Công ty THHH S&H VINA đơn phương chấm dứt HĐLĐ với 33 công nhân: “Thảm đỏ không để … chùi chân”
Những ngày đầu xuân, lãnh đạo doanh nghiệp (DN) hay các đồng nghiệp trong công ty thường dành cho nhau những lời chúc tụng, trao cho nhau những bao lì xì đỏ thắm kèm theo lời chúc sức khỏe và gặp nhiều may mắn trong năm tới. Tuy nhiên, tại Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) S&H VINA (khu công nghiệp Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ) lãnh đạo doanh nghiệp này lại “lì xì” cho 33 công nhân bằng … quyết định nghỉ việc. Điều đáng nói, việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 33 công nhân này lại không được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật gây bức xúc cho công nhân.
Lì xì bằng … Quyết định nghỉ việc
Tạp chí Pháp lý nhận được thông tin phản ánh của công nhân Công ty TNHH S&H ViNa tại KCN Thụy Vân, Việt Trì, Phú Thọ về việc công ty đã đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với 33 công nhân đang làm việc tại công ty mà không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Theo thông tin phản ánh thì ngày 20/2/2013, lãnh đạo công ty đã tổ chức họp công nhân của từng ca sản xuất để thông báo về những khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đồng thời thông báo chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn đối với 33 công nhân và cho nghỉ việc ngay sau khi kết thúc buổi họp. Việc làm này đã gây bức xúc cho những công nhân bị nghỉ việc vì họ cho rằng lãnh đạo công ty đã vi phạm quy định về thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã được quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động và không có chính sách hỗ trợ thôi việc khi công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đã được quy định tài Điều 42 của Bộ luật Lao động.
Chị H là một trong số những công nhân bị chấm dứt HĐLĐ cho biết: Chúng tôi rất bất ngờ trước quyết định cho thôi việc của ban giám đốc. Chúng tôi không hề được thông báo trước trong khi Hợp đồng lao động của chúng tôi vẫn còn mấy tháng nữa mới hết hạn. Khi giám đốc công ty thông báo cho chúng tôi nghỉ việc, dù thông cảm với công ty nhưng chúng tôi mong muốn công ty thực hiện đúng với Luật Lao động để đảm bảo quyền lợi của chúng tôi. Tuy nhiên, tại cuộc họp, ý kiến của chúng tôi không được lãnh đạo công ty chấp thuận. Hôm chúng tôi họp và được thông báo cho nghỉ việc là ngày 20/2/2013 và lãnh đạo công ty nói chỉ giải quyết lương cho chúng tôi đến hết tháng 2 và không có chính sách hỗ trợ thôi việc vì hiện nay tình hình tài chính của công ty đang gặp rất nhiều khó khăn.
Để hiểu rõ hơn về những thông tin này, phóng viên đã có buổi làm việc với bà Dương Thị Thanh Huyền – Phụ trách nhân sự của công ty TNHH S&H ViNa. Tại buổi làm việc, bà Huyền cho biết: Trong đợt cắt giảm nhân sự này, công ty đã chấm dứt HĐLĐ trước thời hạn đối với 33 công nhân. Trong đó có những công nhân đã ký HĐLĐ với công ty có thời hạn 1 năm, 3 năm và cả những công nhân đã ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Số công nhân này sẽ được công ty trả lương đến hết tháng 2 và các chế độ bảo hiểm sẽ được công ty hoàn tất trong thời gian sớm.
Theo Điều 41 – Bộ luật Lao động sửa đổi, bổ sung năm 2007 “…4- Trong trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước, bên vi phạm phải bồi thường cho bên kia một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước”. Nếu đối chiếu theo quy định này thì công ty TNHH S&H ViNa phải bồi thường cho người lao động từ 1 tháng đến 1,5 tháng lương tương ứng với những hợp đồng lao động có thời hạn từ 1 đến 3 năm và đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn. Việc công ty chỉ trả cho người lao động thêm 8 ngày làm việc (từ ngày 20 đến 28/2/2013) là không thỏa đáng. Bên cạnh đó, việc không tính trợ cấp thôi việc cho người lao động đã làm việc từ 12 tháng trở lên là không đúng với các điều khoản đã ghi trong Bộ luật Lao động.
Ông Bùi Văn Hiệp, Phòng Chính sách Pháp luật – Liên đoàn Lao động tỉnh Phú Thọ cho biết: đến thời điểm gặp phóng viên, Liên đoàn Lao động tỉnh vẫn chưa nhận được đơn đề nghị trợ giúp của công nhân công ty TNHH S&H ViNa. Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh từ báo chí, chúng tôi sẽ đề nghị Công đoàn Ban quản lý các khu công nghiệp làm việc với Công đoàn cơ sở nắm bắt tình hình và yêu cầu giải quyết theo đúng quy định của pháp luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Thảm đỏ … không để chùi chân
Từ khi đất nước mở cửa, đổi mới và hội nhập, hầu hết các tỉnh, thành trong cả nước đã tạo mọi cơ chế, chính sách thuận lợi để đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đã có nhiều công ty, Tập đoàn của Việt Nam đầu tư và thành công trên khắp các tỉnh thành. Có nhiều DN nước ngoài đến đầu tư và đã và đang thành công tại thị trường Việt Nam như: Toyota, Honda, Canon, Samsung…
Những DN nước ngoài này, ngoài việc đầu tư công nghệ tiến tiến, đóng thuế cho nhà nước, họ đã tạo ra lượng lớn công ăn việc làm cho lao động tại các địa phương. Những việc làm đó đã được các cấp, ngành và địa phương ghi nhận và tôn vinh.
Tuy nhiên, bên cạnh những DN tâm huyết muốn đầu tư lâu dài tại Việt Nam thì vẫn còn những DN có tư tưởng trục lợi trên những “tấm thảm đỏ” do địa phương “trải ra”. Điển hình như một số vụ DN FDI bỏ trốn khỏi địa chỉ kinh doanh tại các tỉnh Hải Dương, Đồng Nai, Bình Dương… để lại món nợ lớn cho các ngân hàng Việt Nam và cũng “bỏ quên” luôn cả quyền lợi của người lao động.
Một số DN nước ngoài lại trốn thuế hoặc tìm cách chuyển giao công nghệ lỗi thời hoặc tìm cách tiết kiệm chi phí bằng việc hủy hoại môi trường như vụ xả thải chất thải ra môi trường của công ty Vedan, vụ xả thải của công ty Tung Kuang Hải Dương…
Ngoài ra, còn tình trạng ngược đãi người lao động bằng cách đổ keo 502 vào tay công nhân của công ty giày Hong Fu Việt Nam tại Thanh Hóa hay việc cho công nhân ăn những suất ăn không đảm bảo vệ sinh của một số DN trên địa bàn tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh…
Tất cả những việc làm đó đang gióng lên một hồi chuông cảnh báo đồng thời cũng là lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh và cương quyết nhằm chấn chỉnh tình trạng “chùi chân vào thảm đỏ” của một số DN gây ảnh hưởng đến lợi ích kinh tế của nhà nước, quyền và lợi ích chính đáng của người lao động.