Cục diện kinh tế châu Á trong năm 2020
Các doanh nghiệp châu Á sẽ phải tiếp tục đối mặt với những bất ổn địa chính trị, chiến tranh thương mại trong năm 2020.
Theo các nhà phân tích và đầu tư, gần 18 tháng kể từ khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bắt đầu, đây vẫn sẽ là một trong những nguyên nhân lớn nhất gây ra sự không chắc chắn đối với các nhà đầu tư trong năm 2020, ngay cả khi hai nhà lãnh đạo đạt được một thỏa thuận thương mại giai đoạn một.
Cuộc khảo sát của JP Morgan cũng cho thấy, khoảng 30% giám đốc tài chính thuộc 130 công ty toàn cầu trong khu vực cho biết họ cảm thấy suy thoái kinh tế toàn cầu tiềm ẩn rủi ro lớn nhất đối với các doanh nghiệp của họ trong cuộc thăm dò được tiến hành tại Diễn đàn CFO và Thủ quỹ của Châu Á Thái Bình Dương năm 2019 tại Thượng Hải.
Belinda Boa, giám đốc tư vấn đầu tư tại các thị trường mới nổi của BlackRock cho biết các nhà đầu tư lớn nhất thế giới vẫn đang thận trọng khi đưa ra những dự báo xu hướng cho năm tới và tin rằng rủi ro địa chính trị, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung tiếp tục là từ khóa chính có tác động lớn đến nền tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế và thị trường châu Á vào năm tới.
"Chính sách thương mại của Mỹ đang ngày càng trở nên khó lường hơn bao giờ hết và chúng tôi đã nhận thấy có sự gia tăng trong chủ nghĩa bảo hộ thương mại. Các doanh nghiệp ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương cần đề phòng những rủi ro khi những cam kết của Mỹ đối với khu vực vẫn đang là dấu chấm hỏi và các giải pháp dài hạn để giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung vẫn còn rất xa vời", ông Belinda nhận định.
Có thể thấy, kể từ tháng 7 năm ngoái, Mỹ đã áp dụng thuế quan đối với hàng trăm tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc khi Tổng thống Trump cố gắng buộc Bắc Kinh thay đổi các chính sách công nghiệp và thương mại. Đây là một trong số ít các lĩnh vực thu hút sự ủng hộ của lưỡng đảng trong môi trường chính trị ngày càng phân cực ở Washington.
Cùng với việc các quan điểm về vấn đề dỡ bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc cũng như khối lượng hàng nông sản Mỹ mà Trung Quốc cần mua vẫn còn gây tranh cãi giữa hai bên, nhiều khả năng trong thời gian ngắn, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ không được ký kết trong cuối năm 2019.
Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, các doanh nghiệp và một số quốc gia có độ mở nền kinh tế cao tại khu vực châu Á có khả năng dễ bị tổn thương trước những rủi ro xuất phát từ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung trong năm sau.
Một nguy cơ khác là sự tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới. Theo J.P.Morgan, mức tăng trưởng toàn cầu năm 2019 dự báo sẽ đạt mức 2,7% và giảm xuống còn 2,5% vào năm 2020 sẽ tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế của cả khu vực.
Việc các nền kinh tế chủ chốt như Trung Quốc, Ấn Độ,... đang có dấu hiệu suy giảm mạnh sẽ đặt ra những thách thức cho các nền kinh tế có liên kết chặt chẽ với Trung Quốc thông qua việc tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất và dịch vụ liên quan đến thương mại như Malaysia, Hàn Quốc, Singapore...
Một trong những tác động cũng cần chú trọng là chính sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED). Sau khi liên tục có những đợt giảm lãi suất trong năm 2019, nhiều khả năng trong năm tới, FED và các ngân hàng trung ương lớn khác tiếp tục giảm lãi suất để quản lý và đối phó với các cú sốc khác nhau của nền kinh tế thế giới.
Về cơ bản, các chuyên gia dự báo, trong năm 2020, mức tăng trưởng tiêu dùng sẽ tiếp tục giảm khi thuế quan và giá nhiên liệu cao có nguy cơ làm giảm thu nhập cá nhân. Cùng với đó, các công ty và tập đoàn đa quốc gia có thể sẽ lựa chọn giảm chi tiêu và đầu tư.
Điều này sẽ làm giới kinh doanh châu Á mất đi nhiều cơ hội mở rộng thị trường trong bối cảnh xu hướng bảo hộ gia tăng ở nhiều thị trường lớn.
Tuy nhiên, châu Á vẫn được kỳ vọng sẽ là điểm sáng tăng trưởng trong bức tranh chung toàn cầu khi nhiều quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ và vừa tại châu lục này vẫn giữ vững đà tăng trưởng triển vọng. Số liệu của cơ quan thương mại và phát triển Liên hợp quốc cho thấy, vào năm 2020, các nền kinh tế châu Á sẽ lớn hơn cả phần còn lại của thế giới.
Thậm chí nếu xét trên cơ sở của thị trường hối đoái, châu Á vẫn chiếm khoảng 38% sản lượng toàn cầu, tăng 26% so với thập niên đầu của thế kỷ 21.
Đồng thời, quá trình hội nhập với nền kinh toàn cầu thông qua giao thương và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỉ lệ tiết kiệm cao, đầu tư mạnh vào nguồn lực vật chất và con người cùng các chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn cũng giúp một số các quốc gia như Indonesia, Việt Nam... trở thành điểm sáng thu hút đầu tư.
Năm 2020 được dự báo sẽ có nhiều biến động về chính trị, thương mại khi các nền kinh tế lớn trên thế giới có những thay đổi mạnh mẽ buộc các nhà hoạch định chính sách phải theo dõi chặt chẽ để có các biện pháp và chính sách đối phó kịp thời để duy trì dòng vốn đầu tư ổn định.