Công tác điều hành giá đã tiến một bước dài

Theo kinhtevadubao.com.vn

(Tài chính) Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá, việc điều hành giá xăng dầu đã tiến một bước khá dài. Trong năm nay đã có 11 đợt giảm giá xăng dầu, phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới. Giá điện cũng đã tiến một bước, giá sữa, dịch vụ y tế, giáo dục cũng đã được bình ổn.

 Công tác điều hành giá đã tiến một bước dài
Toàn cảnh phiên họp. Nguồn: internet

Ban Chỉ đạo Điều hành giá họp phiên đầu tiên vào sáng 9/12, do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban Chỉ đạo, chủ trì.

Giá đã vận hành theo cơ chế thị trường

Theo báo cáo về điều hành giá cả tại Hội nghị nêu rõ,  trong 11 tháng đầu năm 2014, Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông Vận tải… đã chủ trì hoặc phối hợp với các bộ, ngành liên quan điều hành giá các mặt hàng quan trọng, thiết yếu, như: xăng, dầu, điện, than, dịch vụ y tế, giáo dục… theo hướng từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Trong đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá trên địa bàn, đến nay đã có nhiều doanh nghiệp vận tải bằng xe ô tô đã thực hiện giảm giá cước vận tải và kê khai lại tại sở tài chính, sở giao thông vận tải địa phương.

Bên cạnh đó, tính đến 12/2014, cơ quan quản lý đã công bố giá tối đa và giá đăng ký của 606 sản phẩm sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, mức giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi đã giảm khoảng 0,1 – 34% tùy từng chủng loại sữa so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá…

Một mặt hàng quan trọng khác trong rổ giá cả là xăng dầu trong nước tiếp tục được điều hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo Nghị định số 83/2014/NĐ-CP, ngày 03/9/2014 của Chính phủ một cách linh hoạt, đồng thời sử dụng các công cụ tài chính nhằm góp phần bình ổn mặt bằng giá chung…

Đặc biệt, công tác quản lý, điều hành giá năm 2014 đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Tiếp tục ổn định nền kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát…” đề ra tại Nghị quyết số 01/NĐ-CP ngày 02/01/2014 của Chính phủ: Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng thấp (chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2014 chỉ tăng 2,08% so với tháng 12/2013 – đây là mức tăng thấp nhất so với mức tăng cùng kỳ hơn 10 năm gần đây), giá cả thị trường cơ bản ổn định, nguồn cung hàng hóa dồi dào về số lượng, đa dạng về chủng loại; không xảy ra thiếu hàng, tăng giá đột biến.

Đồng thời, đã tiếp tục từng bước thực hiện nhất quán chủ trương của Đảng, Quốc hội và Chính phủ điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu, như: điện, than bán cho sản xuất điện, xăng dầu, giá dịch vụ giáo dục, dịch vụ khám chữa bệnh… theo đúng chủ trương và lộ trình đã đề ra.

Ngoài ra, các cơ quan chức năng đã thực hiện có hiệu quả công tác bình ổn giá dịch vụ bốc dỡ container tại khu vực Cảng Cái Mép - Thị Vải, giá cước vận tải ô tô và các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đánh giá việc điều hành giá xăng dầu đã tiến một bước khá dài. Trong năm nay đã có 11 đợt giảm giá xăng dầu, phù hợp với diễn biến của thị trường thế giới. Giá điện cũng đã tiến một bước, giá sữa, dịch vụ y tế, giáo dục cũng đã được bình ổn.

Phải truyền thông kịp thời, đầy đủ tới nhân dân

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh, tinh thần điều hành giá cả là kiên trì thực hiện theo nguyên tắc thị trường; chủ động, linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, một trong những bài học quan trọng đối với công tác điều hành giá cả là công khai, minh bạch chính sách, truyền thông kịp thời, đầy đủ tới nhân dân.

Vì vậy, Phó Thủ tướng đề nghị mỗi thành viên trong Ban Chỉ đạo có trách nhiệm minh bạch chính sách và giải trình với xã hội mỗi khi có dư luận về giá cả mặt hàng mình quản lý.

Định hướng điều hành cho năm 2015, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tiếp tục điều hành giá theo nguyên tắc thị trường, kiên quyết xóa bao cấp và không bao cấp tràn lan về giá. Những đối tượng nào thuộc diện chính sách sẽ được Nhà nước hỗ trợ trực tiếp. Điều hành giá phải thống nhất từ Trung ương tới các địa phương.

Trước mắt để chuẩn bị cho Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương có các biện pháp quản lý bình ổn giá cả thị trường như chuẩn bị tốt cung-cầu hàng hoá, tăng cường chống buôn lậu, kinh doanh hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại...

Tại Phiên họp, các thành viên Ban Chỉ đạo đều cho rằng năm 2014, công tác quản lý, điều hành giá có bước phát triển dài, tác động lớn tới ổn định kinh tế vĩ mô. Các cơ quan chức năng chủ động, kịp thời truyền thông về điều hành giá, tránh gây dư luận không tốt và ổn định tâm lý người dân.

Bên cạnh đó, công tác điều hành cung-cầu của Chính phủ tốt nên đã ổn định giá cả. Điều hành giá đi liền với cải thiện môi trường kinh doanh, phòng, chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Vào tháng 5/2014, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Điều hành giá với các thành viên gồm lãnh đạo các bộ, cơ quan: Tài chính, Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã ký quyết định về danh sách các thành viên tham gia Ban Chỉ đạo gồm 10 người: Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng-Phó Trưởng Ban chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đào Quang Thu, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Mạnh Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tùng và Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến.