Công tác phòng, chống tham nhũng đạt được nhiều kết quả quan trọng

PV. (Tổng hợp)

Tiếp tục thực hiện chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 23/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2021. Sau đó, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác này.

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, thực hiện theo Quy định số 32-QĐ/TW được Bộ Chính trị ban hành ngày 16/9/2021, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tiêu cực đã sâu sát, quyết liệt, chỉ đạo toàn diện công tác PCTN; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác giám định, định giá tài sản, nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản; phát huy ngày càng hiệu quả cơ chế chỉ đạo, xử lý các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Công tác xây dựng, hoàn thiện chể chế, chính sách về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN được tiếp tục quan tâm.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Ban Chỉ đạo cũng đã xây dựng, hoàn thành nhiều Đề án, nhiệm vụ quan trọng theo Kết luận và Chương trình công tác của Bộ Chính trị; chú trọng chỉ đạo sơ kết, tổng kết thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả công tác PCTN; chỉ đạo tổng kết công tác PCTN trên phạm vi toàn quốc và tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, qua đó khẳng định những kết quả đạt được, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện PCTN trong giai đoạn mới, lan tỏa quyết tâm đấu tranh PCTN trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân...

Ngoài ra, trong chỉ đạo, điều hành, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương bám sát và triển khai quyết liệt các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội liên quan đến công tác đấu tranh PCTN, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành nhưng luôn bám sát thực tiễn, nhận diện đúng tình hình để đưa ra quyết sách kịp thời, chính xác, đạt hiệu quả cao nhất trong công tác PCTN; không để công việc trì trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh, kiên quyết xử lý nghiêm mọi trường hợp lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp khẳng định, công tác PCTN đã đạt được những kết quả quan trọng trong năm 2021 về nhiều mặt như: lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN; xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội và hợp tác quốc tế trong PCTN; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh hoạt động của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; tăng cường PCTN tại các doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước; thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo góp phần phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 18/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ); chỉ đạo xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị toàn quốc để tổng kết thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN, Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, phục vụ cho việc xây dựng Chiến lược, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan tham gia phối hợp, nghiên cứu, xây dựng các Đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành và chỉ đạo ban hành như: quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực PCTN; Đề án “Nghiên cứu, mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng”; Đề án “Nghiên cứu vấn đề xử lý hình sự về hành vi làm giàu bất hợp pháp”; Đề án “Quy chế phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm soát tài sản, thu nhập”…

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng cho biết, về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục tăng cường, kịp thời phổ biến, tổ chức quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện Quy định số 65-QĐ/TW ngày 03/02/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về chỉ đạo, định hướng cung cấp thông tin tuyên truyền PCTN, các cơ quan chức năng đã chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí thông tin kịp thời kết quả các phiên họp, cuộc họp của Ban Chỉ đạo, kết quả xử lý kỷ luật của Đảng, kết luận thanh tra, kiểm toán, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các cơ quan thông tấn, báo chí có nhiều bài viết, chuyên đề, phóng sự tuyên truyền, lan tỏa những kết quả nổi bật về công tác đấu tranh PCTN; đồng thời chú trọng đưa tin bài biểu dương gương người tốt, việc tốt trong công tác đấu tranh PCTN; tích cực đấu tranh phản bác luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, góp phần tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội, cổ vũ, động viên, khích lệ Nhân dân tích cực tham gia đấu tranh PCTN.

“PCTN là nhiệm vụ quan trọng, khó khăn, phức tạp, do vậy PCTN phải được tiến hành thường xuyên, liên tục, lâu dài, khắc phục tư tưởng nóng vội, chủ quan hoặc trì trệ, cầm chừng, thiếu quyết liệt; đồng thời phải huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, Nhân dân và toàn xã hội trong đấu tranh PCTN, phát huy đầy đủ vai trò trách nhiệm của cơ quan và đại biểu dân cử, mặt trận tổ quốc, các tổ chức thành viên, doanh nghiệp, doanh nhân trong PCTN”.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long

 

Bên cạnh những kết quả trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng chỉ ra rằng công tác phòng, chống tham nhũng còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: công tác tổ chức, cán bộ và quản lý cán bộ, công chức, viên chức để PCTN vẫn còn hạn chế; việc thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng còn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ, kiểm tra, đánh giá chưa thường xuyên; việc xử lý tài sản liên quan đến các vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế còn chậm; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp so với tài sản bị chiếm đoạt, thiệt hại...

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long báo cáo, Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Báo cáo tóm tắt thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác PCTN năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, năm 2021, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN vẫn tiếp tục được đẩy mạnh với quyết tâm chính trị cao hơn, hành động mạnh mẽ, “không dừng”, “không nghỉ”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” và đạt được nhiều kết quả tích cực; tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, có chiều hướng thuyên giảm, qua đó góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta. Công tác PCTN đạt được nhiều kết quả tích cực trên các mặt: Xây dựng, hoàn thiện thể chế về PCTN; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN, phát huy vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN...

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cũng chỉ rõ, công tác này trong một số trường hợp còn chưa thực sự chuyển biến. Người đứng đầu một số cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng; chưa thực sự gương mẫu, nói chưa đi đôi với làm, còn nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm. Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật. Còn có trường hợp phóng viên, nhà báo thoái hóa, biến chất “tống tiền”, cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp, cán bộ, công chức…

Việc xử lý vi phạm được phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm toán, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa tương xứng với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, chủ yếu là xử lý hành chính, kỷ luật. Việc tiếp công dân ở một số đơn vị, địa phương chưa được thực hiện nghiêm theo quy định của pháp luật. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn có những hạn chế nhất định; có trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng xảy ra từ nhiều năm trước nhưng chậm được phát hiện, xử lý, gây ảnh hưởng đến công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước. Công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ việc, vụ án tham nhũng còn chưa đạt yêu cầu. Kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế còn thấp...

Toàn cảnh phiên họp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều 23/10.
Toàn cảnh phiên họp Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV chiều 23/10.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, trong năm 2021, tình hình tội phạm tiếp tục có những diễn biến phức tạp, một số loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng có chiều hướng gia tăng, tiềm ẩn nguy cơ “lợi ích nhóm”, “sân sau”, tập trung vào một số lĩnh vực như đấu thầu, đấu giá, cổ phần hoá, tín dụng, ngân hàng, y tế, giáo dục... Đã phát sinh một số tội phạm tham nhũng liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp vẫn tiếp tục diễn ra trên nhiều lĩnh vực; tình hình tội phạm tham nhũng trong cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan có nhiệm vụ PCTN vẫn còn...

Do vậy, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh, tạo chuyển biến rõ rệt hơn công tác phát hiện, xử lý tham nhũng ở các bộ, ngành, địa phương, nhất là việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ; xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn tăng cường chỉ đạo xử lý nghiêm tình trạng tham nhũng, tiêu cực tại các cơ quan có chức năng PCTN, các cơ quan tư pháp. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng đề nghị Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, các cơ quan hữu quan tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; tập trung hơn vào những lĩnh vực nổi cộm, đang gây bức xúc trong dư luận gần đây như lĩnh vực y tế, giáo dục, việc tổ chức triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về hỗ trợ và phòng, chống dịch bệnh COVID-19, việc huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện...

“Tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội”.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga