
Công nghệ và các giải pháp tự động hóa tác động rất lớn đến hoạt động của DN. Đơn cử là việc áp dụng công nghệ cao vào nông nghiệp đã đưa Tập đoàn Lộc Trời trở thành một trong những DN tư nhân xây dựng chuỗi sản xuất lúa gạo từ nghiên cứu, ứng dụng đến chuyển giao kỹ thuật và phối hợp với nông dân sản xuất, trong đó có ứng dụng di động dựa trên nền tảng công nghệ viễn thám Sat4Rice.
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) được nhiều DN sử dụng thông qua robot trong các dây chuyền sản xuất. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thành công khi đầu tư dây chuyền, thiết bị hiện đại, tự động hóa nhà máy Thaco Mazda. Trong đó, nhà máy áp dụng hệ thống điều hành sản xuất trên nền tảng số hóa, kết nối với các dây chuyền tự động với thông tin xuyên suốt từ đặt hàng, sản xuất và bàn giao theo yêu cầu của khách hàng. Không chỉ có nhà máy Thaco Mazda mà 20 nhà máy sản xuất linh kiện, lắp ráp ô tô của DN này đều áp dụng công nghệ 4.0.
Cũng như thế, nhà máy VinFast của Vingroup tại Khu Kinh tế Đình Vũ, Hải Phòng đã trở thành nhà máy sản xuất ô tô hiện đại nhất và có thể cũng lớn nhất khu vực ASEAN với hầu hết là tự động hóa. Tại nhà máy này, có đến hơn 1.200 robot được sử dụng trong tất cả quy trình sản xuất.
Trong môi trường hội nhập hiện nay, DN muốn tồn tại phải đổi mới sáng tạo, đầu tư công nghệ sản xuất. “DN dù ở quy mô nào nếu không thay đổi và nắm bắt kịp thời các xu hướng công nghệ sẽ khó sinh tồn và phát triển. Điều cần làm ngay lúc này là chủ DN phải thay đổi nhận thức, phải biết đối mặt với điều gì và biết phải làm như thế nào. DN phải không ngừng đổi mới và lan tỏa tinh thần đó đến từng thành viên trong công ty”, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT chia sẻ.
Trong lĩnh vực điện tử, Công ty Samsung Việt Nam đã sử dụng đến hơn 6.000 robot trong dây chuyền lắp ráp tại nhà máy ở Bắc Ninh. Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đã đầu tư 2.400 tỷ đồng tự động hóa sản xuất từ chiết rót, tiệt trùng đến đóng gói, đóng thùng sữa và chất lên pallet. Việc vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm, nhập kho và xuất hàng tại nhà máy đều do robot tự hành đảm nhiệm. Tại các trang trại chăn nuôi bò sữa của Vinamilk, việc đưa cỏ đến máng ăn cũng được robot thực hiện.
Đã đầu tư mạnh công nghệ sản xuất, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty CP Vinamit cho rằng, không chỉ là công nghệ số, kỹ thuật dữ liệu hay kỹ thuật vật lý mà công nghệ sinh học phải được quan tâm, nhất là với lĩnh vực nông nghiệp và chế biến thực phẩm. Nhiều năm nay, Vinamit đã nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ sấy đông khô và đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học nên sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước đánh giá cao, đặc biệt có những đơn hàng lớn từ Mỹ.
Ở góc độ của một DN công nghệ, FPT đang trở thành một tập đoàn vào loại hàng đầu thế giới về dịch vụ chuyển đổi số. Việc chuyển đổi số cho khách hàng, đưa công nghệ mới như AI, Big Data, IoT vào lĩnh vực giao thông, y tế, chính phủ số, ngân hàng số đang được FPT tập trung thực hiện. Năm 2019, với năng lực, kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số cho nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, FPT chuyển đổi thành DN số, vận hành dựa trên dữ liệu gần thời gian thực.
Khó cho doanh nghiệp nhỏ
Tuy nhiên, nếu so với các nước ASEAN, tốc độ tiếp cận cũng như năng lực hấp thu và đổi mới công nghệ để phát triển còn chưa nhanh. Bên cạnh đó, DN nhỏ và vừa ở Việt Nam hiện chiếm đến 97% còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư trang thiết bị hiện đại.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (VINATEX) cho rằng, Cách mạng Công nghiệp 4.0 mang đến những thách thức không nhỏ cho các DN dệt may Việt Nam. Bởi, việc đầu tư công nghệ theo hướng 4.0 đòi hỏi vốn lớn, lãi cho chi phí đầu tư cao, khấu hao thiết bị nhiều. Đây là những khó khăn mà DN dệt may Việt Nam đang đối mặt vì hầu hết DN ngành này thuộc quy mô nhỏ và vừa, tiềm lực kinh tế thấp.
Nghiên cứu thực tế DN của Navigos Group công bố hồi cuối năm 2018 cũng cho thấy, tỷ lệ sử dụng thiết bị công nghệ có trình độ cao của các DN Việt Nam vẫn còn thấp. Cụ thể, có đến 46% DN tự động hóa quy trình sản xuất dưới 30%, 18% DN tự động hóa quy trình sản xuất từ 30-50%, chỉ có 14% DN tự động hóa quy trình sản xuất 70% .