Công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Chưa định hình rõ nét

Theo saigondautu.com.vn

(Tài chính) Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng, thời gian qua Ban Chỉ đạo tổng kết 30 năm Đổi mới đã tổ chức một loạt hội thảo tại nhiều địa phương. Trong đó, những vấn đề liên quan đến công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) trong quá trình đổi mới và phát triển ở Việt Nam đã được thảo luận kỹ. Từ thực tiễn đã có nhiều ý kiến đề nghị cần đưa ra một mô hình mới về CNH-HĐH trong giai đoạn phát triển tiếp theo của đất nước.

Công nghiệp hóa, hiện đại hóa: Chưa định hình rõ nét
Không thể phủ nhận rằng qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH. Nguồn: internet

Manh mún, dàn trải, thiếu trọng tâm

Không thể phủ nhận rằng qua 30 năm đổi mới, cơ cấu kinh tế đất nước đã có sự chuyển dịch tích cực theo hướng CNH-HĐH. Tỷ trọng của khu vực nông nghiệp trong GDP giảm từ 38,1% (năm 1986) xuống mức 18,4% (năm 2013), trong khi tỷ trọng khu vực công nghiệp tăng từ 28,9% lên 38,3% và tỷ trọng dịch vụ cũng tăng từ 33,1% lên 43,3%.

Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu đô thị lớn, giữ vai trò động lực tăng trưởng đã được hình thành. Sự hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện đã tạo ra độ mở ngày càng lớn cho nền kinh tế, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm trên 160% GDP năm 2013 so với khoảng 23% năm 1986, đưa nền kinh tế từng bước gắn kết vào mạng lưới sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu.

Tuy nhiên, thực tiễn cũng chỉ ra rằng quá trình CNH-HĐH ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập. Tại cuộc hội thảo vừa tổ chức ở Vĩnh Phúc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Mô hình CNH-HĐH chưa được định hình rõ nét; chưa phát triển có hiệu quả các ngành công nghiệp ưu tiên và chưa tận dụng lợi thế về công nghệ và nguồn lực đầu tư nước ngoài để tạo tính lan tỏa, thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển tương xứng. Đặc biệt, quá trình thực hiện CNH chưa gắn chặt với HĐH, phát triển công nghiệp vẫn chỉ gia công, lắp ráp, giá trị thấp.

3 nút thắt tăng trưởng hiện nay vẫn là vấn đề thể chế, chất lượng nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Vấn đề đặt ra là thời gian tới cần có các giải pháp đột phá để gỡ các nút thắt nhằm thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế theo mục tiêu hiệu quả, phát triển nhanh và bền vững, đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Ông Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ

Các chủ trương CNH-HĐH nông nghiệp - nông thôn triển khai chậm và chưa thật hiệu quả, rõ hướng; môi trường thể chế yếu kém, chất lượng nguồn nhân lực thấp và kết cấu hạ tầng yếu vẫn là điểm nghẽn, nút thắt đang cản trở quá trình CNH-HĐH đất nước. Bên cạnh đó, nguồn lực đầu tư để thực hiện CNH có nơi còn dàn trải, thiếu trọng tâm, manh mún, không khai thác được lợi thế kinh tế theo quy mô.

Nhiều vùng kinh tế trọng điểm, khu kinh tế do quy hoạch không hợp lý hoặc duy ý chí đã không phát huy được tiềm năng, thế mạnh của vùng. Điều đáng nói, đến nay chúng ta vẫn chưa tìm được hướng đi và mô hình phát triển phù hợp để có thể tránh được bẫy thu nhập trung bình mà nhiều nước đi trước đang gặp phải.

Thực tế cho thấy mục tiêu đến năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp đã đề ra đang là một thách thức lớn. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nhận định: “Trở thành một nước công nghiệp trong thời gian quá ngắn là một mục tiêu chiến lược tham vọng đến mức không tưởng. Nếu mục tiêu trở thành nước công nghiệp thì nước công nghiệp là nước nào? Hoa Kỳ quá cao, 10 năm không kịp; Pháp cũng không được; Hàn Quốc càng không thể khi thu nhập bình quân đầu người của họ 30.000USD so với ta chỉ 1.500USD... Vậy nước công nghiệp Việt Nam hướng đến là đâu? Chúng ta không trả lời được” - TS. Trần Đình Thiên nói.

Lấn cấn nhận thức, tư duy

Tại buổi tham vấn chuyên gia nước ngoài về chiến lược tăng trưởng của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh cũng đặt vấn đề với 2 kịch bản phát triển kinh tế đất nước được nhắc đến nhiều: CNH hay phát triển dựa nhiều vào lợi thế nông nghiệp. Hiện nay, Việt Nam đang thực hiện mục tiêu đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, đến thời điểm này công nghiệp nước ta vẫn đang phát triển ở mức thấp. Vậy Việt Nam có nên tiếp tục theo đuổi con đường phát triển công nghiệp hay lựa chọn kịch bản thứ 2?

Trong một bài viết mới đây, nhóm nghiên cứu của Đại học Kinh tế quốc dân (GS.TS Ngô Thắng Lợi làm trưởng nhóm), nhận định giai đoạn gần đây sự đổi mới trong tư duy về phương thức cải biến nền kinh tế trong CNH thể hiện rõ trong việc chuyển sang mô hình CNH rút ngắn. Điều đáng tiếc chúng ta nhận thức không đầy đủ về điều kiện thực hiện và nội dung mô hình CNH rút ngắn - hiện đại.

