Củng cố niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư


Thị trường bất động sản năm 2024 vẫn đang chờ cơ hội mới. Những yếu tố tích cực từ chính sách sẽ sớm khơi thông dòng tiền, củng cố lại niềm tin cho doanh nghiệp và nhà đầu tư.

Các yếu tố đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Ảnh: LV
Các yếu tố đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản có thể sẽ tiếp diễn trong năm 2024. Ảnh: LV

Bà Giang Huỳnh - Phó Giám đốc, Trưởng Bộ phận Nghiên cứu và S22M Savills TP. Hồ Chí Minh dự báo, các yếu tố đang ảnh hưởng đến thị trường bất động sản (BĐS) có thể tiếp diễn trong năm 2024 như: Khó khăn về dòng tiền và áp lực trả nợ trái phiếu của các chủ đầu tư, thanh khoản thấp, tâm lý người mua bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, thị trường nhà ở dự kiến sẽ có sự phục hồi dần dần nhờ các nỗ lực của Chính phủ trong việc thúc đẩy đầu tư công, phát triển cơ sở hạ tầng và minh bạch hoạt động kinh doanh BĐS.

Các chuyên gia dự báo năm 2024 vẫn có khả năng gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường BĐS nói riêng. Nhận định dựa trên tình hình thế giới vẫn phức tạp và khó khăn, cộng với khó khăn trong nước chưa hoàn toàn được cải thiện.

Chính phủ chắc chắn tiếp tục hành động theo xu hướng mạnh và quyết liệt hơn: Luật đất đai được thông qua sẽ giúp tạo động lực và tăng niềm tin cho xã hội, doanh nghiệp, nhà đầu tư,... Đầu tư công cũng được chú trọng ở nhiều vùng miền trên cả nước và chắc chắn sẽ tạo động lực phát triển kinh tế, phát triển thị trường BĐS, thu hút đầu tư BĐS mạnh hơn 2023. Quy hoạch của gần 40 tỉnh thành đã được Chính phủ phê duyệt, dự báo tiếp tục được phê duyệt ở 63 tỉnh thành trong năm 2024. Sẽ tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án bị vướng mắc ở nội dung này. Đồng thời sẽ tạo động lực thu hút đầu tư mạnh hơn, đặc biệt là FDI. 

Lãi suất ngân hàng được dự báo duy trì ở mức ổn định so với cuối năm 2023. Đồng thời có nhiều chính sách ưu đãi hơn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân nhiều hơn. Tỷ lệ hấp thụ vốn tín dụng sẽ được cải thiện hơn so với năm 2023. Nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ có thể sẽ được tháo gỡ để đẩy mạnh phát triển nguồn cung. Trở thành sản phẩm chủ đạo làm ấm lại thị trường giao dịch. 

Ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam kiến nghị Cơ quan quản lý Nhà nước: Sớm ban hành thông tư hướng dẫn Luật đất đai mới theo hướng gỡ được những điểm nghẽn cơ bản thực tế. Đồng thời, hài hòa với Luật nhà ở và Luật kinh doanh BĐS. Không để xảy ra tình trạng chồng chéo, không nhất quán.

Có phương án tính tiền sử dụng đất theo hướng hỗ trợ, tạo cơ hội “tái sinh” phân khúc nhà ở giá bình dân, phù hợp với khả năng tài chính của phần đông người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp đang hoặc có kế hoạch triển khai phân phúc nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá bình dân, cải tạo chung cư cũ (thúc đẩy để thực thi). Tiếp tục đẩy mạnh công tác rà soát, thống kê nhằm hỗ trợ xử lý, tháo gỡ các dự án còn vướng mắc.

Có giải pháp nhằm giải tỏa tâm lý “sợ sai” trong một số bộ phận cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương, nhằm khơi thông các điểm tắc nghẽn trong công tác ra văn bản. Tăng cường hơn nữa hoạt động của Tổ Công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ. 

Ngoài ra, cần đặc biệt quan tâm, nghiên cứu các cơ chế, chính sách phát triển đồng bộ các ngành nghề, lĩnh vực liên quan như du lịch, dịch vụ để đảm bảo thị trường BĐS có nền tảng vững chắc, phát triển sâu về “chất”. Đây là mấu chốt quan trọng giúp lấy lại niềm tin của khách hàng/nhà đầu tư, nhất là trong phân khúc BĐS du lịch nghỉ dưỡng. 

Theo Đan Thanh/Diendandoanhnghiep.vn