Công nghiệp ô tô chờ bước đột phá

Theo Thy Lê/thoibaokinhdoanh.vn

Năm 2021, các doanh nghiệp sản xuất ô trong nước kỳ vọng sẽ sớm giải quyết được bài toán nội địa hóa để kéo giảm giá thành sản xuất, lắp ráp ô tô. Từ đó, ô tô Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với ô tô nhập khẩu từ ASEAN cũng như nhiều nước khác.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số bán hàng của toàn thị trường tính đến hết tháng 12/2020 là 283.983 xe (giảm 8% so với năm trước). Tuy nhiên, so với mức suy giảm của các nước trong khu vực, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam được đánh giá là có triển vọng phát triển rất sáng sủa. 

Đi sau nhưng có thể bật lên

Theo Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), có 2 mục tiêu lớn nhất đối với ngành công nghiệp ô tô mà nhiều năm trước vẫn chỉ là kỳ vọng thì năm 2020 đã làm được. Một là tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu ô tô đi nhiều nước. Hai là VinFast và Thaco đã có thương hiệu riêng bên cạnh những dòng xe lắp ráp.

Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp ô tô lớn mạnh.   
Với quy mô dân số gần 100 triệu dân, Việt Nam hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp ô tô lớn mạnh.   
 

Tuy vậy, Cục Công nghiệp thừa nhận quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn quá nhỏ, thấp nhất trong 5 nước có ngành công nghiệp ô tô tại ASEAN, bằng 1/3 quy mô thị trường ô tô của Thái Lan, 1/4 của Indonesia... Điều đó dẫn đến ngành công nghiệp này khó có thể tăng cường tỷ lệ nội địa hóa để cắt giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm.

Ông Lê Ngọc Đức, Tổng giám đốc TC Motor, phụ trách khối ô tô của Tập đoàn Thành Công nhìn nhận, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển muộn hơn các nước trong khu vực 30 năm. Thái Lan, Malaysia, Indonesia phát triển công nghiệp ô tô từ những năm 1960, còn công nghiệp ô tô Việt Nam mãi đến năm 1991 mới ra đời. Vậy nên khi Việt Nam đặt "viên gạch" đầu tiên để xây dựng ngành ô tô thì gặp phải sự cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia trong khu vực.

Tuy nhiên, với quy mô dân số gần 100 triệu dân như Việt Nam, ở góc độ nhà đầu tư, ông Đức cho rằng: "Chúng ta hoàn toàn có thể phát triển công nghiệp ô tô. Để thực hiện được mong muốn này, chính sách của Chính phủ ban hành phải gắn chặt với nền tảng là ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô - "xương sống" quyết định thành công của công nghiệp ô tô".

Theo ông Đức, sản xuất xe ô tô trong nước trong thời gian tới phải làm sao hạ được giá thành nhưng phải đi kèm nâng cao chất lượng, có như vậy mới tạo được ưu thế so với xe nhập khẩu từ ASEAN, EU.

Thu hút FDI đầu tư vào công nghiệp phụ trợ

Để phát triển ngành ô tô trong nước cũng như nâng tỷ lệ nội địa hóa, hạ giá thành sản phẩm, Bộ Công Thương đề xuất tập trung giải quyết 2 điểm nghẽn về dung lượng thị trường và chênh lệch chi phí sản xuất với các quốc gia trong khu vực.

Trong câu chuyện tạo dung lượng thị trường và kích cầu tiêu dùng cho ngành ô tô, vấn đề hàng đầu là bảo vệ thị trường trong nước thông qua các hàng rào kỹ thuật phù hợp với các cam kết quốc tế; triển khai phương án quy hoạch và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ trên cả nước, khuyến khích giao thương hàng hóa giữa các vùng miền nhằm tạo điều kiện để thúc đẩy tiêu dùng ô tô.

Theo TS. Khương Quang Đồng, chuyên gia ô tô tại Pháp, dù Việt Nam là điểm đến nhận được nhiều chú ý, nhưng hiện tại ngành ô tô không đủ hấp dẫn vì thị trường nhỏ và công nghiệp sản xuất yếu. Nhưng sức hấp dẫn sẽ tăng khi thị trường tăng nhanh để đạt tới 1 triệu xe năm 2025 theo dự đoán, và nếu Chính phủ giảm phí trước bạ và giảm thuế tiêu thụ đặc biệt tính theo tỷ lệ nội địa hoá sẽ đưa công nghiệp sản xuất vào quỹ đạo đi lên và từ đó thu hút nhiều đầu tư.

Đồng thời, một số chuyên gia trong ngành ô tô cho rằng, điều quan trọng nhất với ngành này không phải là thu hút bao nhiêu doanh nghiệp (DN) sản xuất ô tô nước ngoài mở rộng đầu tư ở Việt Nam, mà phải phát triển được công nghiệp phụ trợ. Đây mới là giải pháp bền vững, cũng như kéo giảm giá thành sản xuất xe ô tô của Việt Nam để cạnh tranh tốt với các nước.

Đại diện TC Motor, ông Lê Ngọc Đức đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ban ngành để xây dựng chương trình đặc thù, ưu đãi đặc biệt cho ngành công nghiệp hỗ trợ  ô tô, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài vào công nghiệp hỗ trợ, đẩy mạnh chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cần có cơ chế để các DN FDI hợp tác với DN nội địa Việt Nam nhằm nâng cao năng lực, quy mô, tiến tới chuyển giao công nghệ hoàn toàn cho DN Việt Nam

Đồng thời, TC Motor kiến nghị hàng loạt chính sách khác. Theo đó, trong bối cảnh các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới có hiệu lực, áp lực ô tô nhập khẩu nguyên chiếc rất lớn, DN ô tô đề xuất Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương ban hành chính sách thúc đẩy nội địa hoá với sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước; chính sách ưu đãi nhập khẩu linh kiện cần được gia hạn và duy trì để tạo động lực phát triển cho ngành ô tô.

Các DN ô tô cũng kiến nghị xem xét bổ sung sản phẩm ô tô vào danh mục công nghệ cao, khuyến khích sản xuất, từ đó giúp DN đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm ô tô Việt Nam.