Cuộc đua hàng không Việt

Theo Cáp Tần/enternews.vn

Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy thị trường chia 3, khách sang sẽ đi VNA, giá rẻ dùng VJ và trung dung mua vé Bamboo-Vinpearl.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ngày 21/08/2019, Cục Hàng không Việt Nam đánh giá dự án thành lập hãng hàng không Vinpearl Air của Vingroup đủ điều kiện để Bộ GT-VT kiến nghị Thủ tướng xem xét. Dự kiến, hãng hàng không Vinpearl Air sẽ khai thác cả nội địa và quốc tế từ tháng 7/2020.

Nếu được phép, Vinpearl Air sẽ là hãng hàng không thứ 6, chung mâm cùng Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar, Bamboo Airways và Vasco. Đằng sau đó, vẫn còn một hàng dài các hãng đang chờ phép bay như Thiên Minh, Vietstar hay Viettravel. Có thể thấy thị trường hàng không chưa bao giờ sôi động như thời điểm này.

 

Cuộc đua hàng không Việt - Ảnh 1

Dự báo tăng trưởng khách hàng di chuyển bằng đường hàng không.

 

Miếng bánh thị phần

Dù có đến 5 hãng hàng không Việt đang hoạt động, nhưng Vasco chỉ “chuyên trị” các chuyến bay dịch vụ, ra hải đảo, được xem là một mình một cõi không xâm phạm tới các hãng còn lại.

Với việc nắm giữ 70% cổ phần, Vietnam Airlines và Jetstar như chung một nhà, có thể coi Jetstar chỉ đóng vai trò là phân khúc hàng không giá rẻ của Vietnam Airlines. Thành thử, cuộc chơi thực tế hiện nay chỉ là cuộc đua giữa 2 tay kỳ cự Vietnam Airlines (VNA) và Vietjet Air (VJ), cộng thêm một “kẻ phá bĩnh” Bamboo Airways (BB) mon men đòi “chia phần”.

Trận đấu giữa VNA và VJ là trận đấu của 2 trường phái đối lập nhau chan chát. VNA giá cao nhưng đầu tư rất mạnh vào dịch vụ. Trong khi đó VJ chấp nhận giảm nhiều chất lượng dịch vụ và sử dụng chiêu bài giá rẻ để thu hút khách hàng.

Với quy mô lớn hơn, doanh thu của VNA cũng lớn hơn gần gấp đôi VJ, nhưng lợi nhuận trước thuế của cả hai lại xấp xỉ nhau, cho thấy cả 2 chiến lược của 2 hãng đều mang lại những hiệu quả nhất định.

Bamboo Airlines là một tay chơi non trẻ, bắt đầu bay chưa đầy một năm, đội bay mới chỉ có 10 chiếc nhưng có tham vọng rất lớn muốn “chia thiên hạ” cùng 2 ông lớn trên. Bamboo đã chọn chiến lược nằm giữa 2 hãng - Dịch vụ tốt giống như VNA và Giá rẻ gần VJ. Tính đến hết tháng 6/2019, chiến lược này của Bamboo đang mang lại 7% thị phần nhưng cũng khiến hãng lỗ ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

Có thể thấy thời gian đầu tham gia vào thị trường hàng không, Vinpearl Air khá giống với Bamboo, cả 2 đều có quy mô đội tàu bay nhỏ và đều vấp phải 2 ông lớn nắm mạnh cả 2 đầu: “dịch vụ tốt” và “giá vé rẻ”, nên khá dễ hiểu khi Vinpearl Air cũng chọn chiến lược giống Bamboo, dùng mô hình hỗn hợp kết hợp giữa hàng không truyền thống và chi phí thấp. Đối thủ cạnh tranh trước mắt của Vinpearl sẽ là Bamboo, chứ không phải VNA hay VJ.

Trong thời gian tới, chúng ta có thể sẽ thấy thị trường chia 3, khách sang sẽ đi VNA, giá rẻ dùng VJ và trung dung mua vé Bamboo-Vinpearl.

Cạnh tranh khốc liệt

Hiện nay, thị trường hàng không nội địa Việt Nam được đánh giá là đang bước vào giai đoạn bão hòa từ năm 2017 với tốc độ tăng trưởng lần đầu tiên tụt xuống 1 con số (9,1%). Cụ thể, từ ngày 16/5 đến ngày 15/6, tổng sản lượng vận chuyển hành khách của các hãng hàng không Việt Nam đạt 4,77 triệu khách, tuy vẫn tăng 5,7%, nhưng khách nội địa đạt 3,35 triệu lượt, chỉ tăng 1,4% so với tháng 6/2018. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Năm 2019 - 2022 sắp tới sẽ là giai đoạn cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng máy bay. Đương nhiên, hành khách sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất trong cuộc chiến này. Càng nhiều hãng hàng không nhảy vào phân chia chiếc bánh lợi nhuận thì giá vé nội địa có thể sẽ giảm, nhiều chương trình giảm giá, vé 0 đồng, giá siêu tiết kiệm để ai cũng có thể bay, nhưng khách hàng sẽ không tránh khỏi “trải nghiệm” chậm chuyến, hủy chuyến, do hạ tầng hàng không chưa thể đáp ứng được yêu cầu.