Công nghiệp hỗ trợ chờ hiệu quả chính sách mới

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Được xác định là xương sống của nền kinh tế, nhưng sau gần 10 năm xây dựng, ngành công nghiệp hỗ trợ vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu cung ứng linh kiện cho các nhà sản xuất, lắp ráp. Các chủ trương mới mang tính chất động viên tuyên truyền, Nhà nước chưa đầu tư đủ ngân sách và nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, việc lấy ý kiến góp ý cho Dự thảo Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ trình Chính phủ ban hành trong thời gian tới đang được kỳ vọng sẽ tạo cú hích quan trọng về chính sách cho lĩnh vực này phát triển.

Công nghiệp hỗ trợ chờ hiệu quả chính sách mới
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Theo Giám đốc Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ - Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp - Bộ Công thương Trương Thị Chí Bình, có 5 nguyên nhân chính khiến công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam chưa phát triển. Thứ nhất là dung lượng thị trường nội địa quá nhỏ, chịu sự chi phối của các nhà lắp ráp nước ngoài, khiến cho doanh nghiệp trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng, sản xuất. Thứ hai là năng lực của doanh nghiệp trong nước hạn chế. Thứ ba là chính sách của Chính phủ, gồm hai mảng kéo đẩy, kéo là hỗ trợ doanh nghiệp trong nước, đẩy là đẩy doanh nghiệp lắp ráp, có nghĩa là trước khi cam kết hội nhập chúng ta phải ép doanh nghiệp lắp ráp về tỷ lệ nội địa hóa, bỏ qua giai đoạn này, giờ chỉ còn cách kéo doanh nghiệp trong nước và đẩy thì phải với các hình thức khéo léo hơn. Thứ tư là nguồn nhân lực kỹ thuật yếu và thứ năm là năng lực khoa học công nghệ quốc gia hạn chế. Bởi khi các ngành kỹ thuật không phát triển thì sẽ không có người học và đầu tư nghiên cứu.

Với những quy định tại Quyết định 12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ thì đến nay mới chỉ có duy nhất một doanh nghiệp nhận được ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo cơ chế xin - cho. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, những quy định tại  Quyết định 12 còn chung chung và khó áp dụng vào thực tế.

Vì thế, có tới hơn 37% số doanh nghiệp được hỏi theo điều tra của Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ cho rằng, cần thiết ban hành một bộ Luật và 50% cần ban hành Nghị định về công nghiệp hỗ trợ thay thế Quyết định 12. Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty cổ phần công nghệ Bắc Việt Nguyễn Anh Vương cho rằng, về công nghiệp hỗ trợ cần có nghị định để khi thực hiện, doanh nghiệp biết được ưu đãi cái gì, phải làm gì và làm thế nào cho đúng. Quyết định dẫn chiếu quá nhiều luật, quá nhiều văn bản khác nhau nên tính thực thi kém.

Căn cứ tình hình thực tế, các doanh nghiệp đã góp ý cụ thể đối với chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng, đất đai... trong dự thảo Nghị định, đặc biệt là cách thức tổ chức thực hiện sau khi Nghị định được ban hành. Đại diện của  nhiều doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ có chính sách thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển nhưng việc tổ chức thực hiện có nhiều vấn đề, dẫn đến thụ hưởng của doanh nghiệp với các chính sách này không được như mong muốn.

Ngoài mối quan tâm về những chính sách ưu đãi cho công nghiệp hỗ trợ, một số doanh nghiệp bức xúc vì không thể chen chân vào chuỗi sản xuất, cung ứng cho doanh nghiệp FDI. Vì khi vào Việt Nam, nhiều doanh nghiệp FDI mang theo các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng và ưu tiên cho những doanh nghiệp này.

Lo ngại yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa có thể sẽ vi phạm các cam kết hội nhập là có cơ sở, nhưng không phải không có cách để thực hiện. Bởi nhìn sang các nước lân cận như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan... cũng hội nhập quốc tế, nhưng đơn cử trong lĩnh vực ô tô, họ vẫn có ngành công nghiệp của riêng mình với tỷ lệ nội địa hóa rất cao. Vì vậy, làm thế nào tạo thị trường đầu ra cho công nghiệp hỗ trợ bằng mối liên doanh, liên kết với các nhà lắp ráp là đòi hỏi của doanh nghiệp với các cơ quan quản lý.

Công nghiệp hỗ trợ là lĩnh vực rất rộng. Do vốn đầu tư lớn, thời gian thu hồi chậm, lãi ít, nên các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực này đều mong muốn được hỗ trợ về thuế, đất đai, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ... Bởi vậy, ban soạn thảo dự thảo Nghị định sẽ phải tiếp tục lắng nghe những ý kiến đóng góp cụ thể từ các doanh nghiệp, chuyên gia và nhà quản lý để bổ sung, hoàn thiện. Quan trọng hơn là công tác triển khai thực hiện sau khi Nghị định được ban hành để chính sách hỗ trợ đi vào cuộc sống.