COVID-19: Tác động tới kinh tế Việt Nam và các giải pháp ứng phó

Theo TTXVN

Ngay sau khi công bố dịch viêm đường hô hấp COVID-19 gây ra, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các cấp, ngành và địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh với tinh thần “chống dịch như chống giặc.”

Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ mùa dịch bệnh Corona.
Sân bay Tân Sơn Nhất vắng vẻ mùa dịch bệnh Corona.

Đây được xem như, lần đầu tiên chưa có trong tiền lệ đối với việc công bố dịch bệnh, Việt Nam đã triển khai nhiều giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19 một cách tích cực và đồng bộ, với liều lượng cao và “mạnh tay hơn” so với khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, cũng như so với thời điểm diễn ra dịch SARS năm 2003. Bên cạnh đó, là sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong nỗ lực giảm thấp nhất thiệt hại kinh tế có thể xảy ra.

Với quyết tâm không để dịch bệnh lây lan, thậm chí: “Chấp nhận thiệt thòi một phần lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng và cuộc sống bình yên của nhân dân,” Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu cả hệ thống chính trị vào cuộc để phòng, chống dịch; nhận diện rõ các khó khăn, thách thức và dự báo những kịch bản, tình huống xấu có thể xảy ra; đồng thời, đề xuất các kiến nghị, giải pháp vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế để phấn đấu hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trước Chính phủ, trong trường hợp khống chế được dịch trong Quý 1/2020 thì tăng trưởng GDP năm 2020 dự báo là 6,25%, giảm 0,55 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ; trong đó, quý 1 tăng 4,52%; quý 2 tăng 6,08%; quý 3 tăng 6,92% và quý 4 tăng 6,81%.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý 2/2020 thì tăng trưởng được dự báo là 5,96%, giảm 0,84 điểm % so với Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản khống chế được dịch trong Quý 1/2020; trong đó, Quý 1 tăng 4,52%; Quý 2 tăng 5,1%; Quý 3 tăng 6,70% và Quý 4 tăng 6,81%.

Những thông tin này cùng diễn biến hiện nay của dịch bệnh đang khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm và không khỏi lo lắng trước những tác động của dịch bệnh, cùng những ảnh hưởng tiêu cực đối với mọi hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại và đầu tư trong nước.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự báo những ngành ảnh hưởng trực tiếp do dịch gồm xuất nhập khẩu, du lịch, vận tải; những ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng gián tiếp gồm sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; sản xuất công nghiệp như: sản xuất, chế biến thực phẩm, công nghiệp điện-điện tử, da giày, dệt may, thương mại nội địa, đầu tư, thu chi ngân sách, phát triển doanh nghiệp...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời điểm này, VCCI đang tiến hành tổng hợp, ghi nhận ý kiến từ phía các doanh nghiệp ở hầu hết mọi lĩnh vực và các ngành kinh tế trước những tác động của dịch bệnh. Đây là đại dịch của toàn cầu, diễn biến ngày càng phức tạp và nguy hiểm, gây tổn hại tới sức khỏe, tính mạng con người và đương nhiên sẽ kéo theo những tác động về kinh  tế.

Trước tình hình đó, song song với những nỗ lực phòng, chống dịch bệnh để bảo vệ sức khỏe con người, các doanh nghiệp cũng cần theo sát thông tin từ các cơ quan chức năng để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh; linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh về hợp đồng và phía đối tác. Điều quan trọng nhất là cẩn trọng, cảnh giác để giảm thiểu tối đa những thiệt hại kinh tế trước những tác động trực tiếp hoặc gián tiếp do dịch bệnh COVID-19, trước khi có những hỗ trợ, giúp đỡ từ phía Chính phủ, các ban, ngành chức năng…

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus corona mới khởi phát tại thành phố Vũ Hán, thuộc tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) gây ra vẫn đang tiếp tục lây nhiễm với tốc độ khó lường. Tại thời điểm 16 giờ 15 ngày 15/2, Việt Nam có 16 trường hợp nhiễm COVID-19 phải cách ly để điều trị; trong đó có 7 người chữa khỏi cùng nhiều người đang phải giám sát y tế để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm.

Vào thời điểm đầu công bố dịch, các địa phương trên cả nước đã triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng loạt tạm dừng đón khách du lịch tham quan tại các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử; đặc biệt, dừng việc tổ chức các hoạt động lễ hội đầu xuân Canh Tý nhằm tránh tập trung đông người, dễ gây nguy cơ phát tán mầm bệnh. Chính bởi nguyên nhân này, ngành dịch vụ du lịch đã phải chịu hậu quả đầu tiên, do những tác động của dịch bệnh COVID-19.

Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại khoảng 5 tỷ USD.

Trước diễn biến của dịch COVID-19, Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực vào cuộc phòng, chống dịch, bảo vệ nhân dân, đồng thời có các đối sách để kịp thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp-lực lượng giữ vai trò nòng cốt cho nền kinh tế.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu ngay một số gói chính sách tín dụng hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, nông dân chịu ảnh hưởng của dịch. Cụ thể, hỗ trợ thanh khoản, duy trì cho vay, miễn giảm lãi suất cho vay, khoanh nợ, giãn nợ, nới lỏng các điều khoản trả nợ, đẩy nhanh quá trình và thời gian xem xét các đơn xin vay và giải ngân các khoản vay, miễn lãi quá hạn các khoản vay….