Công ty chứng khoán nóng với bài toán tăng vốn

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

Tăng vốn để đủ điều kiện tham gia TTCK phái sinh, để tồn tại và phát triển, để có nguồn duy trì dịch vụ cấp vốn cho khách hàng khi dòng vốn vay từ ngân hàng suy giảm… Nhu cầu tăng vốn của các CTCK là cấp thiết, song không dễ thực hiện.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Khó nhưng sẽ cố thực hiện

“Quá khó để tăng vốn trong bối cảnh hiện tại”, tổng giám đốc một CTCK có quy mô vốn 350 tỷ đồng nói khi chia sẻ về kế hoạch huy động vốn cổ phần. Theo vị này, việc huy động vốn hiện nay đang rất khó khăn, nhất là đối với CTCK bởi tỷ suất lợi nhuận trên vốn điều lệ bình quân trong ngành chứng khoán khá thấp so với các ngành khác, chưa đến 2% và không ít CTCK có doanh thu không bù đắp được chi phí hoạt động.

“Công ty dự kiến tăng vốn thêm 200 tỷ đồng. Việc phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu là rất khó, phát hành ra công chúng trong tình hình thị trường hiện nay cũng không dễ thu hút được NĐT. Do đó, Công ty có thể sẽ huy động vốn từ các cổ đông lớn và cổ đông sáng lập”, vị tổng giám đốc trên cho biết.

Tại CTCK Đầu tư Việt Nam (IVS), công ty này có kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 161 tỷ đồng lên 350 tỷ đồng từ năm 2014, nhưng dự kiến đến quý II/2016 mới thực hiện được. IVS dự định phát hành 18,9 triệu cổ phần, trong đó phát hành 8,05 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP theo tỷ lệ 2:1 và phát hành 10,850 triệu cổ phần cho đối tác chiến lược và NĐT nước ngoài, cũng với giá 10.000 đồng/CP. Tại ĐHCĐ vừa qua, IVS thực hiện ký kết với các đối tác Trung Quốc trong việc cam kết mua số cổ phần phát hành cho cổ đông chiến lược.

Áp lực tăng vốn không chỉ đối với các CTCK nhỏ, mà ngay những CTCK lớn cũng đang trăn trở, một số công ty tính đến phương án trả cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngày 23/4 tới, CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) sẽ tổ chức ĐCHĐ, một trong những nội dung quan trọng mà BSC trình đại hội thông qua là kế hoạch tăng vốn điều lệ. Theo đó, BSC sẽ tăng vốn điều lệ từ 865 tỷ đồng lên tối thiểu 1.500 tỷ đồng, tùy theo quy mô của thị trường và sự quan tâm của NĐT, có thể tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng vào năm 2020 nếu điều kiện thuận lợi. Tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tối đa là 49%.

Riêng năm 2016, BSC sẽ tăng vốn điều lệ bằng cách phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho NĐT tài chính, hoặc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức. Đối với phát hành cổ phiếu riêng lẻ, số cổ phần phát hành tối thiểu 13,5 triệu đơn vị, tối đa 63,5 triệu đơn vị, với giá không thấp hơn 10.000 đồng/CP. Số lượng NĐT dự kiến từ 1 - 3 NĐT trong nước và nước ngoài.

Sau phát hành, dự kiến vốn điều lệ tăng tối thiểu lên 1.000 tỷ đồng, tối đa 1.500 tỷ đồng. Đối với phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức, số lượng dự kiến phát hành là 4,325 triệu đơn vị, tỷ lệ 5%. Kế hoạch tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng đã được BSC tính toán từ năm 2015, nhưng chưa thực hiện được, nên năm nay không thể trì hoãn.

Tìm vốn bằng trái phiếu

Trái phiếu là công cụ nợ, không giúp các CTCK tăng vốn điều lệ, nhưng giúp khối công ty này có thêm vốn hoạt động và mở rộng cho vay giao dịch ký quỹ (margin). Không ít CTCK đã lựa chọn huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu doanh nghiệp và thực hiện thành công như CTCK Vietcombank (VCBS), CTCK Tân Việt (TVSI), CTCK Trí Việt (TVSC)…

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch TVSI cho biết, hầu hết trái phiếu các CTCK phát hành đều tính lãi suất bằng lãi suất bình quân của Vietcombank tại thời điểm áp dụng cộng thêm 3,5%/năm, nghĩa là rơi vào khoảng 9,5 - 10%/năm, trong khi mức lãi suất các CTCK áp dụng cho khách hàng vay margin dao động từ 12 - 13,5%/năm. Việc các CTCK huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu đến thời điểm này được đánh giá là không có nhiều rủi ro, thậm chí đang sinh lời cho công ty.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, hiện nay, chi phí vốn huy động trái phiếu của CTCK đang cao hơn so với việc cấp margin dựa trên nguồn vay ngân hàng, nên lãi suất cho vay margin đến NĐT trong thời gian tới có thể sẽ tăng, nhất là trong bối cảnh lãi suất huy động của các ngân hàng đang có dấu hiệu tăng.