CPI tháng 10 và triển vọng ổn định của lạm phát

Hải Phan

(Tài chính) Những nỗ lực bình ổn kinh tế vĩ mô, điển hình là công tác điều hành, quản lý giá cả thị trường đã phát huy tác dụng. Minh chứng rõ nhất là sự giảm tốc của chỉ số giá tiêu dùng sau tháng 9 biến động mạnh bởi tính thời vụ. Nhiều khả năng từ nay đến cuối năm, giá cả thị trường sẽ tiếp tục trong xu hướng ổn định hơn, nằm trong dự báo xung quanh mức 8% của cả năm 2012.

CPI trở lại xu thế ổn định
Kết thúc tháng 10/2012, các chỉ số vĩ mô cho thấy nền kinh tế đã có những thay đổi tích cực, đặc biệt là sự hiệu quả trong điều hành giá cả thị trường. Tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã chậm lại đáng kể so với một tháng trước đó. Tính bình quân cả nước, CPI tháng 10/2012 chỉ tăng 0,85% so với tháng trước. Điều đặc biệt nhất là khi CPI tháng 10 của hai thành phố lớn Hà Nội và Tp.HCM chỉ tăng dưới 0,5%., thể hiện công tác điều hành giá tại những trung tâm kinh tế - xã hội lớn đã được thực hiện đồng bộ, kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả hơn. Nếu đem so với mức tăng 2,2% đột biến của tháng 9/2012 thì tốc độ này đã giảm đi khá nhiều và mục tiêu lạm phát cả năm ở mức 8% mà Chính phủ và các bộ, ngành đặt ra cho năm nay là tương đối khả thi...
Theo ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Giá - Tổng cục Thống kê, CPI tháng 10 đã hạ nhiệt nhưng so với tháng 10 của những năm gần đây vẫn không phải là thấp. Nguyên nhân là do tác động tăng giá của nhiều nhóm hàng hóa và dịch vụ thiết yếu, nhất là sự tăng giá rất lớn của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục - hai nhóm này chiếm tỷ trọng khoảng 10% trong Rổ hàng hóa chung. Có thể nhận thấy nhóm thuốc và dịch vụ y tế đã tăng tới 7,78% trong tháng vừa qua do một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế. Tiếp theo là nhóm giáo dục với mức tăng 1,88%, trong đó dịch vụ giáo dục tăng 2,1% do có nhiều địa phương. Bởi vậy, trong tháng 10/2012, riêng nhóm dịch vụ y tế đã góp phần làm CPI cả nước tăng khoảng 0,31%, . Cùng với hai nhóm trên, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng đã tăng tới 1,09%, gas và chất đốt đã tăng 3,7% so với tháng trước khi các doanh nghiệp kinh doanh gas tăng giá bán theo giá gas thế giới. Trong tháng, nhóm giao thông đã tăng 0,62% do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu từ các tháng trước. Điều đáng mừng là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống-nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong Rổ hàng hóa chung chỉ có mức tăng 0,29%; trong đó, lương thực tăng 0,37%,  thực phẩm tăng 0,28%. Chỉ số CPI tháng 10/2012 tính ra đã tăng 7% so với cùng kỳ năm 2011 và tăng 6,02% nếu so với cuối năm 2011.
Phát huy kết quả, tránh sự chủ quan
Dù đạt được những kết quả hết sức ấn tượng, đặc biết trong tháng 10/2012 nhưng các chuyên gia kinh tế vẫn nhận định, trong hai tháng cuối năm 2012, tình hình kinh tế - xã hội trong nước và quốc tế còn có nhiều thách thức. Nền kinh tế thế giới vẫn tỏ ra hồi phục yếu ớt và chậm, lạm phát và nợ công vẫn đe dọa nhiều quốc gia. Ở trong nước, dù bối cảnh vĩ mô đã qua giai đoạn khó khăn nhất, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đang phát huy tác dụng nhưng nền kinh tế còn phải chờ đợi những “cú hích” mới từ công cuộc tái cơ cấu, đặc biệt là các tổ chức tín dụng. Bởi vậy, lạm phát còn có khả năng tăng cao do bị ảnh hưởng bởi yếu tố mùa vụ (giáp Tết Nguyên đán 2013)…
Về phía Bộ Tài chính, Bộ đã tích cực chỉ đạo và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 26/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012. Ngày 02/11/2012, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ ký ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá những tháng cuối năm 2012 và Tết Nguyên đán Quý Tỵ, đặc biệt theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, rà soát cân đối cung cầu đối với hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán để chủ động tham mưu trình UBND tỉnh, thành phố có phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường.
Để kiểm soát lạm phát không chỉ của năm 2012 ổn định ở mức một con số, các cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao năng lực dự báo để làm tốt hơn công tác điều hành giá cả theo cơ chế thị trường, nhưng có sự quản lý, giám sát chặt chẽ. Về lâu dài để CPI ổn định bền vững, Nhà nước cần tiếp tục kiên trì mục tiêu lấy tiêu chí ổn định kinh tế vĩ mô làm trọng tâm, kiềm chế lạm phát ở mức dưới hai con số trong năm 2013 và những năm tiếp theo, tập trung đảm bảo tốt an sinh xã hội. Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế mà trọng tâm là tái cơ cấu tổ chức ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc đầu tư công nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tăng năng suất lao động, cải thiện hiệu quả đầu tư, tăng cường đổi mới khoa học, công nghệ, đẩy mạnh công tác chống tham nhũng, lãng phí; sử dụng tài nguyên một cách hợp lý, hiệu quả, giải quyết vấn đề môi trường một cách quyết liệt trong một vài năm tới. Đây là chìa khóa để ổn định kinh tế vĩ mô dài hạn trong đó có việc ổn định chỉ số CPI.