Trong đó, nổi lên vai trò hạn chế của khu vực tư nhân và những chính sách của Nhà nước chưa tạo điều kiện để hoàn thiện sức mạnh của khu vực này với tư cách là chủ thể của quá trình CNH. “Chúng ta chỉ quan niệm CNH rút ngắn là phải tăng tốc và tìm mọi cách để tăng tốc, trong khi chưa xác định rõ việc tăng tốc phải được xây dựng trên nền tảng của tính bền vững và hiệu quả. Kết quả chúng ta đã phải trả giá quá cao cho bài toán tăng trưởng kinh tế nhanh và đi đôi với đó là sự cạn kiệt nguồn lực trên mọi phương diện” - nhóm nghiên cứu nhận định.

Có 3 yếu tố kinh tế cần được kích mạnh và xem như là đòn bẩy quá trình thực hiện CNH ở Việt Nam trong thời gian tới. Đó là đẩy mạnh khu vực kinh tế tư nhân, hoàn thiện cơ chế kinh tế thị trường hoạt động trong một nền hành chính công minh bạch và coi hội nhập quốc tế là động lực trực tiếp.

GS., TS. Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân

Mặt khác, dù quan niệm CNH rút ngắn là phải xây dựng các mũi đột phá, điểm động lực tăng trưởng, nhưng lại không có nhận thức đầy đủ về các động lực tăng trưởng là như thế nào? Nguyên nhân Việt Nam chưa thành công trong phát triển khu công nghiệp do tư duy phát triển đại trà, không có chiến lược và những mô hình theo hướng hiện đại; chưa thành công trong việc phát triển các vùng kinh tế trọng điểm do chưa có tư duy đúng về cấu trúc vùng trọng điểm, vì thế xu hướng mở rộng các vùng trọng điểm đã làm mất đi tính chất nổi trội, lợi thế của các vùng này.

Từ thực tế trên, việc lựa chọn, xây dựng mô hình mới về CNH-HĐH đưa đất nước phát triển bền vững trong thời gian tới là vấn đề đang được đặt ra. Tại cuộc hội thảo ở Vĩnh Phúc, mô hình được Ban Kinh tế Trung ương đưa ra thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Cụ thể, theo đề xuất này, mô hình CNH trong thời gian tới là mô hình CNH-HĐH rút ngắn hiện đại (gọi là CNH hiện đại). Trong đó, tập trung phát triển những ngành công nghiệp có tính chất cần thiết, quan trọng đối với tất cả lĩnh vực của quốc gia, là nền tảng của CNH. Ý tưởng này đòi hỏi đầu tư ban đầu lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và có cơ chế ưu đãi, đó là các ngành công nghiệp năng lượng, chế tạo, tự động.

Công nghiệp mũi nhọn và sản phẩm chủ lực

Theo TS. Phạm Xuân Đương, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, cần phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn gồm những ngành có lợi thế cạnh tranh và có điều kiện phát triển. Nhà nước cần tạo cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích và huy động các nguồn lực của tất cả thành phần kinh tế, trường hợp thật cần thiết Nhà nước mới đầu tư.

Các ngành công nghiệp mũi nhọn có thể phân thành các nhóm theo tính chất đặc thù như (nhóm công nghiệp mũi nhọn công nghệ cao: sản xuất năng lượng, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, công nghệ thông tin...; nhóm công nghiệp mũi nhọn có lợi thế: công nghiệp chế biến, nông, lâm, thủy hải sản, công nghiệp du lịch, công nghiệp vật liệu…; nhóm công nghiệp mũi nhọn cơ hội: công nghiệp điện tử, công nghiệp giải trí, dịch vụ tài chính, dịch vụ vận tải đa phương thức...).

TS. Phạm Xuân Đương cho rằng để các sản phẩm chủ lực tham gia sâu vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu phải định hướng phát triển các sản phẩm chủ lực có thế mạnh. Muốn vậy, Chính phủ cần có yêu cầu đối với các bộ, ngành, địa phương hoàn chỉnh quy hoạch phát triển các ngành hàng, sản phẩm, xuất xứ có lợi thế cạnh tranh để định hướng cho doanh nghiệp mở rộng đầu tư; các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng và đăng ký sản phẩm chủ lực tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường tính kết nối sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và xuất khẩu, tiêu thụ sản phẩm trên thị trường với chuỗi giá trị hàng hóa các sản phẩm có lợi thế và khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Trao đổi về việc Việt Nam nên chọn CNH hay phát triển dựa nhiều hơn nữa vào lợi thế nông nghiệp, GS. Dani Rodrik, chuyên gia về năng lực cạnh tranh và phát triển kinh tế đến từ Đại học Princeton, Hoa Kỳ, chia sẻ: “Có một thực tế rằng dù diễn biến gì xảy ra, số lượng người làm việc trong nông nghiệp sẽ bị giảm, kể cả có chiến lược tốt nhất cho lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy, Việt Nam ít có lựa chọn đối với 2 chiến lược này”.

Theo chuyên gia này, Việt Nam cần tìm cơ hội việc làm có năng suất cao cho những người dịch chuyển khỏi khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đặc biệt, Việt Nam cần tránh cách làm sai của những nước đã không làm tốt việc này, là giảm số người lao động khỏi nông nghiệp - nông thôn, nhưng lại tăng nhanh số người hoạt động trong các lĩnh vực phi chính thức với năng suất thấp như: bán lẻ, dịch vụ chất lượng thấp.

Đó là nguyên nhân làm giảm năng suất, giảm những điều kiện làm việc cơ bản của người lao động. Do vậy, Việt Nam phải tạo ra hoạt động năng suất cao trong lĩnh vực công nghiệp hoặc dịch vụ, tức mở rộng phát triển các lĩnh vực cho năng suất cao.