Doanh nghiệp oằn vai lo kinh doanh mùa dịch

Theo Thế Hải/baodautu.vn

Ngoài nỗi lo không đủ nguyên liệu sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong ngành dệt may, da giày, đồ gỗ... còn gặp sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc, nỗi lo nhân công và nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.

Nguyên liệu đầu vào là nỗi lo lớn nhất của các ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày trong thời điểm này.
Nguyên liệu đầu vào là nỗi lo lớn nhất của các ngành hàng xuất khẩu lớn như dệt may, da giày trong thời điểm này.

Oằn vai kinh doanh thời dịch

Dệt may, da giày - hai ngành hàng xuất khẩu lớn đang oằn mình tháo gỡ khó khăn do nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc đã cạn kiệt . Đa số các doanh nghiệp cho biết chỉ trữ nguyên liệu tới đầu tháng 3, một số đến đầu tháng 4, nên nguy cơ tạm dừng sản xuất đang khá hiện hữu.

Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây (Tân Lập, huyện Đan Phượng, Hà Nội) chuyên sản xuất giày lưu hóa, giày thể thao, ép phun với công suất tối đa đạt 120.000 đôi/tháng, với các thị trường xuất khẩu chính là châu Âu, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó, 60% xuất sang thị trường Anh dù có tỷ lệ nội địa hóa cao so với các doanh nghiệp trong ngành cũng đang gặp khó về nguyên liệu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Hóa Dệt Hà Tây chia sẻ, khó khăn về nguyên liệu là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên, Công ty  đang chủ động liên hệ, tìm kiếm các nhà cung cấp trong và ngoài nước với các dòng nguyên liệu có nhu cầu lớn, đồng thời chủ động đàm phán với khách hàng đề nghị lùi đơn hàng, hoặc thay đổi một số loại nguyên phụ liệu.

"Với các loại đế giầy, vải thô, lót và một phần PU, một số phụ kiện trang trí, đinh tán thì Công ty chủ động được 70% nguyên liệu, nhưng một số vải đặc chủng (như vải dệt kẻ, vải in hoa...) thì vẫn cần nhập khẩu. Nếu tình hình gỡ khó nguyên liệu không kịp thời, khó duy trì được kim ngạch xuất khẩu 12 triệu USD như năm 2019 ", ông Tùng nói.

Thay đổi vật tư, giãn thời gian giao hàng là cách mà doanh nghiệp này đang chủ động áp dụng, tuy nhiên, cũng chỉ tạm thời ứng phó được phần nào. Một khi nguyên liệu về chậm, đơn hàng hoàn thành không đúng thời hạn, việc vận chuyển sẽ phải bằng máy bay, thay vì đi tàu biển, chi phí đầu vào chắc chắn bị đội lên, tác động trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Là doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn, nên mỗi biến động dù nhỏ cũng có tác động tức thì đến tình hình sản xuất, kinh doanh, Tổng công ty May 10 cũng đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án khi dịch bệnh có thể kết thúc hoặc kéo dài.

Ngoài nỗi lo không đủ nguyên liệu sản xuất, Ban lãnh đạo doanh nghiệp này còn gặp sức ép lãi vay ngắn hạn, trả nợ gốc; nỗi lo nhân công; nguy cơ khách hàng hủy đơn hàng do ảnh hưởng nguồn cung.

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc May 10 cho hay: "Trước kia, sau 1 tháng ký hợp đồng, doanh nghiệp mới phải giao hàng, nhưng nay nếu khách hàng yêu cầu 10 - 15 ngày đã phải giao thì vẫn phải đáp ứng. Như vậy,  doanh nghiệp phải huy động nhân công làm thêm, nếu không đơn hàng sẽ bị hủy đo tiến độ chậm, cộng với giá dịch vụ vận chuyển bị tăng sẽ dẫn đến những áp lực kép cho doanh nghiệp ".

Gỡ cách nào?

Trước thực tế thiếu nguyên liệu sản xuất của doanh nghiệp dệt may, da giày, điện tử... Bộ Công Thương đang tích cực làm việc với các đầu mối, thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tìm kiếm thị trường đầu ra, đa dạng hóa đầu vào để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về thị trường, đồng thời chia sẻ, phía Bộ Tài chính đã có những đề xuất để giãn, hoãn nộp một số loại thuế, phí.

Ông Dương Duy Hưng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) thông tin, thuế giá trị gia tăng và một số loại thuế khác sẽ được Bộ đề xuất với Bộ Tài chính để điều chỉnh giãn thời hạn nộp để giảm sức ép cho doanh nghiệp trong lúc này.

Nhưng, ngoài các giải pháp gỡ khó để tự cứu mình, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động cũng kiến nghị Chính phủ có chính sách riêng như giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn lãi với thuế nộp chậm, miễn đóng bảo hiểm xã hội...

Kết quả khảo sát mới nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân cho thấy, nếu Covid-19 kéo dài 6 tháng, 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản, bởi doanh thu không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng, gần 30% doanh nghiệp cho biết sẽ mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu. 

Những nhóm ngành bị tác động nghiêm trọng và tức thì từ dịch Covid-19, theo kết quả khảo sát, là du lịch, nhà hàng, giáo dục, dệt may, da giày, sản xuất đồ gỗ...

Còn một thực tế, rất nhiều doanh nghiệp không thể ứng phó nổi với ảnh hưởng của dịch, phải chấp nhận phá sản hoặc cận kề phá sản rất cao. Khoảng 20% doanh nghiệp thông tin "không có giải pháp gì ứng phó với dịch bệnh" tại khảo sát mới nhất của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân.