Cuộc rượt đuổi lợi nhuận các ngân hàng
Theo thống kê mới cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, tổng tài sản hệ thống ngân hàng Việt Nam tính đến hết năm 2018 đạt trên 10,8 triệu tỷ đồng, tăng 8,23% so với hồi đầu năm. Trong đó, tổng lợi nhuận trước thuế của những ngân hàng này đạt xấp xỉ 100.000 tỷ đồng, tăng 35% so với năm trước.
Nếu như các năm trước, tốp ngân hàng thay phiên nhau dẫn đầu lợi nhuận thường rơi vào 3 “ông lớn” là Vietcombank, VietinBank, BIDV thì “bảng xếp hạng” năm 2018 đã có sự thay đổi rõ rệt với sự “lột xác” của các ngân hàng thương mại như Techcombank, VPBank...
Dù lợi nhuận không phản ánh toàn diện hiệu quả hoạt động của ngân hàng, nhưng vẫn được xem là một chỉ số phân định thứ hạng. Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu trong nhiều năm qua, bảng xếp hạng này đã có sự xáo trộn lớn.
Tại sao 'ông lớn' bị soán ngôi?
Giai đoạn từ 2016 trở về trước, 3 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, BIDV luôn dẫn đầu, thay phiên nhau vị trí quán quân lợi nhuận trong lĩnh vực ngân hàng. Cuộc bám đuổi lợi nhuận của 3 nhà băng này cực kỳ sát sao trong những năm 2014-2016 có năm chỉ hơn nhau vài trăm tỷ đồng.
Ở giai đoạn đó VietinBank liên tục dẫn đầu, nhưng tới năm 2017 phải nhường lại vị trí quán quân cho Vietcombank và từ đó đến nay ngân hàng này vẫn không ngừng củng cố vị trí của mình, ngày càng bỏ xa những ngân hàng còn lại.
Năm 2018, Vietcombank đã đạt được nhiều kết quả tích cực với lợi nhuận trước thuế đạt 18.016 tỷ đồng, tăng 63,5% so với cùng kỳ 2017, là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua và cao nhất trong các ngân hàng. Lợi nhuận hợp nhất đạt 18.356 tỷ đồng, thực hiện 138% kế hoạch đại hội cổ đông, tăng 62% so với 2017.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank Nghiêm Xuân Thành cho biết, phương châm hoạt động trong năm qua của ngân hàng theo định hướng “mua buôn bán lẻ” với 3 trụ cột là bán lẻ, dịch vụ, kinh doanh vốn và đầu tư. Tín dụng tăng trưởng tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; vốn huy động từ các nguồn giá rẻ tăng mạnh (vốn bán buôn) giúp ngân hàng giảm chi phí huy động vốn và gia tăng hiệu quả hoạt động.
Vietcombank cũng là ngân hàng đi đầu về quản trị rủi ro khi là ngân hàng đầu tiên được áp dụng Basel II theo phương pháp tiêu chuẩn, đã được Ngân hàng Nhà nước trao quyết định vào cuối tháng 11/2018.
Lần đầu trong nhiều năm qua, bảng xếp hạng này đã có sự xáo trộn lớn.
Một “ông lớn” khác là BIDV. Trong mấy năm qua, ngân hàng này vẫn có sự tăng trưởng nhưng không có sự đột phá. Nguyên nhân là bởi 4 năm nay BIDV không được tăng vốn điều lệ và chưa tìm được đối tác chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, trong năm 2018 BIDV cũng đã nhiều lần đối thoại với ngân hàng KEB Hana (Hàn Quốc) và hy vọng trong năm 2019 ngân hàng này có thể hoàn tất giao dịch bán vốn trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, VietinBank do phải trích lập dự phòng rủi ro nhiều cộng với việc từ năm 2014 đến nay cũng chưa tăng được vốn điều lệ, dẫn tới ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Không tăng được vốn điều lệ, các chỉ tiêu tăng trưởng tại VietinBank đã được khai thác đến gần giới hạn, đặc biệt về tín dụng.
Kết thúc năm 2018, VietinBank đã không công bố con số lợi nhuận dẫn tới lần đầu tiên không có tên trong tốp 5 lợi nhuận ngân hàng. Tại hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết lợi nhuận “sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới đây.”
Ở nhóm ngân hàng cổ phần tư nhân, MB một thời vẫn tự hào là ngân hàng sinh lời nhiều nhất, thì đến nay điều ấy đã trở thành dĩ vãng.
Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy, ngân hàng MB hợp nhất đạt hơn 7.000 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2018, trong khi đó, các “đàn em” trước đây là Techcombank và VPBank lại bứt tốc mạnh mẽ và đạt lợi nhuận tương ứng 10.661 tỷ đồng và 9.200 tỷ đồng trong năm vừa rồi, một con số ngoài sức tưởng tượng của nhiều người và cùng chia nhau ngôi vị quán quân, á quân trong bảng xếp hạng lợi nhuận nhóm tư nhân.
Thực tế thì từ năm 2017, lợi nhuận của BIDV, VietinBank đã gần như bị Techcombank bắt kịp. Trước khi vượt qua 2 “đại gia” này, Techcombank đã tạo nên hiện tượng khi liên tiếp tăng trưởng theo cấp số nhân, bỏ qua nhiều ngân hàng tư nhân lớn như MB, Sacombank để lọt vào tốp 5.
