Công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương ngày càng chuyên nghiệp

Yến Tâm

Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan Công Thương từng bước thể hiện tính chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu; công tác cải cách hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công tác khuyến công, xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ... ngày càng phát huy hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Hội nghị.

Sáng ngày 11/10, tại TP. Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Bộ Công Thương đã phối hợp với Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 10, năm 2024. Tham dự Hội nghị, có sự góp mặt của đại diện Lãnh đạo UBND, Sở Công Thương các tỉnh thành phố khu vực phía Nam.

Đây là một trong chuỗi sự kiện ngành Công Thương nhằm mục đích đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của các tỉnh, thành phố trong khu vực phía Nam năm 2023 và 9 tháng năm 2024, qua đó, đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 3 tháng cuối năm 2024.

Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết khu vực phía Nam là đầu tầu kinh tế lớn nhất cả nước, phát triển năng động, có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, bền vững, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, đầu mối trong hội nhập, mở rộng giao thương, hợp tác kinh tế có hiệu quả với các nước trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ mà hạt nhân là TP. Hồ Chí Minh là trung tâm lớn, năng động về kinh tế, khoa học công nghệ; Vùng Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm sản xuất lương thực quốc gia, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông, thuỷ sản của cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị.
Toàn cảnh Hội nghị.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã cùng thảo luận, trao đổi kinh nghiệm nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc có liên quan trong công tác quản lý nhà nước của các sở, ngành ở địa phương, qua đó đề ra giải pháp thúc đẩy  sản xuất kinh doanh, tạo liên kết, hỗ trợ, hợp tác trong phát triển ngành Công Thương thương mỗi tỉnh, thành phố và toàn khu vực.

Theo đó, được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Công Thương, UBND các tỉnh, thành phố, toàn Ngành đã nỗ lực triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Nhờ đó, công tác quản lý nhà nước của các cơ quan Công Thương ở địa phương từng bước thể hiện tính chuyên nghiệp và đi vào chiều sâu; công tác cải cách hành chính, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, công nghiệp hỗ trợ... ngày càng phát huy hiệu quả.

Mặc dù tình hình kinh tế thế giới, trong nước, trong khu vực còn gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng hoạt động các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục duy trì ổn định và phát triển. Tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghiệp toàn khu vực năm 2023 đạt 106,02% so cùng kỳ; có 15/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của cả nước (cả nước tăng 1,5%). 9 tháng năm 2024 chỉ số sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2023.

Về hoạt động thương mại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của khu vực phía Nam đạt 2.442,330 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của khu vực phía Nam thực hiện ước đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ. Một số tỉnh, thành phố có mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ...

Tính đến 30/9/2024, khu vực phía Nam có 1.772/1.840  xã đạt tiêu chí số 4 về điện, đạt tỷ lệ chung cả khu vực 96,3%, bằng bình quân chung của cả nước (96,3%). Một số địa phương đạt tỷ lệ cao như: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bình Thuận, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Tiền Giang, TP. Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh, Trà Vinh, Vĩnh Long, đạt tỷ lệ 100%.

Hội nghị đã cùng thống nhất đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp các tháng cuối năm 2024 với nhiều điểm quan trọng, cụ thể:

Về lĩnh vực công nghiệp, trên cơ sở quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, các địa phương khẩn trương rà soát, bổ sung các chiến lược, đề án, phương án và kế hoạch phát triển các ngành kinh tế, nhất là lĩnh vực Công Thương để tích hợp vào quy hoạch tỉnh. Đồng thời, các địa phương tiếp tục phát triển mạnh các vùng sản xuất, các khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp để chủ động hơn nguồn cung ứng nguyên liệu trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu. Hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm đối tác sản xuất nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước đủ khả năng sản xuất thay thế nguồn nhập khẩu trong ngắn hạn, trung hạn cũng như trong dài hạn.

Về lĩnh vực thương mại, tiếp tục phối hợp với các sở, ngành ở địa phương hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện hiệu quả các mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch, đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu. Tích cực tranh thủ mọi nguồn vốn để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại, nhất là hệ thống chợ, tạo lập các kênh, luồng lưu thông hàng hóa giữa thành thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Về năng lượng, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện trên địa bàn từng tỉnh, thành phố Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2021-2025, thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Ngoài ra, tích cực phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Công ty Điện lực và các địa phương tập trung tổ chức triển khai thực hiện các dự án đầu tư lưới điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt...

 

Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ 10 năm 2024 đã tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong khu vực gặp gỡ, tìm kiếm cơ hội hợp tác, xúc tiến đầu tư và thương mại nhằm tăng cường các hoạt động liên kết đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh giao thương giữa các địa phương trong khu vực. Trên cơ sở quan điểm, định hướng chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã quán triệt, cụ thể hóa trong các chương trình, kế hoạch hành động, tập trung rà soát, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, nhanh chóng những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đề ra; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm huy động mọi nguồn lực cho phát triển.