Cuộc đua đầu tư vào Lào

Theo nhipcaudautu.vn

(Tài chính) Lào đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam.

 Lào đang là thị trường đầu tư chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: internet
Lào đang là thị trường đầu tư chủ lực của các doanh nghiệp Việt Nam. Nguồn: internet

Lào là một quốc gia có diện tích nhỏ, quy mô nền kinh tế khiêm tốn cùng thị trường chỉ vỏn vẹn 6,5 triệu dân. Tuy nhiên, những năm gần đây, Lào lại là một trong số ít các quốc gia liên tục đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao (hơn 7%). Đó là một trong những lý do khiến Lào trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, trong đó có Việt Nam.

Chiến lược “biến đất thành vốn”

Xét trong khối 3 nước Đông Dương, Lào có vẻ như chịu thiệt thòi hơn so với Việt Nam và Campuchia vì nằm sâu trong đất liền và không có biển. Thế nhưng, vị trí địa lý này đã mang lại thuận lợi cho Lào khi nằm giữa các quốc gia khác: phía Bắc giáp Trung Quốc, phía Đông giáp Việt Nam, phía Nam là Campuchia, phía Tây giáp Thái Lan.

Việc trở thành trục đường chính trong hành lang kinh tế Đông - Tây và Nam - Bắc cùng với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao đã giúp Lào, một nền kinh tế chỉ vỏn vẹn 10 tỉ USD, trở thành trận địa đầu tư mới của 3 quốc gia nằm xung quanh: Việt Nam, Thái Lan và Trung Quốc.

Thế nhưng, đó không phải là tất cả. Điểm hấp dẫn nhất của Lào chính là đất đai. Chính phủ Lào hiện lựa chọn chiến lược “biến đất thành vốn”, theo nhận định của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Chiến lược này lấy nguồn thu từ việc cho thuê đất và khai thác các tài nguyên thiên nhiên từ đất, chẳng hạn như các loại khoáng sản, nông nghiệp, điện lực. Trong đó, điện lực đang trở thành chiến lược chủ đạo của Lào.

Nhờ vào địa hình bị chia cắt nhiều bởi đồi núi, cùng dòng sông Mê Kông chảy dọc quốc gia, Lào đã có được lợi thế cạnh tranh về xây dựng các đập thủy điện. Lào hiện có ít nhất 23 đập thủy điện đang hoạt động dọc theo sông Mê Kông. Đến năm 2020, quốc gia này kỳ vọng có hơn 93 dự án hoạt động và phần lớn sản lượng sẽ được xuất sang các nước láng giềng. Và dự kiến đến năm 2025 nguồn thu từ các dự án thủy điện sẽ trở thành nguồn thu chính.

Trong khi vẫn còn tranh cãi về tác hại môi trường và ảnh hưởng đối với cộng đồng của các dự án khai khoáng và năng lượng, Chính phủ Lào vẫn kỳ vọng rằng những dự án liên quan đến đất, đặc biệt là thủy điện sẽ trở thành “con bò sữa” của nước này trong tương lai.

Tăng tốc vào Lào

Cuộc đua đầu tư vào Lào có thể nói là cuộc đua tam mã giữa Trung Quốc, Việt Nam và Thái Lan xét về quy mô vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lẫn giá trị giao dịch thương mại.

Những năm 1990, dòng vốn FDI rót vào Lào chủ yếu xuất phát từ Thái Lan. Hàng Thái chiếm lĩnh thị trường Lào trong một thời gian dài và vẫn duy trì cho đến nay. Năm 2013, theo ADB, Thái Lan thu 4 tỉ USD từ thị trường Lào, trong khi Trung Quốc là 1,9 tỉ USD, còn Việt Nam chỉ có 488 triệu USD.

Tuy nhiên, sức ảnh hưởng của Thái Lan đang dần giảm đi. Bằng chứng là thị phần của người Thái tại Lào năm 2008 giảm từ 56,2% xuống còn 48% trong năm 2013. Và phần giảm đi này được san sẻ sang cho Việt Nam và đặc biệt là Trung Quốc.

Trung Quốc vươn lên trở thành một thế lực lớn tại Lào là nhờ từ giữa thập niên 2000 quốc gia này bắt đầu tăng tốc rót vốn. Năm 2013, Trung Quốc đã vượt qua Thái Lan và Việt Nam trở thành nhà đầu tư lớn nhất ở nước này.

Trung Quốc cũng cho thấy tham vọng lớn khi mô hình đầu tư của quốc gia này trải dài khắp các lĩnh vực khoáng sản, năng lượng (các đập thủy điện), nông nghiệp và du lịch ở gần biên giới Lào - Trung (mà chủ yếu là casino).

Không chỉ vậy, Trung Quốc còn đầu tư cả hệ thống vận tải. Hiện tại, dự án FDI lớn nhất của nước này là dự án đường sắt tốc độ cao dài 425 km nối liền từ tỉnh biên giới của Trung Quốc, xuyên qua Lào, Thái Lan và kết nối với trục đường đến thẳng Singapore. Với dự án này, người Trung Quốc có vẻ như đang muốn mở đường cho hàng hóa của mình chạy xuống phía Nam.

Còn với Việt Nam, Lào có thể nói là thị trường đầu tư chủ lực của các doanh nghiệp Việt với quy mô vốn đầu tư lớn nhất trong số các quốc gia (chiếm 27,7% tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam). Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến tháng 10.2014, số vốn đăng ký đầu tư vào thị trường Lào đã lên đến 5 tỉ USD.

Trong khi các nhà đầu tư Trung Quốc tập hợp nhiều ở các tỉnh phía Bắc thì các nhà đầu tư từ Việt Nam lại tiến vào khu vực phía Trung và Nam Lào. Theo Hiệp hội các nhà đầu tư tại Lào (AVIL, Việt Nam), có 95,4% tổng vốn đầu tư vào Lào nằm ở khu vực này. Trong số đó, nổi bật nhất là dự án 1,2 tỉ USD của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai trong lĩnh vực nông nghiệp (trồng cao su) và thủy điện.

Tuy nhiên, với năng lực về vốn, trong thời gian gần đây, Trung Quốc đang tỏ ra ưu thế hơn, nhất là với các dự án hạ tầng mà Trung Quốc có cả những ngân hàng của mình tham gia tài trợ. Trong khi đó, Thái Lan vẫn là quốc gia có năng lực sản xuất hàng hóa tốt. Vậy Việt Nam sẽ lấy gì làm lợi thế cạnh tranh khi tham gia vào thị trường này.