Cục Thuế Vĩnh Phúc: Thu ngân sách từ khu vực đầu tư nước ngoài gặp khó khăn

Thùy Linh

Thu ngân sách nhà nước từ khu vực đầu tư nước ngoài của Cục Thuế Vĩnh Phúc đạt thấp do một số doanh nghiệp trọng điểm trên địa bàn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh.

Công ty Honda Việt nam và Công ty ô tô Toyota Việt Nam đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh số trong những tháng đầu năm.
Công ty Honda Việt nam và Công ty ô tô Toyota Việt Nam đang phải đối mặt với sự sụt giảm mạnh về doanh số trong những tháng đầu năm.

Theo thống kê của Cục Thuế Vĩnh Phúc, kết quả thu 7 tháng đầu năm 2023 đang có dấu hiệu sụt giảm mạnh khi ước thu nội địa 7 tháng chỉ đạt 13.603 tỷ đồng, bằng 49,6% dự toán pháp lệnh và bằng 71% so với cùng kỳ.

Đáng chú ý, số thu từ khối sản xuất kinh doanh ước đạt 11.030 tỷ đồng, bằng 48% dự toán pháp lệnh và chỉ bằng 74% cùng kỳ. Theo Cục Thuế Vĩnh Phúc, số thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán và so với cùng kỳ chủ yếu là do sản lượng tiêu thụ của Công ty Honda Việt Nam và Công ty ô tô Toyota Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2023 sụt giảm mạnh.

Theo đó, chung cả 2 Công ty, sản lượng ô tô 7 tháng đầu năm 2023 chỉ đạt 49.083 xe, bằng 66% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 25.773 xe). Trong đó, xe sản xuất trong nước đạt 22.575 xe, bằng 62% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 13.564 xe); xe nhập khẩu đạt 26.508 xe, bằng 68% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 12.209 xe).

Về số thuế nộp ngân sách nhà nước, trong 7 tháng đầu năm 2023, Công ty Honda Việt Nam nộp ngân sách nhà nước ước đạt 5.209 tỷ đồng (bằng 85% so với cùng kỳ; tương ứng giảm 951 tỷ đồng); Công ty ô tô Toyota Việt Nam có tổng số thuế nộp ngân sách nhà nước ước đạt 3.681 tỷ đồng (bằng 61% so với cùng kỳ; tương ứng giảm 2.327 tỷ đồng). Tính chung cả 2 công ty, số thuế nộp ngân sách nhà nước trong 7 tháng đầu năm 2023 ước đạt 8.890 tỷ đồng, bằng 73% so với cùng kỳ (tương ứng giảm 3.279 tỷ đồng).

Nguyên nhân của sự sụt giảm về sản lượng và số thuế đối với ngành Sản xuất ô tô tại Vĩnh Phúc được đánh giá là do chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế trên toàn cầu, bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn cùng với lãi suất ngân hàng cao khiến người dân mua xe sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, thị trường bất động sản trầm lắng, thị trường chứng khoán ảm đạm cũng tác động gián tiếp tác động đến sức cầu tiêu dùng ô tô. Cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước cũng có nhiều khó khăn. 

Được biết, năm 2023, Vĩnh Phúc được Quốc hội giao dự toán thu nội địa là 27.398 tỷ đồng, trong đó dự toán thu của lĩnh vực đầu tư nước ngoài là 21.244 tỷ đồng. Với tình hình hiện tại, ước tính số thu lĩnh vực đầu tư nước ngoài 7 tháng đạt khoảng 9.900 tỷ đồng, đạt 46,6% so với dự toán và bằng 71% so với cùng kỳ.

Như vậy, có thể thấy, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong những tháng cuối năm 2023 sẽ là rất nặng nề đối với lĩnh vực đầu tư nước ngoài nói riêng và đối với toàn ngành Thuế Vĩnh Phúc nói chung. 

 

Nhằm giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh, thời gian qua, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: Nghị định số 12/2023/NĐ-CP ngày 14/4/2023 của Chính phủ quy định việc gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế TNDN, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất; Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước; Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước; Nghị định số 44/2023/NĐ-CP ngày 30/6/2023 quy định chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội. Những chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô nói riêng và toàn ngành kinh tế nói chung giảm giá thành hàng hóa, dịch vụ, từ đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và phục hồi kinh tế trong năm 2023.