Cuộc cạnh tranh tỷ đô trong ngành hàng gia dụng
Tiềm năng của ngành hàng gia dụng Việt Nam trong thời gian tới được đánh giá là rất lớn, dư địa phát triển còn nhiều. Tuy nhiên, đi kèm đó là sức ép cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp (DN) phân phối, bán lẻ và sản xuất trực tiếp.
Số liệu của Bộ Công Thương cho biết, hiện tiêu dùng vào hàng gia dụng chiếm 9% tổng gói tiêu dùng cá nhân, trong 11 nhóm ngành hàng chính thì nhóm ngành hàng gia dụng đứng thứ 4 quy mô về tiêu dùng. Quy mô thị trường ngành hàng gia dụng trong nước ước khoảng 12,5 – 13 tỷ USD, tăng trưởng hơn 10%/năm.
Triển vọng sáng
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành hàng gia dụng còn nhiều tiềm năng phát triển, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, xã hội của Việt Nam như dân số trẻ dẫn đến nhu cầu hàng gia dụng lớn.
Cụ thể, tiêu dùng cho đồ gia dụng độ tuổi từ 18 – 45 chiếm 57 – 60% chi tiêu toàn thị trường. Đồng thời, thu nhập người dân hiện đang tăng lên (trên 2.000 USD/người/năm), dẫn đến thay đổi nhu cầu về chất lượng, mẫu mã nhiều hơn.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người tiêu dùng quan tâm đến đồ Made in Vietnam ngày càng tăng. Theo thống kê, trong hệ thống siêu thị của Việt Nam có đến 85 – 95% là thương hiệu Việt như: Happy cook, Sunhouse, Sơn Hà, Tân Á, Điện Quang, đang ngày càng chiếm lĩnh thị trường nhờ công nghệ, giá thành, hệ thống phân phối rộng khắp.
Ngoài ra, thị trường nông thôn chuyển dịch từ sử dụng các món đồ gia dụng tự chế sang sử dụng các thương hiệu Việt quen thuộc. Kết quả nghiên cứu của Nielsen cho thấy, trong quý I/2017, mức tăng trưởng mua sắm ở nông thôn đạt 12,4%, trong khi ở thành thị chỉ đạt 6,5%.
Trong đó, mức mua sắm các sản phẩm phổ thông tăng trưởng 40% và sản phẩm cao cấp tăng trưởng 38,5%. Điều này cho thấy người tiêu dùng nông thôn sẽ không còn trung thành với các sản phẩm phổ thông, rẻ tiền.
Đứng đầu danh sách các “ông lớn” trên thị trường đồ gia dụng là Kangaroo, với doanh thu trong năm 2016 lên tới khoảng 2.000 tỷ đồng, chủ yếu đến từ máy lọc nước cao cấp.
Theo sau là Sunhouse với doanh thu khoảng 1.800 tỷ đồng. Song, nếu tính riêng doanh thu về các sản phẩm gia dụng, Sunhouse vẫn chiếm thị phần lớn nhất, với khoảng 10% thị trường trong giai đoạn 2010 – 2016. Đây cũng là DN có tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức cao, trung bình ở mức 30% mỗi năm.
DN ít tên tuổi như Elmich (tập đoàn gia dụng đến từ Cộng hòa Séc bắt đầu thâm nhập thị trường Việt Nam từ năm 2011) cũng công bố đạt mức tăng trưởng doanh thu hàng năm ở mức 25 – 30%.
Hiện, các thương hiệu hàng gia dụng trong nước đang chiếm 80% thị phần hàng gia dụng, 20% thuộc về các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, trong 80% thị phần các DN tại Việt Nam, chủ yếu là hàng có xuất xứ Trung Quốc thông qua “bắt tay” với DN nội như Sunhouse, Kangaroo…
Với thị trường đầy tiềm năng như vậy, dĩ nhiên kèm theo sẽ là cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng trong ngành với nhau. Trong 2 năm trở lại đây, các DN lớn, có truyền thống trong nước cũng đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng loạt DN “nhỏ mà có võ” như VnTech, Asanzo, Korihome.
Asanzo là thương hiệu thuần Việt do ông Phạm Văn Tam sáng lập và mới phát triển vài dòng sản phẩm như bình đun nước siêu tốc, nồi cơm điện… Với đà tăng trưởng mạnh mẽ, rất có thể Asanzo sẽ là đối thủ đáng gờm của các thương hiệu Việt nêu trên.
Korihome (thuộc Tập đoàn Tecomen) lại đi theo dòng sản phẩm gia dụng cao cấp tích hợp công nghệ thông minh với mẫu mã “thời thượng”. Sản phẩm được chia thành 2 nhóm là máy lọc nước RO cao cấp và thiết bị gia dụng mang phong cách Hàn Quốc…
Tuy nhiên, tất cả các DN nội trên đang phải đối đầu với sức ép đến từ hàng loạt đối thủ cạnh tranh từ Thái Lan, Campuchia… – những nước sẽ được hưởng lợi từ thuế 0% từ các hiệp định thương mại khu vực.
Ngoài ra, thị trường đồ gia dụng còn tiếp tục nóng lên khi liên tục xuất hiện các thương hiệu lớn đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Đức… theo hình thức nhập khẩu, phân phối và bán lẻ, hoặc thực hiện các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) để nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường.
Mới đây nhất, “đại gia” đồ gia dụng Electrolux của Thụy Điển đã ngỏ ý quan tâm đến Sunhouse, một DN nội có 6 nhà máy, với tổng diện tích hơn 40ha cùng hệ thống phân phối đi kèm.
Ngoài Electrolux, Tập đoàn Haier (Trung Quốc), Tập đoàn Muji và Zojirushi (Nhật) cũng đang tìm hiểu Sunhouse. Trong đó, đáng chú ý có đối thủ không đội trời chung của Electrolux là Haier – tập đoàn đã chiến thắng chính Electrolux trong vụ mua lại mảng kinh doanh thiết bị gia dụng của General Electric (GE – Mỹ) 3 năm trước với giá 5,4 tỷ USD.
Dù phủ nhận nhận định trên, nhưng với nhận xét “sáp nhập để phình to”, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, đang định hướng Sunhouse tìm kiếm đối tác chiến lược đa quốc gia để được giúp sức mở rộng thị trường quốc tế, quản trị chất lượng, quản trị hệ thống, chuyển giao công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới nhất.
Dĩ nhiên, với Electrolux, một tập đoàn đa quốc gia khi bước chân vào bất cứ thị trường nào cũng có nhiều cách, như tự xây dựng kinh doanh, tìm công ty địa phương có nền tảng phân phối, nhà máy để phát triển nhanh hơn…
Việc Electrolux lựa chọn M&A cũng là điều bình thường_trong kinh tế thị trường, nhằm kết hợp sức mạnh, tính toán có lợi của đôi bên và phù hợp với thông lệ quốc tế.