Covid-19 bùng phát, ngân hàng đua tặng phí 0 đồng

Theo Thanh Hoa/vnbusiness.vn

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tái bùng phát, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các giao dịch qua điện thoại và QR code nhờ ngân hàng đẩy mạnh chương trình miễn phí dịch vụ banking.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Báo cáo về tài chính cá nhân do Nielsen công bố cho thấy, cùng với tính thuận tiện, dễ dàng, nhanh chóng thì phí giao dịch chính là một trong những yếu tố khách hàng quan tâm nhất với dịch vụ ngân hàng.

Miễn phí 0 đồng

Theo ghi nhận, ngày càng nhiều khách hàng chuộng sử dụng dịch vụ thẻ ngân hàng, ngân hàng điện tử. Tuy nhiên, trên thị trường hiện nay có hơn 30 nhà băng cung cấp dịch vụ này. Vì vậy, sự cạnh tranh rất lớn và phí giao dịch là một trong những yếu tố được khách hàng quan tâm khi lựa chọn sử dụng dịch vụ ngân hàng.

Do đó, thay vì tăng phí và gặp phản ứng từ khách hàng như trước, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng sang miễn giảm phí nhằm kích thích nhu cầu sử dụng nhiều sản phẩm, dịch vụ và nhất là thanh toán trong xu hướng bùng nổ kênh thanh toán không dùng tiền mặt.

Lợi ích từ miễn phí dịch vụ thẻ không chỉ giúp các ngân hàng mở rộng thị phần, mà còn gia tăng nguồn vốn giá rẻ từ tiền gửi không kỳ hạn (CASA). Vì vậy, số lượng các ngân hàng áp dụng chính sách phí 0 đồng đến nay đã lên đến hàng chục nhà băng như: Techcombank, VIB, TPBank, MB, Nam A Bank…

Điều đáng nói là, không chỉ có các ngân hàng quy mô nhỏ, hiện nay nhiều ngân hàng trong nhóm dẫn đầu thị trường cũng đã “bắt nhịp” cuộc đua như: BIDV, Vietcombank, Vietinbank... Bởi nếu “chậm chân” một thời gian nữa, có thể những nhà băng này sẽ lùi lại phía sau về thị phần.

Theo các ngân hàng, chuyển tiền online và rút tiền từ thẻ ATM là 2 trong số những giao dịch được khách hàng sử dụng nhiều nhất trong giao dịch ngân hàng. Do đó, động thái giảm phí dịch vụ, thậm chí phí 0 đồng để lôi kéo khách hàng đến với ngân hàng, từ đó sử dụng thêm nhiều sản phẩm dịch vụ khác là dễ hiểu.

Chuyên gia tài chính, TS. Huỳnh Trung Minh lý giải, áp dụng chính sách miễn phí giao dịch trực tuyến chưa bao giờ ngân hàng bị lỗ. Ngược lại, việc có nhiều khách hàng "sẵn sàng" để tiền trong tài khoản thanh toán với số dư càng nhiều, ngân hàng càng huy động được nguồn vốn giá rẻ (lãi suất chỉ từ 0,1%-0,3%/năm). Lúc đó, cả khách hàng và ngân hàng đều có lợi.

"Một lợi thế khác trong cuộc đua phí 0 đồng là ngân hàng sẽ có cơ sở dữ liệu khách hàng, từ đó đánh giá được khả năng tài chính của họ trong cấp tín dụng, cho vay an toàn, kiểm soát được dòng tiền qua thu nhập hằng tháng chuyển khoản vào tài khoản…", chuyên gia này nói.

Thanh toán online bùng nổ

Trên thực tế, khi dịch bệnh bùng phát, người dân Việt Nam đã có ý thức chuyển sang thanh toán không dùng tiền mặt nhằm đảm bảo an toàn, hạn chế sự lây lan, truyền nhiễm.

Tổ chức Y tế Thế giới ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát khuyến cáo mọi người nên rửa tay sạch thường xuyên hơn và nên ngừng giao dịch bằng tiền mặt nếu có thể vì tiền giấy có thể là một nguồn lây nhiễm Covid-19.

Vì vậy, cùng với “chất xúc tác” là miễn phí dịch vụ được các ngân hàng triển khai thời gian qua đã trở thành “cơ hội vàng” cho mục tiêu phổ cập thanh toán không dùng tiền mặt.

Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ Trưởng Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng. Chỉ tính đến cuối tháng 3 vừa qua, có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động.

Dữ liệu thống kê của Vụ Thanh toán cho thấy, các kênh thanh toán online có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc trong các tháng đầu năm. Nếu so với cùng kỳ 3 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 55,9% về số lượng và 28,4% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 78% về số lượng và 103% về giá trị; trong lúc giao dịch qua kênh QR code thậm chí đạt mức tăng tương ứng tới 83% về số lượng và 146% về giá trị.

Theo Ngân hàng Nhà nước, các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ tiếp tục được tổ chức tín dụng triển khai đáp ứng nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ứng phó dịch Covid-19. Ngày càng nhiều sản phẩm dịch vụ qua kênh trực tuyến được tổ chức tín dụng triển khai giúp khách hàng giao dịch thuận lợi, nhanh chóng, lại miễn phí.

Bên cạnh đó, các chương trình này sẽ góp phần thực hiện mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt một cách nhanh nhất.