Giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, siêu thị để tránh tình trạng găm hàng, trục lợi
Trao đổi với Tạp chí Tài chính chiều 16/9/2024, ông Phạm Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, sau bão số 3 (Yagi), các địa phương phải giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn để tránh tình trạng găm hàng, trục lợi; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn để tăng giá bất hợp lý.
Phóng viên: Xin ông cho biết công tác điều hành, quản lý giá được triển khai thế nào sau cơn bão số 3?
Phó Cục trưởng Phạm Văn Bình: Trong 8 tháng năm 2024, công tác quản lý, điều hành giá đã được triển khai đồng bộ, kịp thời theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban chỉ đạo điều hành giá.
Theo đó, các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai quyết liệt nhiều giải pháp và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tiêu biểu như: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân của 8 tháng năm 2024 tăng khoảng 4,04% so với cùng kỳ. Mức tăng này nằm trong kịch bản điều hành giá của Ban Chỉ đạo điều hành giá, đáp ứng được mục tiêu kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ (CPI bình quân từ 4% đến 4,5%).
Tuy nhiên, bão Yagi đi qua một số địa phương và gây ra hậu quả rất lớn, nhất là hoàn lưu bão tác động đến sản xuất nông nghiệp và làm đứt gãy giao thông vận chuyển hàng hóa một số nơi, một số thời điểm đã xuất hiện việc khan hiếm cục bộ một số mặt hàng như rau, củ quả, thực phẩm, nước uống. Điều này dẫn tới việc tăng giá cục bộ tại một số địa bàn, ảnh hưởng đến sinh hoạt, tiêu dùng của Nhân dân.
Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rất sát sao về công tác quản lý, điều hành giá nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính với vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá đã có nhiều giải pháp để triển khai công tác này.
Cụ thể, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có Công điện số 03/CĐ-BTC ngày 13/9/2024, trong đó đề nghị các bộ, ngành, địa phương, cũng như đơn vị thuộc Bộ Tài chính triển khai đồng bộ các giải pháp để góp phần kiểm soát lạm phát, cũng như đảm bảo hoạt động cung ứng hàng hóa trên thị trường.
Phóng viên: Những nhóm giải pháp quản lý, điều hành giá nào sẽ được tập trung triển khai sau cơn bão 3, thưa ông?
Phó Cục trưởng Phạm Văn Bình: Với nhóm giải pháp thứ nhất, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục triển khai đồng bộ, quyết liệt Công điện số 61/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá, để đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, quyết liệt chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá đã nêu tại các Thông báo: Số 193/TB-VPCP ngày 03/5/2024; Số 274/TB-VPCP ngày 24/6/2024.
Với nhóm giải pháp thứ hai, Bộ Tài chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương linh hoạt trong sử dụng các biện pháp quản lý, điều hành giá đảm bảo đi vào thực chất và thực sự hiệu quả. Trong đó, tập trung giám sát chặt chẽ việc kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá để hoạt động thông tin về giá được minh bạch để mọi người đều thấy, đều hiểu và nắm được các nội dung liên quan.
Đồng thời, trong quá trình tổ chức điều hành giá, cần tăng cường công tác truyền thông để toàn bộ người dân nắm bắt được các thông tin trong quản lý, điều hành giá.
Bên cạnh các giải pháp trên, một giải pháp trọng tâm khác là tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các vi phạm mà liên quan tới hoạt động quản lý, điều hành giá.
Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 87/2024/NĐ-CP của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá. Đây là văn bản pháp lý quan trọng để đưa hoạt động quản lý, điều tiết giá thị trường phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Với nhóm giải pháp thứ ba liên quan trực tiếp tới các bộ, ngành, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đề nghị các bộ, ngành tăng cường sự phối hợp với Bộ Tài chính, cũng như chủ động, nắm bắt tình hình giá cả thị trường của những mặt hàng mà thuộc lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, từ đó tham mưu cho Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời.
Cùng với đó, các bộ, ngành theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến cung – cầu, giá cả hàng hóa dịch vụ để từ đó có phân tích, đánh giá để đề xuất các giải pháp cho phù hợp với từng bối cảnh, với từng mặt hàng và từng thời điểm cụ thể trong quản lý, điều hành giá.
Đồng thời, các bộ, ngành chủ động cung ứng và lưu thông hàng hóa dịch vụ do bộ, ngành mình quản lý để từ đó có giải pháp điều hành đồng bộ, góp phần chung vào công tác quản lý, điều hành giá của cả nước.
Với các mặt hàng do Nhà nước định giá, dịch vụ công thực hiện theo lộ trình thị trường, các bộ, ngành theo lĩnh vực quản lý cũng phải chú ý điều chỉnh giá đối với hàng hóa, dịch vụ này, để không kiểm soát mức tăng CPI theo mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội đã đề ra.
Phóng viên: Bên cạnh các giải pháp trên, công tác quản lý điều hành, quản lý giá tại các địa phương trong thời gian tới cần triển khai thế nào, thưa ông ?
Phó Cục trưởng Phạm Văn Bình: Trong thời gian qua, các địa phương đã đồng hành với Chính phủ cùng với các bộ, ngành kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, với bối cảnh như hiện nay và thời gian tới, các địa phương phải chú ý nắm bắt sát diễn biến thị trường về cung - cầu hàng hóa trên địa bàn của mình để đưa ra giải pháp phù hợp.
Đặc biệt, sau bão Yagi, các địa phương phải giám sát chặt chẽ các chợ đầu mối, siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn, để tránh tình trạng găm hàng trục lợi; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn để tăng giá bất hợp lý. Hành vi này cũng được quy định cụ thể trong Luật Giá năm 2023 và mức xử phạt về hành vi này được nêu rõ tại Nghị định số 87/2024/NĐ-CP.
Ngoài giải pháp trên, các địa phương cần đảm bảo, tạo điều kiện để hàng hóa được lưu thông thông suốt. Việc cung ứng hàng hóa được diễn ra liên tục, từ đó có biện pháp cho mặt bằng hàng hóa, nhất là đối với hàng hóa thiết yếu được kiểm soát theo đúng mục tiêu của Ban Chỉ đạo điều hành giá, Chính phủ đã đề ra.
Các địa phương cũng cần làm tốt công tác tổng hợp thông tin, dự báo giá cả thị trường tại địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính cũng như các bộ, ngành theo từng lĩnh vực để có các giải pháp ứng phó phù hợp.
Với sự nỗ lực quyết tâm vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị thì chúng ta tin rằng mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2024 sẽ đảm bảo theo mục tiêu của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông!