COVID-19 khoét sâu khoảng cách giàu, nghèo
COVID-19 đã đẩy 75 - 80 triệu người dân ở các nước đang phát triển châu Á vào tình trạng nghèo cùng cực, tức là sống dưới mức 1,9 USD/ngày (khoảng 43 nghìn đồng/ngày) trong năm 2020. Con số Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố hôm qua như khắc sâu thêm thực tế - đại dịch COVID đã nới rộng hơn nữa khoảng cách giàu nghèo ở nhiều nơi trên thế giới.
Báo cáo các chỉ số chính của châu Á và Thái Bình Dương 2021 của ADB cho biết, hiện có khoảng 203 triệu người ở các nước châu Á đang phát triển sống ở mức nghèo cùng cực, tương đương 5,2% dân số và bằng với mức của năm 2017. Nếu không có COVID, con số này có thể đã giảm còn 2,6%.
Rõ ràng, COVID đã giáng đòn chí mạng vào các nước châu Á. Từ một khu vực kiểm soát tốt dịch bệnh ở giai đoạn trước, giờ đây châu Á điêu đứng trong sự hoành hành khốc liệt của biến chủng Delta. Đau thương nhất có lẽ là Ấn Độ. Đất nước gần 1,4 tỷ dân này đến sáng ngày 24.8 có hơn 32,46 triệu ca nhiễm, trong đó 435 nghìn ca tử vong. Khu vực Đông Nam Á cũng đang ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt.
Sự chênh lệch lớn trong khả năng ứng phó dịch bệnh giữa nước giàu và nước nghèo hiện lên rất rõ trong báo cáo “COVID-19 và phát triển con người” của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc. Các quốc gia phát triển có trung bình 55 giường bệnh, hơn 30 bác sĩ và 81 y tá cho mỗi 10.000 người, trong khi các quốc gia kém phát triển chỉ có 7 giường bệnh, 2,5 bác sĩ và 6 y tá.
Ở hoàn cảnh đó, khi dịch bệnh bùng phát dữ dội và sự khan hiếm vaccine không biết lúc nào mới chấm dứt, các nước kém phát triển buộc phải dùng các biện pháp nghiêm ngặt như phong tỏa, giãn cách, đóng cửa biên giới... để ngăn dịch lây lan và “câu giờ” chờ vaccine.
Mọi hoạt động bị ngưng trệ bao giờ cũng khiến thiệt hại kinh tế trở nên nặng nề. Trong số các nền kinh tế được báo cáo ở châu Á và Thái Bình Dương, chỉ 1/4 có tăng trưởng GDP vào năm ngoái, theo ADB. Khu vực này cũng đã mất khoảng 8% số giờ làm việc do lệnh hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng sâu sắc hơn đến các hộ gia đình và người lao động nghèo hơn trong khu vực kinh tế phi chính thức.
Trước khi có đại dịch, các nước nghèo hay đang phát triển đã chật vật thì nay khó khăn càng chồng chất và khả năng hồi phục khi dịch bệnh kết thúc không hề dễ dàng. Trong khi đó, các cường quốc như Mỹ và nhiều nước châu Âu đang rục rịch mở cửa kinh tế trở lại. Yếu tố quyết định giúp các quốc gia này chống đỡ được sự tàn phá của dịch bệnh chính là tiềm lực kinh tế mạnh mẽ để có được nguồn vaccine dồi dào và tung ra các gói cứu trợ, kích thích kinh tế khổng lồ.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế toàn cầu công bố cuối tháng 7 vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ lên 7% trong năm nay, tăng 0,6 điểm phần trăm so với dự báo hồi tháng 4; đồng thời nâng dự báo khu vực sử dụng đồng Euro lên 4,6%, Canada lên 6,3%, Anh lên 7%. Ngược lại, dự báo về tăng trưởng của Ấn Độ, Trung Quốc, Đông Nam Á… đều sụt giảm. Không chỉ nới rộng khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia, khu vực, COVID còn làm khoảng cách này doãng thêm ngay trong một đất nước.
Như ở Việt Nam, kết quả khảo sát mức sống dân cư trong năm đầu tiên dịch COVID xuất hiện (2020) cho thấy, thu nhập bình quân của nhóm hộ giàu nhất cao gấp 8 lần nhóm hộ nghèo nhất. Sự bất bình đẳng trong chi tiêu bình quân đầu người một tháng quan sát được giữa nhóm giàu nhất và nhóm nghèo nhất lên tới 3,5 lần (4,8 triệu đồng so với gần 1,4 triệu đồng).
Đại dịch COVID-19 để lại nhiều hệ lụy và gia tăng khoảng cách giàu nghèo là hệ lụy lớn nhất, có thể làm suy yếu sự phát triển bền vững và bao trùm của một quốc gia, một khu vực. Vì vậy, các nhà hoạch định chính sách cần dựa vào dữ liệu chất lượng cao và kịp thời để định hướng hành động nhằm bảo đảm rằng quá trình phục hồi sẽ không bỏ lại ai phía sau, nhất là người nghèo và người dễ tổn thương. Đây cần là ưu tiên hàng đầu, bởi nó không chỉ giúp người dân thoát nghèo và thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng kinh tế của quốc gia mà còn tạo ra năng lực để chống đỡ những cú sốc tương tự (nếu có).