Cục QLTT Kon Tum: Tiêu hủy trên 1.300 sản phẩm nhập lậu


Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Kon Tum đã phối hợp giám sát, tiêu huỷ trên 1.300 sản phẩm là những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường với tổng giá trị hơn 72 triệu đồng.

Mặt hàng quần áo được vận chuyển, đưa vào máy cắt vải công nghiệp, đảm bảo việc quần áo bị cắt vụn
Mặt hàng quần áo được vận chuyển, đưa vào máy cắt vải công nghiệp, đảm bảo việc quần áo bị cắt vụn

Theo thông tin từ Cục QLTT tỉnh Kon Tum, mới đây, cơ quan này đã phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Môi trường Công an tỉnh, Sở Tài chính tiến hành tổ chức thực hiện giám sát, tiêu huỷ tang vật vi phạm hành chính tập trung tại Cục QLTT Kon Tum và Xí nghiệp may Kon Tum.

Tang vật vi phạm hành chính tiêu huỷ tập trung là các mặt hàng như đồ chơi trẻ em, quần áo rằn ri, quân tư trang quân đội, mỹ phẩm với trên 1.300 đơn vị sản phẩm. Trong đó, 41 hộp đồ chơi trẻ em, 80 hộp mỹ phẩm, và trên 1.200 đơn vị sản phẩm quần áo rằn ri, quân tư trang quân đội đã qua sử dụng với tổng giá trị 72.494.000 đồng.

Tất cả số lượng mặt hàng trên là những mặt hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đủ điều kiện lưu thông trên thị trường do các Đội QLTT thuộc Cục QLTT Kon Tum phối hợp cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, phát hiện, xử lý tịch thu theo quy định.

Quá trình tiêu hủy được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan chức năng. Cụ thể, mặt hàng quần áo được vận chuyển, đưa vào máy cắt vải công nghiệp, đảm bảo việc quần áo bị cắt vụn tại Xí nghiệp May Kon Tum (phường Lê Lợi, thành phố Kon Tum); các mặt hàng còn lại được xử lý cắt bỏ, tháo bao bì, cho ô tô cán xẹp.

Một số mặt hàng còn lại được xử lý cắt bỏ, tháo bao bì, cho ô tô cán xẹp  
Một số mặt hàng còn lại được xử lý cắt bỏ, tháo bao bì, cho ô tô cán xẹp  
Theo đại diện Cục QLTT Kon Tum cho biết: Hoạt động tiêu hủy hàng hóa vi phạm là để bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức sản xuất, kinh doanh, tuyên truyền tới người tiêu dùng, các tổ chức, cá nhân kinh doanh về sự nguy hại của việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm. Qua đó, nâng cao ý thức chủ động phòng ngừa, đấu tranh bài trừ nạn sản xuất, buôn bán hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, kém chất lượng…
Theo Hoàng Dương/tapchicongthuong.vn