CPTPP thông qua, giá nhiều cổ phiếu tăng mạnh
Với hiệp định CPTPP, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến thực phẩm được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Ngày 8/3, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - hiệp định thương mại tự do được mong chờ nhất đã được bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam ký thông qua tại Chile.
Dù vắng Mỹ đã khiến lợi ích của Việt Nam giảm so với TPP trước đây, tuy nhiên với hiệp định mới, các ngành như dệt may, da giày, thủy sản, chế biến thực phẩm được kỳ vọng vẫn sẽ hưởng lợi nhiều nhất.
Thực tế cho thấy giá cổ phiếu thuộc những nhóm ngành này cũng đã tăng mạnh khi phản ứng với thông tin CPTPP được ký kết.
Cổ phiếu Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG kinh doanh trong lĩnh vực dệt may có thời điểm tăng gần 17.000đ/CP, tăng gần 15% sau khi dao động quanh vùng 13.000 đ/CP trong suốt năm 2017. Với kết quả kinh doanh tăng trưởng tích cực trong những năm qua, cộng thêm hiệu ứng từ CPTPP, giá cổ phiếu này khả năng sẽ còn tiếp tục tăng.
Sau khi đóng cửa tại mức giá 10.300đ/CP vào cuối năm 2017, giá cổ phiếu của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) đang giao dịch trên sàn UPCoM đã tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Có thời điểm giá cổ phiếu của doanh nghiệp này lên đến gần 20.000đ/CP. Mặc dù những phiên gần đây đã hạ nhiệt trước áp lực bán ra của nhà đầu tư nước ngoài, nhưng nếu so với đầu năm thì giá VGT vẫn tăng 50%. Ngoài sự thừa hưởng thông tin tích cực từ CPTPP và các FTA, cũng như kết quả kinh doanh được cải thiện thì lượng “đất vàng” mà VGT đang nắm giữ là rất đáng chú ý.
Giá các cổ phiếu trong ngành dệt may như Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (TCM) cũng đã hồi phục trở lại trước hiệu ứng CPTPP sau khi sụt giảm trước những thông tin tiêu cực trong giai đoạn trước đó. Hay cổ phiếu của một doanh nghiệp lớn trong ngành là Tổng công ty CP May Việt Tiến cũng có dấu hiệu tăng trở lại.
Bên cạnh đó, ngành thủy sản cũng được kỳ vọng nhận được nhiều lợi ích nếu chất lượng sản phẩm được cải thiện bởi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản có thể sẽ không chịu thuế nhập khẩu.
Một “ông lớn” trong ngành xuất khẩu thủy sản là Công ty CP Thủy sản Tập đoàn Minh Phú (MPC) đã tăng rất mạnh trên sàn UPCoM trong thời gian gần đây. So với đầu năm, giá cổ phiếu MPC đã tăng đến 89%. Được biết trong năm nay, MPC sẽ niêm yết trở lại trên sàn HoSE.
Sau khi được ký kết, thời hạn sớm nhất để CPTPP có hiệu lực dự kiến sẽ là vào đầu năm 2019, vì vậy sẽ còn thời gian cho các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh để đón đầu những áp lực mới.
Được đánh giá là một trong 3 hiệp định lớn nhất hành tinh với nền kinh tế của 11 nước thành viên đóng góp 10.000 tỷ USD, tức hơn 13% GDP toàn cầu, 15% tổng thương mại thế giới và gần nửa tỷ dân, thì bất cứ thành viên nào của CPTPP cũng có thể trở thành địa điểm hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài.
Chẳng những vậy, với việc Mỹ có thể quay trở lại và khả năng có thêm 5 quốc gia và vùng lãnh thổ nữa là Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, Indonesia và Philippine thì CPTPP sẽ càng làm tăng đáng kể lợi ích kinh tế cho các thành viên.
Theo đó, vốn đầu tư vào các nền kinh tế của các nước này có thể tiếp tục tăng trưởng mạnh để tận dụng những ưu đãi về thuế quan, do đó những doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản khu công nghiệp cũng có thể hưởng lợi.
Hiện tại những doanh nghiệp như Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), Công ty CP Long Hậu (LHG) đang được giới phân tích khuyến nghị đầu tư trung dài hạn. Đáng lưu ý, giá cổ phiếu LHG đã tăng 35% so với đầu năm, trong khi giá cổ phiếu KBC vẫn trong giai đoạn củng cố và có dấu hiệu phục hồi trong những ngày gần đây.
Theo ước tính của World Bank, với CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,1% cho đến năm 2030, kim ngạch xuất khẩu tăng 2,4% và kim ngạch nhập khẩu tăng 5,3%. Với nền kinh tế tăng trưởng cao hơn tất yếu sẽ tác động tích cực lên thị trường chứng khoán nói chung và đặc biệt là những nhóm ngành như đã đề cập.
Dù vậy, cũng sẽ có những nhóm ngành gặp nhiều thách thức khi các hàng rào thuế quan giảm xuống trong khi sức cạnh tranh còn kém, như chăn nuôi, chế biến thực phẩm và các ngành yêu cầu vốn lớn khác.