Cuộc chiến tiền tệ mới

Theo gafin.vn

(Tài chính) Chiến tranh tiền tệ toàn cầu đang nóng lên khi các ngân hàng trung ương khởi động vòng nới lỏng mới phục vụ tăng trưởng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Chiến tranh tiền tệ toàn cầu đang nóng lên khi các ngân hàng trung ương khởi động vòng nới lỏng mới, nhằm phục vụ tăng trưởng.

Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) đã giảm lãi suất tái cấp vốn (lãi suất cơ bản) trong tuần vừa qua với động thái được cho là để phần nào chặn đà tăng giá của đồng euro sau khi đạt đỉnh cao nhất tính từ 2011 trở lại. Cùng ngày, các nhà hoạch định chính sách của Cộng hòa Czech công bố sẽ can thiệp vào thị trường tiền tệ lần đầu tiên trong 11 năm để hạ giá đồng koruna. New Zealand nói có thể sẽ trì hoãn việc tăng lãi suất để giảm nóng cho đồng tiền của họ còn Australia cảnh báo đồng AUD đang cao một cách đáng lo.

Axel Merk, quản lý quỹ đầu tư Mark Investment LLC tại Palo Alto, Mỹ bình luận: “Mối quan tâm thật sự của các nước nói trên là giữ đồng nội tệ ở mức yếu (...) Chủ tịch ECB Mario Draghi đã và đang cố diễn đạt về sự giảm giá đồng euro một cách nhất quán từ đầu năm cho đến nay”.

Với viễn cảnh kinh tế toàn cầu bị giảm sút theo đánh giá của IMF và lạm phát đã rơi xuống mức có thể ngăn cản đầu tư, các quốc gia và NHTW đang xem lại chính sách của mình để nâng khả năng cạnh tranh bằng cách giảm giá đồng nội tệ.

Động thái của ECB

“Chúng ta đang chứng kiến kỷ nguyên mới của chiến tranh tiền tệ" theo đánh giá của ngân hàng Bank of New York Mellon.

ECB đã bất ngờ giảm lãi suất cơ bản xuống còn 0,25%, mức thấp kỷ lục. Chủ tích Draghi cho rằng mức giảm này để giảm thiểu rủi ro của lạm phát thấp kéo dài và tỉ giá euro không có ý nghĩa quyết định. Lạm phát giá tiêu dùng ở khu vực euro đã nằm dưới mức trần 2% của ECB trong suốt 9 tháng qua.

Ngay sau quyết định hạ lãi suất của ECB, đồng euro đã giảm giá 1,6% so với USD, mức giảm mạnh nhất trong suốt 2 năm và đóng cửa tuần ở mức 1,3367 USD. Đồng tiền chung đã giảm mức tăng so với rổ tiền tệ của 9 nước phát triển trong năm nay khoảng 5,5%, thấp xuống từ mức tăng 7.5% hôm 29 tháng Mười, theo Bảng Chỉ số Trọng số tương đương Bloomberg Correlation-Weighted Indexes.

Ngân hàng Trung ương Czech đẩy giá đồng koruna giảm 4,4% so với đồng euro hôm 7/11, mức lớn nhất từ khi đồng euro ra đời 1999. Thống đốc Miroslav Singer cam kết sẽ tiếp tục bán ra koruna để giữ mức tăng trưởng “chừng nào còn cần thiết.”

Tăng trưởng chậm lại

IMF tháng trước đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn 2.9% năm 2013 và 3.6% năm 2014, giảm so với dự báo tháng Bảy là 3.1% và 3.8%. Họ còn dự báo lạm phát ở các nước phát triển tiếp tục dưới mức 2% đặt ra của các NHTW

Tăng trưởng thương mại toàn cầu có thể chậm lại tới 2.5% năm 2013, theo Tổ chức Thương mai Thế giới sau hội nghị thượng đỉnh G20 hôm 5/9 và 6/9 tai St Petersburg, Nga. Giảm hẳn so với mức dự báo 3% đặt ra hồi tháng 4. Dù vậy các nước tham dự đã cam kết sẽ “không thay đổi tỉ giá để nâng sức cạnh tranh”.

Chiến tranh tiền tệ toàn cầu

Không chỉ ở châu Âu, các hoạt động nới lỏng tiền tệ dẫn tới giảm tỉ giá diễn ra khắp các châu lục.

Cùng lúc với ECB nới lỏng chính sách, Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (Fed) nói sẽ tiếp tục in tiền để thực hiện chương trình mua trái phiếu 85 tỷ USD mỗi tháng của họ. Lý do là nền kinh tế vẫn còn quá yếu để tự đứng vững.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố đang áp dụng chính sách nới lỏng định lượng.

Ngân hàng Dự trữ New Zealand nêu lý do lạm phát thấp và tăng tỷ giá để không bãi bỏ chính sách tỉ lệ tiền mặt ở mức thấp kỷ lục 2.5% năm nay. Chỉ số Trọng số của Bloomberg cho thấy đồng tiền New Zealand đã tăng 4,9% từ tháng Sáu 2013. Họ làm vậy ngay cả khi thị trường nhà đất trong nước đang nóng lên và cần được giải quyết.

Tương lai gần

Theo OECD, đồng AUD của Úc tăng giá quá mức 27% so với đồng USD, tính theo ngang giá sức mua. NHTW Australia đã giảm dự báo tăng trưởng năm sau xuống mức từ 2-3% từ mức 2,5-3,5% đưa ra 3 tháng trước.

Trong một diễn biến khác, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hàn Quốc cảnh báo tháng trước họ sẽ hành động để chống lại xu thế bầy đàn trong tiền tệ, khi họ giảm dự báo viễn cảnh kinh tế nước mình.

Tại Mỹ trong tháng 10, Fed khẳng định sẽ cần phải có thêm bằng chứng về sự phục hồi kinh tế Mỹ trước khi họ cắt giảm chương trình mua trái phiếu chính phủ. Chương trình này được dùng để bơm tiền vào hệ thống ngân hàng.

Bloomberg đã tiến hành điều tra và ước tính Fed sẽ trì hoãn việc cắt giảm đến tận tháng 3/2014, ngay cả khi số liệu của Bộ Lao Động Mỹ cho thấy đã có thêm 204000 việc làm mới được tạo ra trong tháng 10, cao vượt dự đoán.

Mellor đến từ ngân hàng Bank of New York Mellon cho rằng: “Mọi người không ngồi yên như trước để chấp nhận chuyện đồng USD giảm giá dẫn đến đồng tiền của họ tăng giá (...) Chúng ta đã thấy có thay đổi từ Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Chúng ta đang chứng kiến một kỷ nguyên chiến tranh tiền tệ mới”.