"Cửa vào" cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện đã rộng mở
(Tài chính) Gần 1 năm sau khi “nổ phát pháo” đầu tiên, bảo hiểm hưu trí tự nguyện (BHHTTN) mới chỉ đạt mức doanh thu khiêm tốn 750 tỷ đồng. Nghị quyết 63 về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) vừa được Chính phủ ban hành, đang mở ra cơ hội "tăng tốc" cho loại hình bảo hiểm này.
Bị cản trở từ qui định cứng về số tiền đóng phí
Trước cảnh báo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH) vào năm 2034, để khắc phục tình trạng mất cân đối thu - chi của Quỹ BHXH, tránh nguy cơ vỡ Quỹ BHXH, việc triển khai BHHTTN được cho là một trong những giải pháp nhằm giảm gánh nặng của quỹ BHXH, tăng an sinh xã hội cho người lao động.
Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI) Phùng Đắc Lộc cho rằng, Việt Nam chỉ mới có gần 20% người cao tuổi có lương hưu từ BHXH, nghĩa là nhu cầu của người dân về một kế hoạch hưu trí rất lớn. Việt Nam lại đang ở cơ cấu “dân số vàng”, bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng, sản phẩm..., để triển khai BHHTTN đã sẵn sàng. Đây là thời điểm tốt nhất để triển khai mạnh BHHTTN, đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi nghỉ hưu.
Theo ông Robert A. Cook, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Manulife Financial Châu Á, kết quả từ cuộc khảo sát mới đây của Manulife về chỉ số lạc quan của nhà đầu tư châu Á cho thấy, tiết kiệm cho hưu trí là ưu tiên hàng đầu đối với các nhà đầu tư tại tất cả các thị trường được tiến hành khảo sát, ngoại trừ Malaysia. Vì vậy, nhu cầu bảo hiểm đang rất lớn.
Đồng quan điểm trên, Tổng giám đốc AIA Việt Nam Stephen Clark cho biết, dựa trên thống kê việc làm gần đây, AIA Việt Nam đã nhận thấy, thị trường BHHTTN Việt Nam đầy triển vọng với hơn 3,5 triệu khách hàng tiềm năng, BHHTTN đang hứa hẹn những bước phát triển mới.
Đại diện PVI Sun Life cho biết, các DN như PVN, Đạm Phú Mỹ, Điện lực Dầu khí, cùng một số DN FDI rất quan tâm đến sản phẩm BHHTTN như một việc làm đầy ý nghĩa đối với chính DN và người lao động, giúp gia tăng sự gắn kết giữa DN và người lao động. Tuy nhiên, chi phí đóng góp cố định của DN là 1 triệu đồng/người/tháng đang khiến việc triển khai BHHTTN gặp khó, doanh thu vì thế cũng không được như kỳ vọng.
Lãnh đạo các DN bảo hiểm được phép triển khai BHHTTN cũng cho rằng, nhu cầu bảo hiểm lớn nhưng hiện nay doanh thu của DN vẫn còn ở mức khiêm tốn. Ngay trong năm 2014, BHHTTN vẫn chỉ đang trong giai đoạn khởi động. Đặc biệt, việc chỉ cho phép người sử dụng lao động được mua BHHTTN cho người lao động tối đa 1 triệu đồng/1 người/ 1 tháng.
Muốn đóng hơn, chủ DN phải lấy từ lãi của mình, khiến nhiều DN dù muốn cũng không thể mua bảo hiểm cho người lao động cao hơn 1 triệu đồng/tháng, đang gây khó khăn cho DN bảo hiểm trong việc đẩy mạnh doanh thu sản phẩm này.
Cơ hội tăng tốc cho BHHTTN
Nghị quyết số 63/NQ-CP về một số giải pháp về Thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh sự phát triển của DN đang mở ra cơ hội mới cho sự phát triển của BHHTTN.
Tổng Thư ký AVI Phùng Đắc Lộc nhấn mạnh: Nghị Quyết 63 cho phép DN được trích vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi, chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ quy định, tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế, dù không lớn nhưng so với mức 1 triệu đồng theo quy định hiện hành là cả một bước tiến lớn. Đây thực sự là cơ hội để BHHTTN "tăng tốc".
Theo các chuyên gia trong ngành bảo hiểm, chính sách mới sẽ tạo ra cơ hội cho DN bảo hiểm bán bảo hiểm cho người lao động, mà người sử dụng lao động lấy từ chi phí hoạt động kinh doanh của DN, đây là mấu chốt quan trọng để BHHTTN đạt được sự tham gia đủ lớn với kỳ vọng doanh thu tăng nhanh chóng.
Lãnh đạo một DN bảo hiểm nhân thọ nước ngoài cũng đồng quan điểm trên và cho biết, ngoài mức đóng của DN cho người lao động không bị giới hạn ở 1 triệu đồng/ tháng, thì hiện mức chi phí người lao động để dành cho việc tham gia sản phẩm bảo hiểm cũng đang ngày càng tăng. Đây là hai yếu tố quan trọng góp phần tạo nên tiềm năng phát triển ngày càng cao của thị trường BHHTTN. Điều này đóng vai trò rất tích cực cho sự phát triển bền vững của thị trường bảo hiểm tại Việt Nam trong thời gian tới.
Tổng Thư ký AVI Phùng Đắc Lộc cũng khuyến cáo, DN bảo hiểm cần tuyên truyền rộng hơn để DN, người lao động biết tới loại hình bảo hiểm này, đặc biệt cần xây dựng các hợp đồng BHHTTN đơn giản, dễ hiểu để tạo điều kiện thuận lợi cho DN và người lao động tham gia, giúp BHHTTN tăng tốc./.