Sở hữu chéo giữa ngân hàng thương mại và công ty niêm yết trên TTCK
Trong lĩnh vực tài chính, quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán có thể tác động tiêu cực trong nền kinh tế, gây ra tình trạng nợ xấu và ảnh hưởng đến mặt quản lý, khó kiểm soát dòng vốn chảy thực trong thị trường tài chính. Thông qua việc phân tích đòn bẩy tài chính và chi phí sử dụng nợ của các ngân hàng và công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, bài viết phân tích mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp, từ đó đưa ra đề xuất cho Việt Nam.
Các góc nhìn về sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp
Sở hữu chéo trong lĩnh vực tài chính là việc một số chủ thể sở hữu vốn một cách gián tiếp hay trực tiếp từ ngân hàng, doanh nghiệp hay các ngân hàng thương mại nhà nước hoặc các ngân hàng thương mại, doanh nghiệp có sở hữu cổ phần lẫn nhau.
Trên thế giới, sở hữu chéo tồn tại khá lâu đời ở các nước tư bản từ những năm 1980-1990, cụ thể là ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác, doanh nghiệp này sở hữu một doanh nghiệp khác hoặc doanh nghiệp này sở hữu một ngân hàng khác, hoặc một tổ chức tài chính nắm giữ cổ phần của một doanh nghiệp. Theo các chuyên gia tài chính, nhìn một cách khách quan, sở hữu chéo có thể giúp gia tăng vốn cho thị trường chứng khoán, qua đó giúp cho thị trường thanh khoản và phát triển ngày càng lớn mạnh. Tuy nhiên, hình thức sở hữu phải được pháp luật quy định và có giới hạn tỷ lệ nắm giữ một cách chặt chẽ.
Thực tế cho thấy, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp có thể tạo điều kiện cho doanh nghiệp giảm chi phí vốn, gia tăng tỷ lệ nợ phù hợp với lý thuyết “chi phí hành chính”, giảm đi thông tin bất cân xứng và chi phí quản lý, tạo điều kiện gia tăng tín dụng phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh. Về phía ngân hàng, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng có thể hỗ trợ tích cực cho nhau, ngân hàng có thể cung cấp nhiều dịch vụ khác nhau cho doanh nghiệp. Hơn nữa, trong trường hợp thông tin bất cân xứng diễn ra, ngân hàng chỉ có thể biết được thông tin bên ngoài doanh nghiệp và mơ hồ về con nợ của mình để đưa ra quyết cho vay một cách chính xác.
Điều này sẽ làm gia tăng rủi ro của các khoản vay, do vậy các ngân hàng thường tìm cách giảm thông tin bất cân xứng bằng nhiều cách khác nhau, trong đó họ có thể “đưa người” vào trong thành viên hội đồng quản trị (Mariolis, 1975) của doanh nghiệp. Thông qua các thành viên trong ban giám đốc, các ngân hàng có thể giữ cho các công ty được quản lý dưới ảnh hưởng của họ. Nói cách khác, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp (thông qua việc ngân hàng sở hữu cổ phiếu của các doanh nghiệp) góp phần làm cho hoạt động tín dụng có chiều hướng tốt, thông tin liên lạc giữa các bên rõ ràng và cụ thể hơn.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết vấn đề thông tin và giảm thiểu sự không hoàn hảo của thị trường tài chính. Việc nắm giữ cổ phần của một doanh nghiệp cũng sẽ giúp ngân hàng giảm thiểu được chi phí hành chính, bởi nếu không các ngân hàng phải bỏ ra chi phí để tiếp cận các nguồn thông tin tài chính khác nhau để tìm kiếm lợi nhuận từ các danh sách khách hàng.
Điều này đôi khi làm cho ngân hàng không tìm được các doanh nghiệp tiềm năng và làm giảm động cơ vay mượn của các doanh nghiệp. Về phía doanh nghiệp, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ngân hàng nắm vốn cổ phần của một doanh nghiệp có thể làm giảm bớt xung đột lợi ích và thường có ảnh hưởng tích cực đến hiệu suất công ty. Nghiên cứu của Mahrt-Smith (2000) đã cho thấy ngân hàng chỉ nắm giữ phần thiểu số cổ phần của một doanh nghiệp cũng có thể làm cải thiện và khuyến khích các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn.
