Nhộn nhịp đón làn sóng vốn ngoại
Gần đây, các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài gây sự chú ý trên thị trường tài chính bằng một loạt thỏa thuận, hợp tác với các ngân hàng của Việt Nam.
Nếu như năm ngoái, thị trường tài chính chứng kiến nhiều vụ thoái vốn của cổ đông nước ngoài tại các ngân hàng, gần đây lại có dấu hiệu cho thấy NĐT ngoại liên tiếp chi những khoản lớn, sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phần ngân hàng Việt…
Điều này làm dấy lên sự nghi ngờ của nhiều người về việc sẽ có những thương vụ “khủng” hơn nữa trong tương lai gần của các định chế tài chính lớn trên thế giới.
Nhà đầu tư ngoại “mê” ngân hàng nội
Sức hấp dẫn của ngành ngân hàng đang trở lại là điều có thể thấy rõ qua việc dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục “đổ” vào các ngân hàng. Kể từ cuối tháng 12/2017, hàng loạt thương vụ hợp tác giữa ngân hàng Việt và NĐT ngoại được ký kết.
Chẳng hạn, ngày 7/12/2017, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) và Quỹ Đầu tư PYN Fund Management đã ký hợp đồng mua bán cổ phần. Theo đó, PYN Elite Fund sở hữu 4,99% vốn sau phát hành của TPBank với giá trị gần 40 triệu USD. Được biết, TPBank gần đây đã khóa room dành cho khối ngoại và dự kiến sẽ lên sàn trong thời gian tới.
Mới đây, ngày 12/3, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) công bố thông tin về khoản đầu tư lên tới hơn 370 triệu USD (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng) từ 2 NĐT pháp nhân độc lập được quản lý bởi Warburg Pincus.
Ngoài ra, một số ngân hàng cũng vừa công bố đã “hút” hàng trăm triệu USD từ dòng vốn ngoại, như: Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 250 triệu USD, Ngân hàng Phát triển Tp.HCM (HDBank) với 300 triệu USD…
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Bộ phận Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán SSI, cho biết nguồn vốn đầu tư nước ngoài theo hình thức góp vốn, mua cổ phần tăng mạnh (tăng 45% so với cùng kỳ), đạt 6,2 tỷ USD trong năm 2017. Trong 2 tháng đầu năm 2018, con số này tiếp tục tăng mạnh (tăng 102,5%), đạt 1,25 tỷ USD.
Khởi động cho năm 2018, nhìn từ thương vụ của Techcombank có thể thấy những khoản đầu tư không còn ở quy mô nhỏ như trước mà đã mở rộng sang quy mô lớn, cùng mức độ trả giá cao. Điều này có thể khẳng định một bộ phận ngân hàng thương mại Việt Nam đã và đang hấp dẫn trong mắt NĐT ngoại.
Theo nhận định của các chuyên gia, năm 2018, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào nhà băng nội có thể trở thành một “làn sóng” bởi nhìn vào kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng trong năm 2017 rất khởi sắc sẽ tạo tiền đề cho năm 2018 tiếp tục bứt phá. Chất lượng các ngân hàng thương mại Việt Nam liên tục được các tổ chức uy tín trên thế giới như S&P, Moody’s ghi nhận có sự cải thiện, nâng hạng trong thời gian qua cũng là “cái mác” để NĐT yên tâm.
Hai bên cùng “mở lòng”
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Nhà nước đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, kể cả tình huống sẵn sàng bán lại ngân hàng 0 đồng cho NĐT, sẽ là cơ hội để NĐT ngoại sở hữu cổ phần.
Trong khi đó, các ngân hàng nội cũng đang ráo riết lên kế hoạch tìm kiếm các cổ đông chiến lược nước ngoài cho giai đoạn tới. Chẳng hạn, Vietcombank, VietinBank vẫn để ngỏ thương vụ bắt tay với cổ đông nước ngoài, trong khi BIDV được cho là có kế hoạch phát hành riêng lẻ 10% vốn cấp 1 cho NĐT chiến lược là một ngân hàng Hàn Quốc. Thậm chí, nhóm ngân hàng yếu kém đã bị mua 0 đồng cũng có thể sẽ bán cho các NĐT nước ngoài để đẩy nhanh quá trình hồi phục.
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố HĐQT đã thông qua tỷ lệ sở hữu tối đa của NĐT nước ngoài là 23,66% vốn điều lệ. Trước đó, Techcombank sau khi mua lại cổ phần của HSBC đã tạm thời khóa tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại ở mức 0% nhằm chủ động lựa chọn NĐT chiến lược nước ngoài. LienVietPostBank cũng xin ý kiến cổ đông về việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cổ phần tối đa của NĐT nước ngoài tại mức 5% vốn.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, nhận định với những cải tiến mạnh mẽ trong thời gian qua, ngành ngân hàng của Việt Nam đang gây chú ý với các NĐT đến từ châu Á.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính – ngân hàng, NĐT nước ngoài kỳ vọng phải được sở hữu ở mức đủ để bảo đảm vai trò quản trị theo luật lệ của Việt Nam, đồng thời theo thông lệ quốc tế tốt nhất.
Do đó, việc nới room để NĐT nước ngoài “mạnh tay” đổ tiền vào ngành ngân hàng hơn nữa có thể quy định room cho NĐT nước ngoài với các mức: Cho phép được sở hữu 30% đối với ngân hàng thương mại khá, 51% đối với ngân hàng trung bình và thậm chí 100% đối với những ngân hàng yếu kém thực sự.