Bảo vệ người gửi tiền trong đại dịch COVID-19
Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Bảo hiểm tiền gửi Quốc tế (IADI), các tổ chức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) đã bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ tổ chức tham gia BHTG và người gửi tiền nhằm ứng phó với những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19 như: nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm, hoãn triển khai phí phân biệt, nới lỏng phạt chậm nộp phí, bổ sung các hình thức chi trả BHTG gián tiếp. Các tổ chức BHTG cũng lên kế hoạch đánh giá các hoạt động quản lý khủng hoảng và lập kế hoạch dự phòng, tăng cường thực hiện các bài tập mô phỏng ứng phó khủng hoảng.
Tại Mỹ, Tổng Công ty BHTG Mỹ (FDIC) đã ra tuyên bố, các ngân hàng được FDIC bảo hiểm cho tiền gửi vẫn là nơi an toàn nhất để người dân gửi tiền. Đồng thời, do phải áp dụng một số biện pháp giãn cách nghiêm ngặt trong một số thời điểm, các ngân hàng giảm thời gian mở cửa hoạt động, FDIC khuyến nghị người dân cảnh giác trước những tin giả liên quan đến an toàn tiền gửi, các vụ lừa đảo mạo danh ngân hàng nhằm đánh cắp thông tin cá nhân…
Ngoài ra, nhằm trấn an người gửi tiền, ngăn ngừa việc rút tiền hàng loạt, FDIC cũng lên kế hoạch tăng cường mức độ bảo vệ và bảo đảm đối với ngân hàng đổ vỡ. FDIC cũng tích cực phối hợp với các cơ quan quản lý tài chính Mỹ để có những biện pháp quản lý phù hợp nhằm tạo sự linh hoạt cho ngân hàng trong việc cung cấp vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn.
Trong khi đó, Tổng Công ty BHTG Canada (CDIC) được tăng cường công cụ nhằm bảo vệ người gửi tiền. Mới đây, Canada đã thông qua Luật thực thi Ngân sách 2021, đưa ra những biện pháp xử lý ngân hàng và bảo vệ tiền gửi của Canada nhằm thúc đẩy sự ổn định tài chính.
Đặc biệt, khuôn khổ pháp lý mới đã tăng tính thực thi của các điều khoản áp dụng cho các hợp đồng tài chính có tính chất xuyên biên giới, giúp cải thiện khả năng xử lý của Tổng công ty BHTG Canada (CDIC) đối với tổ chức thành viên có hoạt động xuyên biên giới. Đáng chú ý, thời hạn kiểm soát đối với ngân hàng đổ vỡ được kéo dài từ 6 tháng lên 18 tháng để CDIC có đủ thời gian hoàn tất việc bán hoặc tái cơ cấu ngân hàng này.
Những thay đổi này sẽ giúp nâng cao vai trò của CDIC trong việc bảo vệ người gửi tiền, thúc đẩy sự ổn định tài chính và xử lý các tổ chức có vấn đề ở Canada. Đây cũng được xem như các biện pháp hỗ trợ cho chính sách BHTG mới (mở rộng phạm vi BHTG bao gồm cả tiền gửi ngoại tệ và bổ sung một số danh mục BHTG mới) sẽ được áp dụng từ tháng 4/2022.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 chưa kết thúc, Canada đã hoãn thực hiện một số chính sách như Luật BHTG mới; một số quy định về thông tin báo cáo, hoãn nộp phí cho các tổ chức tham gia BHTG… Bên cạnh đó, CDIC thúc đẩy các hoạt động truyền thông qua TV, các kênh truyền thông số và mạng xã hội nhằm duy trì niềm tin vào sự an toàn và đảm bảo của tiền gửi của người gửi tiền.
Tại Anh, để đảm bảo an sinh xã hội, Cơ quan Bồi thường Dịch vụ Tài chính Anh (FSCS) đã đề xuất tăng thời gian bảo vệ cho tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao từ 06 lên tới 12 tháng và được Cơ quan Quy định An toàn – Ngân hàng Trung ương Anh phê chuẩn tháng 8/2020. Động thái trên nhằm đáp lại những lo lắng của người gửi tiền, đặc biệt là các chủ tài khoản khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao, rằng tiền gửi có thể phải nằm lâu hơn ở ngân hàng vì hoạt động ngân hàng bị chậm lại do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, do vậy sẽ rủi ro hơn nếu ngân hàng bị đổ vỡ.