Mặt khác, sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp thường tạo ra thanh khoản tốt hơn đồng thời làm giảm đi các hạn chế về tài chính của doanh nghiệp. Sở hữu chéo giúp cho doanh nghiệp chấp nhận việc đầu tư một cách nhẹ nhàng hơn và làm giảm tỷ lệ Nợ/Vốn chủ sở hữu. Bên cạnh đó, nhiều bằng chứng thực tế đã chỉ ra rằng việc sở hữu chéo có thể giúp ngân hàng trực tiếp giám sát mọi hoạt động của doanh nghiệp cũng như có khả năng gắn kết các ưu đãi của ngân hàng với các doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực trạng này cũng làm phát sinh những băn khoăn xung quanh động cơ của ngân hàng là nhằm tối đa hóa lợi nhuận của doanh nghiệp hay chỉ để bảo vệ lợi ích của chính ngân hàng?
Thực tế cũng cho thấy, những cá nhân từ ngân hàng tham gia điều hành quản lý doanh nghiệp sẽ đối mặt với vấn đề mâu thuẫn về lợi ích, bởi vì trong cương vị quản lý, cá nhân này có thể sử dụng quyền hạn của mình để làm lợi cho ngân hàng thay vì doanh nghiệp. Thêm vào đó, nhóm lợi ích đóng vai trò sở hữu trực tiếp các doanh nghiệp hình thành từ các mối quan hệ gia đình, sự liên minh giữa các bên hay các hành vi thâu tóm lẫn nhau với mục đích tăng vốn hoặc tạo ra “sân sau” thực hiện hoạt động tín dụng thường làm cho tình hình sở hữu chéo thêm tồi tệ.
Điều này dẫn đến một mạng lưới các mối quan hệ “không thể bẻ gãy” giữa doanh nghiệp và ngân hàng, thường lợi dụng quyền sở hữu, quyền biểu quyết để quản trị và đưa ra các quyết định tín dụng. Thực tế thời gian qua tại Việt Nam cho thấy “sở hữu chéo” đang được hiểu và áp dụng một cách bóp méo, như vậy từ đó gây ra hệ lụy lớn cho nền kinh tế, tạo ra các ứng xử tiêu cực trong quá trình thực hiện tăng vốn và quản trị, cản trở năng lực cạnh tranh của DN, tác động đến phân bổ quyền sở hữu tài sản và tạo ra nợ xấu trong hệ thống tài chính quốc gia.
Phương pháp nghiên cứu
Thống kê cho thấy, đến nay có trên 220 công ty đang niêm yết trên sàn chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và trên 360 công ty đang niêm yết tại sàn chứng khoán Hà Nội, trong đó các công ty phi tài chính chiếm khoảng 60%, 7 ngân hàng đang niêm yết trên sàn TP. Hồ Chí Minh và 3 ngân hàng đang niêm yết trên sàn Hà Nội.
Hiện tổng cộng có 30% doanh nghiệp có mối liên hệ trực tiếp với ngân hàng, điều này tạo ra một liên kết chặt chẽ giữa ngân hàng và doanh nghiệp trên sàn nhưng cũng làm gia tăng nghi ngờ về tính cạnh tranh của hệ thống ngân hàng và tính hiệu quả trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Hơn nữa, từ năm 2010, nhằm bảo đảm cho an toàn hệ thống, Chính phủ đặt ra yêu cầu vốn của các ngân hàng thương mại phải đạt 3000 tỷ đồng, khiến cho các ngân hàng đối mặt không ít áp lực nên tìm cách “hợp thức hóa” sở hữu chéo nhằm tăng vốn ảo.
Bằng việc nghiên cứu định lượng nhằm đánh giá và kiểm định các yếu tố tác động vào thị trường chứng khoán thông qua mối quan hệ tuyến tính khác nhau, nghiên cứu này làm rõ có sự tồn tại hay không tồn tại “mối liên minh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp; Tác động tích cực hay tiêu cực đến đòn bẫy tài chính cũng như chi phí sử dụng nợ của các công ty niêm yết trên sàn.
Trong nghiên cứu này, tác giả đã thu thập số liệu của 585 mẫu gồm ngân hàng và công ty niêm yết trên sàn, sau đó thực hiện sàng lọc mối quan hệ sở hữu chéo giữa ngân hàng và công ty niêm yết trên sàn với mẫu thu gọn còn 11 ngân hàng và 22 công ty với tỷ lệ sở hữu trên 5%. Nghiên cứu này chọn tất cả các doanh nghiệp với nhiều lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác nhau trên sàn chứng khoán nhưng loại trừ ngân hàng, công ty bảo hiểm và các tập đoàn tài chính trung gian. Sau đó, thực hiện phân tích thông qua hai mô hình hồi quy tuyến tính khác nhau thể hiện mối quan hệ tồn tại trong liên minh ngân hàng doanh nghiệp với hai biến phụ thuộc là chi phí sử dụng nợ và đòn bẩy tài chính. Số liệu được thu thập trong 4 năm từ năm 2012-2015. Giả quyết được đưa ra như sau:
- Giả thuyết 1: “Liên minh” ngân hàng – doanh nghiệp có mối quan hệ tiêu cực tác động lên chi phí vốn của doanh nghiệp, điều này có nghĩa là ngân hàng tham gia điều hành trong hội đồng quản trị càng nhiều thì sẽ gia tăng chi phí sử dụng vốn.
