Cửa hàng truyền thống chiếm 90% diện tích trung tâm thương mại ở Hà Nội
Mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm thương mại (TTTM) đang cạnh tranh với thương mại điện tử và cửa hàng truyền thống. Nhưng theo công ty TNHH CBRE Việt Nam, tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như tại Việt Nam, cửa hàng truyền thống đang chiếm ưu thế, tới 90% trở lên, tại các trung tâm thương mại.
Thị trường mặt bằng bán lẻ Hà Nội quý I/2019 có một dự án mới ra hàng, Sun Plaza Ancora, bổ sung 16.100 m2 sàn. Tính đến hết năm 2019, tổng nguồn cung bán lẻ dự kiến tăng thêm 21% so với năm ngoái, nâng tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ toàn thị trường vượt mức 1 triệu m2 sàn. Tại phía nam cũng sẽ có hai dự án mới góp mặt vào thị trường từ nay đến cuối năm 2019.
Nhiều thương hiệu mở rộng thuê
Ghi nhận của phóng viên tại các TTTM lớn như Vincom, Lotte, The Garden, Aeon Mall… đa phần các cửa hàng truyền thống với nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thuê mặt bằng bán hàng.
Mấy năm gần đây, với sự xuất hiện của các nhãn hàng thời trang như H&M, Zara, Under Armour… và đặc biệt là nhiều ngành hàng ăn uống cả trong nước và ngoài nước xuất hiện trong các TTTM đã khiến mặt bằng thị trường bất động sản bán lẻ cơ bản được lấp đầy.
Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc công ty TNHH CBRE chi nhánh Hà Nội, sau một thời gian tương đối dài, ít có thay đổi ngành hàng, thương hiệu mới. Gần đây, có sự quan tâm của thương hiệu quốc tế và trong nước tìm kiếm mặt bằng gia tăng.
Đặc biệt là sự mở rộng của các cửa hàng, bao gồm cả ăn uống và thời trang đã làm cho mặt bằng bán lẻ sôi động. Tuy nhiên, hiện ở Hà Nội chưa có một khu vực mua sắm chuyên nghiệp, nên bài toán giá thuê các TTTM mới đang được định hình.
Hiện giá thuê năm 2019 đang tăng nhẹ, đạt 100 USD/m2/tháng, tăng 1,1% theo năm và 0,5% theo quý, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy nhiều doanh nghiệp đang quan tâm nhiều tới thị trường, đánh giá từng khu vực để mở cửa hàng tiếp theo.
Giá thuê trung bình tầng trệt ở khu vực có nguồn cung lớn nhất thị trường như Đống Đa, Ba Đình và phía Tây duy trì ổn định trong quý I/2019 và đạt 30,4 USD/ m2/tháng.
Tỷ lệ trống khu Đống Đa – Ba Đình và phía Tây giảm còn 9,3% trong quý I năm nay. Tuy nhiên, khu vực này có khả năng sẽ thấy sự điều chỉnh về giá thuê cũng như tăng tỷ lệ trống tính đến hết năm 2019 khi có 4 dự án tương lai đi vào hoạt động.
Khu vực ngoài trung tâm khác cho thấy giá thuê trung bình tăng 1,7% theo năm và đạt 24,5 USD/m2/tháng.
Một xu hướng mới là ngoài mặt bằng bán lẻ tại các trung tâm, hiện nay nhiều khách hàng hướng tới vị trí thương mại các tầng đế chung cư và các shophouse để mở các nhà hàng ăn uống và các nhãn hiệu thời trang lớn. Theo các chuyên gia, đây là những vị trí rất hút khách hàng khi các cửa hàng này nằm lẫn trong khu dân cư.
CBRE cho biết, tỷ trọng của nguồn cung mặt bằng bán lẻ nói chung tập trung lớn ở khu vực phía Tây và đang được tiếp tục mở rộng. Trung tâm Hoàn Kiếm, phía Bắc thành phố đang được các nhà bán lẻ tìm kiếm rốt ráo.
Tuy nhiên, mặt bằng bán lẻ nằm ở khu dân cư, khu vực phía Đông đang chiếm 20% mặt bằng toàn thị trường. Dự kiến mặt bằng bán lẻ phía Đông sẽ tăng hơn.
Cửa hàng truyền thống áp đảo
Theo bà Nguyễn Hoài An, nhu cầu thuê mặt bằng bán lẻ sẽ đến từ các gian hàng kinh doanh. Thương hiệu quốc tế tiếp tục được mở rộng, ngành hàng có sự tăng trưởng và chuyển dịch, đặc biệt là ngành hàng ăn.
"Nếu trước 2013 có sự tăng trưởng nhanh của cửa hàng thời trang thì thời gian gần đây, cửa hàng ăn uống tăng trưởng nhanh hơn. Đây là nhu cầu thiết yếu và họ có khả năng thu hút được khách đến TTTM", bà An cho hay.
Một sự cạnh tranh gay gắt của thị trường bán lẻ đến từ thương mại điện tử, đây là thị trường tăng trưởng cao nhất trong khu vực, khoảng 15-20%. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng đang ở mức cao nhưng lại có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, doanh thu từ cửa hàng bán lẻ truyền thống khá ổn định, do đó sự cạnh tranh của thương mại điện tử lại trở lại khốc liệt.
Tại thị trường châu Á-Thái Bình Dương, cửa hàng trực tuyến tăng trưởng khá ổn định, nhưng lại có đến 80% doanh thu từ bán lẻ truyền thống, cho thấy tỷ trọng này vẫn lớn.
Tại Việt Nam, con số ước tính theo nguồn thống kê, cửa hàng truyền thống chiếm trên 90% mặt bằng bán lẻ, do thương mại điện tử mới đang phát triển.
Sắp tới đây, siêu thị và cửa hàng tiện lợi tại Hà Nội sẽ tiếp tục chứng kiến sự chiếm lĩnh của các chuỗi nội địa. Vingroup đã thành công mua lại Fivimart năm 2018, gần đây mua lại 87 cửa hàng tiện lợi Shop&GO.
Hiện nay, cửa hàng truyền thống đang tăng trải nghiệm để thu hút khách hàng, ở châu Á- Thái Bình Dương xu hướng này đã khá phát triển. Ở Việt Nam, các cửa hàng đã đưa vào trải nghiệm thiết kế, công nghệ nhằm tăng khả năng khách quay lại như Lottte, Aone mall.
"Nếu đi vào hoạt động thời gian tới sẽ cần phải tích hợp công nghệ cho khách, giúp khách hàng mua sắm ở nhiều kênh khác nhau. Đây chính là xu hướng của TTTM ", bà An nhận định.
Với việc tăng trải nghiệm, tích hợp để thu hút khách hàng, chuyên gia bất động sản này cho rằng xu hướng tới các TTTM có các cửa hàng truyền thống, siêu thị, cửa hàng tiện tích tiếp tục chiếm lĩnh mảng bất động sản này, thay vì kinh doanh trực tuyến đang đổ bộ vào Việt Nam.