Việc tăng thời gian bảo vệ tiền gửi tạm thời có số dư cao sẽ giúp trấn an các chủ tài khoản tiền gửi trong giai đoạn biến động phức tạp, nếu xảy ra đổ vỡ ngân hàng. Thông thường, Anh áp dụng cơ chế bảo vệ tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao (là tài khoản tiền gửi đặc biệt và ngắn hạn, được lập nhằm mục đích thanh toán mua nhà ở, trả chi phí ly hôn, hoặc để nhận chi trả thất nghiệp, bồi thường sinh mạng…) để bảo vệ chủ tài khoản trước những mất mát lớn về mặt tài chính. Theo đó, FSCS bảo vệ cho tài khoản tiền gửi tạm thời có số dư cao với hạn mức lên tới 01 triệu Bảng Anh (tương đương hơn 1.320.000 USD) trong thời gian 06 tháng kể từ khi tài khoản được lập.
Để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính Indonesia trong đại dịch COVID-19, Tổng thống Indonesia đã ban hành Quy định của Chính phủ thay cho Luật số 1, 2020 về chính sách tài chính nhà nước và sự ổn định của hệ thống tài chính để giảm thiểu tác động của COVID-19, có hiệu lực từ 31/3/2020. Trong đó, Quy định tăng thẩm quyền cho Tổng Công ty BHTG (IDIC) như: Chuẩn bị để xử lý khủng hoảng và tăng cường sự phối hợp chuẩn bị với Cơ quan dịch vụ Tài chính (OJK) để xử lý các vấn đề về mất khả năng thanh toán của ngân hàng; Bán/mua lại trái phiếu chính phủ do Ngân hàng Trung ương sở hữu; Phát hành các chứng khoán nợ; Vay từ các bên khác; và hoặc vay từ Chính phủ nếu IDIC thiếu thanh khoản trong trường hợp xử lý các ngân hàng đổ vỡ.
IDIC còn có thẩm quyền ra quyết định cứu trợ hoặc không cứu trợ một ngân hàng không phải ngân hàng có tầm quan trọng hệ thống. Ngoài ra, IDIC đã chủ động miễn tiền phạt do nộp phí BHTG chậm đối với các ngân hàng thành viên tham gia BHTG để giúp các ngân hàng quản lý dòng tiền tốt hơn giữa đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, nhiều nước như Armenia, Kenya, Bangladesh, Jamaica hay Philippines cũng đã đánh giá, đề xuất nâng hạn mức BHTG hoặc đã điều chỉnh tăng hạn mức BHTG nhằm mở rộng khả năng bảo vệ người gửi tiền.
Tại Việt Nam, trước mỗi kịch bản diễn biến dịch, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đề ra phương án ứng phó nhằm đảm bảo vận hành thông suốt, duy trì các mảng nghiệp vụ cốt lõi một cách an toàn, hiệu quả, đồng thời tuân thủ các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngành ngân hàng cũng như tại các địa phương nơi đặt trụ sở chính và chi nhánh.
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đang bảo vệ cho người gửi tiền tại 1.283 tổ chức tham gia BHTG, gồm 97 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.181 quỹ tín dụng nhân dân, 01 ngân hàng hợp tác xã và 4 tổ chức tài chính vi mô.
Qua đó, dù dịch COVID-19 lan rộng và phức tạp, tiền gửi trong hệ thống ngân hàng vẫn luôn được bảo vệ. Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam cũng duy trì phát triển hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi nhằm gia tăng năng lực tài chính. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét nâng hạn mức trả tiền bảo hiểm lên 125 triệu đồng đối với mỗi người gửi tiền tại một tổ chức tham gia BHTG nhằm bảo vệ người gửi tiền cao hơn, hiệu quả hơn.
Được biết nếu hạn mức tăng, thì phí BHTG vẫn được giữ nguyên nhằm tránh gia tăng áp lực tài chính lên các tổ chức tham gia BHTG. Lãnh đạo BHTGVN cũng khẳng định, với năng lực tài chính của mình, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đảm bảo khả năng chi trả trong trường hợp cần thiết.