Cửa hàng tiện lợi “lên ngôi”

Theo Thu Hương/kinhtedothi.vn

Nằm trong các khu dân cư, diện tích không quá lớn, hệ thống cửa hàng tiện lợi ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn khi mua sắm hàng hóa thay vì đến siêu thị hay chợ truyền thống.

Người tiêu dùng mua sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội. Nguồn: kinhtedothi.vn
Người tiêu dùng mua sản phẩm tại một cửa hàng tiện lợi ở Hà Nội. Nguồn: kinhtedothi.vn

Mô hình cửa hàng tiện lợi "lên ngôi" đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) bán lẻ nội phát triển chuỗi cửa hàng, qua đó tạo ra đối trọng với hệ thống bán lẻ nước ngoài.

Đáp ứng nhu cầu mua sắm

Trước đây, khi muốn mua những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như nước xả vải, xà phòng, dầu ăn…, người tiêu dùng thường đến hệ thống siêu thị, chợ truyền thống. Nhưng hiện nay, nhiều người đã tìm đến các cửa hàng tiện lợi.

Chia sẻ lý do thay đổi thói quen mua sắm, chị Nguyệt Anh ở đường Trần Hữu Tước cho biết: Mua sắm ở cửa hàng tiện lợi, cảm giác yên tâm hơn so với chợ truyền thống bởi hàng hóa đầy đủ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... Quan trọng hơn, những cửa hàng này phục vụ xuyên đêm, trong khi hệ thống chợ, siêu thị đến 21 giờ đã dừng phục vụ. Ngoài ra giá bán các mặt hàng cũng phải chăng, thậm chí còn rẻ hơn siêu thị từ 5 - 10%.

Theo kết quả khảo sát của Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam, từ năm 2012 đến nay số các cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần, qua đó tạo điều kiện cho DN bán lẻ xây dựng, phát triển chuỗi cửa hàng tiện lợi, tạo ra sự cạnh tranh với những siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài.

Nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, dịch vụ, đổi mới phương thức kinh doanh, theo hướng văn minh hiện đại, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 117/KH-UBND về phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại trên địa bàn TP đến năm 2025. Theo đó, TP Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, phát triển 52 trung tâm mua sắm, 111 siêu thị hạng 2; 865 siêu thị hạng 3; 595 chợ; 1.000 cửa hàng tiện lợi; 1.000 máy bán hàng tự động đặt tại các địa điểm công cộng.

Lý giải nguyên nhân khiến lượng cửa hàng tiện lợi phát triển mạnh mẽ, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: "Nếu muốn mở siêu thị DN phải mất nhiều thời gian tìm địa điểm, thực hiện rất nhiều loại giấy phép khác nhau, trong khi đó việc xin giấy phép, tìm địa điểm cửa hàng có diện tích dưới 500m2 không quá khó khăn, vốn đầu tư lại thấp hơn đầu tư siêu thị. Điều kiện trên các DN bán lẻ của Việt Nam hoàn toàn có thể nắm bắt và phát triển phân khúc hấp dẫn này" - bà Loan phân tích.Thống kê cho thấy, nhiều thương hiệu bán lẻ nổi tiếng như Circle K (Mỹ) hay Shop & Go (Singapore) có mặt từ những năm 2005 - 2008 và liên tục mở rộng chuỗi cửa hàng. Tại TP. Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Circle K có hơn 300 cửa hàng, Shop & Go có hơn 160 cửa hàng.

Cơ hội cho các doanh nghiệp bán lẻ nội

Kết quả khảo sát của một số DN nghiên cứu thị trường thời gian vừa qua cho thấy: Việt Nam có nhiều điều kiện để phát triển kênh mua sắm tiện lợi bởi tỷ lệ đô thị hóa hiện lên đến 30%, mức tăng trưởng 3,4%/năm; số lượng dân số trẻ chiếm tới 57%. Đặc biệt, động lực chính cho sự phát triển mô hình cửa hàng tiện lợi là tầng lớp trung lưu Việt Nam đến năm 2025 sẽ tăng gần gấp 3 lần so với thời điểm hiện tại.

Từ kết quả khảo sát này Giám đốc Khu vực Miền Bắc Công ty Nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam Đặng Thúy Hà dự đoán: Trong những năm tới mô hình cửa hàng tiện lợi, nằm xen trong các khu dân cư sẽ “lên ngôi” vì người tiêu dùng Việt Nam ngày càng hướng tới sự thuận tiện nhiều hơn trong mua sắm.

Thực tế cho thấy, việc phát triển hệ thống cửa hàng tiện lợi không chỉ dành cho DN nước ngoài mà còn là “sân chơi” của DN Việt như Co.op Food, Satra Foods, Vinmart+… Điển hình trong tháng 12/2018, Công ty CP VinCommerce đã mở mới 238 cửa hàng VinMart+ tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, nâng tổng số cửa hàng tiện ích trên khắp cả nước lên tới 1.700 điểm trở thành chuỗi cửa hàng tiện ích lớn nhất Việt Nam.

Dự kiến trong những năm tới, VinMart+ sẽ mở thêm 3.000 cửa hàng. Không chỉ những DN chuyên bán lẻ hàng tiêu dùng mới đầu tư khai thác thị trường này mà cả DN bán lẻ chuyên về ngành hàng công nghệ như Công ty CP Thế giới Di động cũng nhảy vào thị trường này với các cửa hàng Bách Hóa Xanh... Đây là tín hiệu cho thấy "sức nóng" của thị trường này trong năm 2019 và những năm tiếp theo.