- Giả thuyết 2: “Liên minh ngân hàng – doanh nghiệp” có mối quan hệ tích cực tác động đòn bẩy tài chính, điều này có nghĩa là ngân hàng tham gia điều hành trong hội đồng quản trị càng nhiều thì sẽ giới hạn việc sử dụng đòn bẫy tài chính.
Từ giải thuyết trên, sẽ có 2 mô hình được đưa ra, cụ thể:
Mô hình 1: Chi phí sử dụng nợ (kd) mô tả tỷ lệ giữa chi phí lãi vay trên tổng nợ.
Biến phụ thuộc: với chi phí sử dụng nợ bao gồm các dịch vụ sử dụng vốn cổ phần trước khi khấu trừ thuế và tổng nợ bao gồm vay dài hạn, lãi cho trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi và các khoản vay tài chính ngắn hạn.
Biến kiểm soát: ảnh hưởng đến chi phí sử dụng nợ phụ thuộc vào đặc tính của doanh nghiệp bao gồm rủi ro phi hệ thống (rủi ro kinh doanh và rủi ro tài chính). Rủi ro kinh doanh được đo lường bởi hệ số beta (β) trong mô hình định giá CAPM. Rủi ro tài chính được đo lường bởi vốn hóa thị trường (Mktcap), tốc độ tăng trưởng (g), D/E, ROI.
Biến độc lập: Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp (BFC).
Như vậy sẽ có mô hình như sau:
Mô hình 1 với bình phương hiệu chỉnh Adjusted R square: 0.478 (xem bảng 1) là khá tốt. Như vậy, liên minh ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực với chi phí sử dụng nợ. Điều này có thể được giải thích bởi các lợi ích phổ biến và khả năng thương lượng cao của các ngân hàng khi họ có “chân” trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Điều này không phù hợp với cơ sở lý luận rằng ngân hàng tham gia hội đồng quản trị của doanh nghiệp sẽ làm giảm thông tin bất cân xứng và tạo điều kiện để giảm chi phí sử dụng nợ. Kết quả chỉ ra rằng: có mối tương quan tích cực giữa rủi ro kinh doanh (β) và chi phí sử dụng nợ; có mối tương quan tiêu cực giữa lợi nhuận (ROI) và chi phí sử dụng nợ. D/E cũng có mối quan hệ tích cực với chi phí sử dụng nợ, rất phù hợp với lý thuyết tài chính doanh nghiệp. Nhìn vào vốn hóa thị trường (Mktcap) cũng sẽ thấy mối quan hệ tương quan tích cực với chi phí sử dụng nợ.
Mô hình 2: Đòn bẫy tài chính (D/E) được mô tả bởi tỷ lệ tổng nợ trên vốn chủ sở hữu.
Biến phụ thuộc: D/E bao gồm tổng nợ: Nợ vay dài hạn, trái phiếu, trái phiếu chuyển đổi, vay ngắn hạn tài chính) và tổng vốn chủ sở hữu: vốn chủ sở hữu và lợi nhuận giữ lại của doanh nghiệp.
Biến kiểm soát: Được chọn để mô tả sự ảnh hưởng lên chi phí sử dụng nợ bao gồm rủi ro phi hệ thống: rủi ro kinh doanh giả định rằng nó có tác đông tiêu cực lên đòn bẫy tài chính sử dụng hệ số beta (β) để mô tả. Lợi nhuận giả định rằng nó có tác động thuận chiều lên đòn bẩy tài chính sử dụng ROI để thực hiện. Tốc độ tăng trưởng giả định rằng có mối quan hệ thuận chiều lên đòn bẩy tài chính sử dụng là tăng trưởng doanh thu hằng năm để định lượng. Nhu cầu tài chính giả định rằng có tác động tích cực lên đòn bẫy tài chính sử dụng Tài sản cố định/tổng tài sản (Fata).
Biến độc lập: Mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp (BFC).