“Trong năm qua, Techcombank tập trung vào mảng dịch vụ cho khách hàng, đặc biệt là khách hàng cá nhân. Chúng tôi cũng đã phát triển các dịch vụ online, mobile cho khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ giúp cho mọi người giao dịch rẻ hơn, thuận tiện hơn, số tiền không kỳ hạn được gửi trong ngân hàng nhiều hơn. Một trong những thành công lớn của ngân hàng là số tiền không kỳ hạn trong Techcombank tăng rất cao, bằng 29% trên tổng huy động. Như vậy đã giảm chi phí huy động cho Techcombank,” ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank chia sẻ.
Với VPBank, đây cũng là một “hiện tượng” nổi lên từ năm 2015 nhưng thực sự bứt phá ở năm 2017 với con số lợi nhuận được công bố đạt 8.100 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó và năm 2018 mặc dù con số không đạt được như kỳ vọng nhưng vẫn ở mức cao và bỏ xa Agribank, MB để tiến sát đến VietinBank, Vietcombank, BIDV, nằm trong tốp 5 nhà băng tăng trưởng nhất.
Đây cũng là ngân hàng tư nhân đầu tiên của Việt Nam lọt vào danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu do Brand Finance (Công ty tư vấn định giá thương hiệu hàng đầu thế giới) công bố. Lãnh đạo VPBank cho biết, việc nằm trong danh sách 500 ngân hàng có giá trị thương hiệu cao nhất toàn cầu là kết quả trong nhiều năm liên tục nỗ lực cải tiến mô hình kinh doanh, đầu tư vào công nghệ, chất lượng dịch vụ nhằm đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
'Cuộc đua' sẽ khốc liệt hơn
Theo kết quả điều tra của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) trong năm 2019 có khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018. Trong đó, có 35% tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện nhiều.”
Lý do là bởi môi trường kinh doanh của các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ. Hai nhân tố chủ quan “Chính sách, dịch vụ chăm sóc khách hàng của các tổ chức tín dụng” và “Khả năng sáng tạo, cải tiến sản phẩm của tổ chức tín dụng” cùng hai nhân tố khách quan “Cầu của nền kinh tế đối với sản phẩm dịch vụ của tổ chức tín dụng” và “Điều kiện kinh doanh, tài chính của khách hàng” được chú trọng và kỳ vọng.
Môi trường kinh doanh của các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ.
Là một trong những ngân hàng có con số lợi nhuận không được như kỳ vọng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cho biết năm 2019 sẽ tập trung cải thiện hiệu quả, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý gắn với quản lý tốt chất lượng tăng trưởng. Ngân hàng này cũng sẽ cải thiện NIM (thu nhập lãi thuần của ngân hàng), quản trị tốt chi phí vốn; cải thiện mạnh mẽ chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng sản phẩm, dịch vụ hiện đại, chuyển dịch mạnh cơ cấu thu nhập theo hướng tăng thu ngoài lãi...
Người đứng đầu VietinBank cho biết, thách thức trong năm 2019 là toàn hệ thống phải nâng cao năng lực tài chính. “Nhiều năm trở lại đây, VietinBank đã chủ động thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm tăng vốn tự có, tuy nhiên các biện pháp thực hiện đã được khai thác tới hạn, tỷ lệ sở hữu nhà nước tại VietinBank đã ở mức tối thiểu (64,46%), tỷ lệ sở hữu của cổ đông nước ngoài đã đạt tới 30%.
Do đó để năng cao năng lực tài chính, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ đảm bảo an toàn, VietinBank rất cần được Chính phủ phê duyệt phương án tăng vốn điều lệ để phát triển hoạt động kinh doanh, phục vụ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô,” ông Thọ nhấn mạnh.
Mặc dù đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng trong năm vừa qua nhưng ông Nguyễn Quang Dũng, Tổng Giám đốc Vietcombank vẫn cho biết, trong năm 2019 ngân hàng này sẽ đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cao ngay từ đầu năm, đặc biệt là tín dụng ngắn hạn để nâng cao hiệu quả và hỗ trợ mở rộng dịch vụ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng trung dài hạn.
Và hơn hết, sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng.
Vietcombank cũng xác định tăng cường quan hệ với các khách hàng là tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp lớn để thiết lập, duy trì, gia tăng thị phần tiền gửi tại Vietcombank. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng xác định mục tiêu tập trung thu hồi nợ xấu, nợ đã xử lý dự phòng rủi ro, tăng cường công tác kiểm tra giám sát, phát triển nguồn nhân lực…
Còn đối với Techcombank, lãnh đạo ngân hàng này đặt mục tiêu trong năm nay phải đạt chuẩn mực quốc tế về an toàn vốn (Basel II).
Ông Nguyễn Lê Quốc Anh, Tổng Giám đốc Techcombank cho biết đơn vị này đã đạt được tỷ lệ an toàn vốn rất tốt, dựa trên huy động vốn cho ngân hàng và không cần tăng thêm.
“Hiện nay với vốn chủ sở hữu Techcombank đã có được sẽ giúp ngân hàng tăng trưởng trong nhiều năm tới, giúp Techcoombank đầu tư thêm các công nghệ kỹ thuật để đảm bảo các dịch vụ cho khách hàng ngày càng tốt hơn,” ông Quốc Anh nói.
Với những chiến lược cụ thể của các “đại gia,” cuộc đua trong tốp 5 ngân hàng có lợi nhuận lớn nhất Việt Nam của năm 2019 hứa hẹn sẽ đem lại một bức tranh sống động. Và hơn hết, sự cạnh tranh quyết liệt của các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho khách hàng...