Cú rơi của thị trường mùa dịch: Chỉ là tâm lý ngắn hạn?

Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn

Dịch bệnh do virus corona gây ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán khiến các chỉ số thị trường “đồng thuận” lao dốc. Dưới góc nhìn của các chuyên gia, thị trường sẽ nhanh chóng hồi phục và tăng điểm, nhưng việc ứng xử của các nhà đầu tư sau dịch vẫn là một câu hỏi lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tính đến thời điểm hiện tại, chỉ số Vn-Index đang dao động trong vùng 925 điểm, giảm 6,7% so với phiên giao dịch cuối cùng của năm Kỷ Hợi và nằm trong top 10 chỉ số chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới tính từ đầu năm 2020. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2016, chứng khoán Việt Nam giảm trong tháng 1.

Tính rộng ra trong khoảng thời gian 3 tháng và 6 tháng, Vn-Index cũng nằm trong top những chỉ số chứng khoán "tệ" nhất thế giới.

Sẽ nhanh chóng hồi phục?

Trong một chia sẻ mới đây, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho rằng, thị trường chứng khoán (TTCK) luôn là nơi phản ứng nhạy bén và mạnh nhất với các diễn biến kinh tế - xã hội nhưng các phản ứng vừa qua có phần thái quá.

Dẫn kinh nghiệm trước đây tại đại dịch SARS, H5N1, ông Dũng cho biết, hầu hết thị trường đều biến động nhưng cũng phục hồi ngay khi có quốc gia công bố khống chế được dịch. Thời điểm dịch bệnh đạt đỉnh thường là khi các chỉ số chứng khoán phục hồi. Nhà đầu tư hoàn toàn có thể hy vọng thị trường lần này sẽ diễn biến tương tự

Hiện, UBCKNN đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Đặc biệt, mức giảm đã được thu hẹp trong 2 phiên 4-5/2 có thể được xem là “liều thuốc an thần” đối với tâm lý các nhà đầu tư.

Cũng đưa ra ý kiến tương tự, Chứng khoán BIDV (BSC) cho biết các đợt dịch bệnh trong quá khứ đều tác động đến kinh tế các nước tâm dịch, tuy nhiên yếu tố tâm lý và cách hành xử với dịch bệnh mới là yếu tố quyết định mức độ thiệt hại.

Theo BSC, dịch bệnh bùng phát ảnh hưởng tiêu cực lên các TTCK trong ngắn hạn, mức độ thiệt hại tập trung vào 3 tháng đầu và hồi phục đáng kể sau đó. Theo thống kê 13 đợt dịch bệnh kể từ 1980 đến nay, chỉ số MSCI World Index phục hồi mạnh trung bình 0,4% sau 1 tháng, 3,08% sau 3 tháng và 8,5% sau 6 tháng.

Chỉ số P/E và P/B của Vn-Index đã giảm lần lượt về 14,9 và 2,18 lần, tương đương với mức định giá thời điểm 14/1/2019 khi chỉ số đang ở mức 880 điểm. Tương tự, mức P/E và P/B của HNX-Index lần lượt ở mức 7,29 và 0,9 lần, thấp hơn đáng kể so với điểm 14/1/2019.

Thực tế cho thấy, P/E và P/B của các chỉ số thị trường đều đang ở vùng thấp trong gần 4 năm qua, mức tăng trưởng lợi nhuận thị trường năm 2020 được dự báo ở mức 10% - 15%. Do vậy, BSC cho rằng đây có thể là thời điểm cân nhắc phân bổ mua dần vào cổ phiếu cơ bản đang bị bán quá cho mục tiêu đầu tư trong vài tháng tới.

Đây cũng là ý kiến của phần đông các công ty chứng khoán trước những rủi ro hiện hữu của thị trường trong lúc chờ tín hiệu mới.

Đánh giá về xu hướng tâm lý dài hạn của giới đầu tư là câu hỏi lớn của thị trường (Ảnh minh họa: Internet)
Đánh giá về xu hướng tâm lý dài hạn của giới đầu tư là câu hỏi lớn của thị trường (Ảnh minh họa: Internet)
 

Câu hỏi lớn của thị trường

Thực tế, các công ty chứng khoán đều đang cố gắng đưa ra những thông điệp tích cực trong vòng xoáy của dịch bệnh và mong muốn nhà đầu tư chắt lọc để vực dậy tâm lý có phần cực đoan trong bối cảnh hiện tại.

Có thể kể đến báo cáo mới đây nhất của Chứng khoán VNDirect cho rằng bệnh viêm phổi do virus nCoV chỉ là một sự kiện "thiên nga đen" đối với TTCK gây tác động mạnh trong ngắn hạn nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế. "Dịch bệnh có thể chưa kết thúc ngay, nhưng khó khăn nào cũng có điểm dừng", VNDirect nhận định.

Trong những phiên giao dịch vừa qua, bên cạnh đà lao dốc của nhóm cổ phiếu ngành hàng không như HVN của Vietnam Airlines, VJC của Vietjet Air, ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam... hay các cổ phiếu nhóm ngành thủy sản, vẫn có nhiều cổ phiếu lại “bật xanh”, thậm chí là tăng vọt.

Chẳng hạn, cổ phiếu DHG của Dược Hậu Giang, IMP của Imexpharm... đã tăng cả về giá trị và khối lượng giao dịch. Nếu như ngành dược từ trước đến nay được cho là ngành “phòng thủ” (hàng hóa thiết yếu nhưng không trưởng mạnh) thì trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh diễn ra ở quy mô lớn như hiện nay, thì ngược lại có thể trở thành sức bật.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh này có giữ được trong xu hướng dài hạn hay không lại là một câu hỏi khó trả lời, đặc biệt là sau khi thị trường “bình tâm” lại. Bằng chứng là trong 2 phiên giao dịch ngày 4-5/2, các cổ phiếu nhóm ngành dược phẩm đã và đang bị chốt lời mạnh.

Theo nhận định của Chứng khoán SSI, nhóm cổ phiếu ngành dược có giao dịch tích cực trong những phiên vừa qua chỉ là nhờ tâm lý thị trường trong ngắn hạn. SSI cho biết, không thấy bất kỳ thay đổi đáng kể nào về mặt cơ bản đối với các công ty dược niêm yết do dịch virus corona.

Thực tế, bất chấp những biện pháp trấn an của giới chuyên gia cũng như các cơ quan chức năng, áp lực bán vẫn diễn ra mạnh mẽ trên toàn thị trường, bởi ít ai có thể giữ được tâm lý bình tĩnh trước diễn biến ngày càng phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại của dịch bệnh.

Điều này được thể hiện qua việc đà giảm đã được thu hẹp nhưng mức độ đồng thuận quá thấp, độ rộng thị trường vẫn lệch hẳn về bên bán, lượng mã cổ phiếu giảm gấp nhiều lần lượng tăng.

Có ý kiến cho rằng, TTCK luôn là “hàn thử biểu” của nền kinh tế và tâm lý của đám đông, đôi khi chỉ đo được sục sôi bên ngoài và khó dò được phía trong. Do đó, để đánh giá được xu hướng tâm lý dài hạn của giới đầu tư, từ đó đưa ra kỳ vọng thị trường trở lại là câu hỏi lớn khó có lời giải đáp lúc này.