Như vậy, sẽ có mô hình như sau:
Mô hình 2 thể hiện khá tốt với bình phương hiệu chỉnh Adjust R square là 0.205 (xem bảng 2). Liên minh ngân hàng và doanh nghiệp có mối quan hệ tích cực lên đòn bẩy tài chính, có thể được giải thích bởi các lợi ích phổ biến và khả năng thương lượng cao của các ngân hàng khi họ tham gia trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp. Vì vậy, họ có quyền trong hoạt động sử dụng đòn bẫy tài chính của doanh nghiệp. Nói cách khác, các ngân hàng có thể cho phép một mức độ vay nợ quá nhiều cho các công ty, do đó không kiểm soát mức độ rủi ro tài chính của các khoản đầu tư vào cho vay.
Thêm vào đó, kết quả này cũng khá phù hợp với lời giải thích của các doanh nghiệp thường có xu hướng kêu gọi các ngân hàng tham gia trong hội đồng quản trị của doanh nghiệp để có quyền tiếp cận thông tin và thuận tiện hơn trong việc cấp tín dụng. Rủi ro trong hoạt động kinh doanh (β) có tác động thuận chiều lên đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp được lí giải bởi mức độ rủi ro cao hơn trong hoạt động ngân hàng sẽ không cho phép một mức độ cao hơn của khoản nợ cho doanh nghiệp. Bởi đi cùng với rủi ro cao, thì lợi nhuận (ROI) cũng khá cao, thể hiện bởi mối quan hệ tương quan thuận chiều giữa lợi nhuận và đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.
Kết luận
Dựa trên 2 mô hình trên, có thể thấy, các mô hình đưa ra kết quả đều phù hợp với lý thuyết “chi phí đại diện” và cách tiếp cận thị trường đến mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp. Mối “liên minh” giữa ngân hàng và doanh nghiệp là cách để giảm thông tin bất cân xứng và chuyển giao năng lực tài chính cho các doanh nghiệp, vì vậy làm giảm chi phí sử dụng vốn, nhưng gia tăng các khoản nợ trong doanh nghiệp. Thêm vào đó, mối quan hệ này thay vì phù hợp với lý thuyết hành vi một cách không đầy đủ, nó lại càng khuyến khích các ngân hàng tham gia vào việc sở hữu trong doanh nghiệp với mức độ càng cao, thông tin thu thập và khả năng nắm quyền càng nhiều càng làm ảnh hưởng đến lợi nhuận và việc đưa ra quyết định quản trị của doanh nghiệp.
Kết quả nghiên cứu từ hai mô hình cũng chỉ ra mối quan hệ giữa ngân hàng và doanh nghiệp đóng vai trò trong việc tìm kiếm lợi nhuận cho ngân hàng nhiều hơn việc gia tăng giá trị cho doanh nghiệp. Như vậy, kết luận trên càng phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam khi mà ngân hàng nắm giữ phần lớn số lượng cổ phần trong một doanh nghiệp và sử dụng quyền hạn của mình trong các hoạt động tín dụng cũng như trong các quyết định đầu tư của doanh nghiệp. Các ngân hàng tập trung vào việc gia tăng quyền lực của mình trong doanh nghiệp càng gia tăng sự yếu kém về mặt quản lý trong hệ thống ngân hàng gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính, trong đó rõ nhất là tình trạng sở hữu chéo chằng chịt, nợ xấu khó kiểm soát... Trong khi đó, mô hình hoạt động doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa đủ sức cạnh tranh, và thiếu hụt vốn chủ sở hữu từ các nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp nhằm gia tăng giá trị cho các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán. Do vậy, nhằm đảm bảo ổn định và an toàn của thị trường tài chính trong thời gian tới, Việt Nam nên hạn chế việc sở hữu chéo của ngân hàng đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán hiện nay.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Hữu Mạnh, 2012, Vấn đề sở hữu chéo trong quá trình giải quyết nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam, Tạp chí Ngân hàng (2012);
2. Trịnh Thanh Huyền, Từ sở hữu chéo tại Chaebol đến thực tế NHTM Việt Nam, Trường đào tạo phát triển nguồn nhân lực Vietinbank (2013);
3. Cấu trúc sở hữu của hệ thống ngân hàng ngày càng chồng chéo (2012);
4. Ferris, S.P., M Jagannathan, and A Pritchard, 2003, Too busy to mind the business? Monitoring by directors with multiple board appointnents, Journal of Finance, 58, 1087-1111;
5. Mahrt-smith, J. (2000). interaction of capital structure and ownership structure”. Working paper, London business school;
6. Bertoni, F. và P.A Randone, 2006. The small-world of Italian Finance: Ownership Interconnections and Board Interlocks Amongst Italian Listed Companies.