Lợi nhuận ngân hàng năm 2019: "Sẽ phân hóa mạnh"
Những ngân hàng đã hoàn thành xử lý nợ xấu có lợi thế rõ ràng do phải dự phòng rủi ro ít hơn giúp lợi nhuận tăng trưởng cao hơn. Các ngân hàng còn lại sẽ cần thêm thời gian để xử lý nợ xấu kéo theo lợi nhuận bị kìm hãm.
Năm 2018 tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng dự kiến sẽ thấp nhất trong vòng nhiều năm qua, chỉ khoảng 16% so với mức bình quân trên 18% của 4 năm trước đó. Với chính sách kiểm soát chặt nguồn cung tín dụng từ phía NHNN, tăng trưởng tín dụng những năm tiếp theo được dự báo sẽ tiếp tục chậm lại.
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, sang năm 2019, tăng trưởng tín dụng sẽ không dưới 15%. Giả định được đưa ra trong bối cảnh lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ còn lạm phát, tỷ giá giữ ổn định.
VCSB dự báo ngay từ những tháng đầu năm 2019 tăng trưởng tín dụng sẽ có sự phân hóa rõ ràng. Các ngân hàng có chất lượng tài sản tốt, đã xử lý xong nợ tồn đọng sẽ chứng kiến tăng trưởng nhanh và ngược lại, tốc độ tăng trưởng kém khả quan đối với một số tổ chức tín dụng đang gặp khó khăn xử lý nợ xấu.
Tín dụng tiếp tục được kiểm soát chặt chẽ bở cơ quan quản lý để đảm bảo chất lượng nợ vay được các ngân hàng chú trọng thay vì chỉ tập trung vào tăng trưởng ồ ạt về số lượng.
Trên thực tế thì trong năm 2018, nhiều ngân hàng trong hệ thống đã rất tích cực xử lý nợ xấu và nợ tồn đọng. Công cuộc xử lý nợ xấu đã trở thành nhiệm vụ bắt buộc của các ngân hàng nếu muốn duy trì đà tăng trưởng, không chỉ gói gọn trong việc trích lập dự phòng trái phiếu VAMC và còn các khoản nợ tiềm ẩn, không thể hiện rõ ràng trên báo cáo tài chính.
Những ngân hàng đã hoàn thành việc xử lý nợ xấu tồn đọng có lợi thế rõ ràng để mở rộng hoạt động kinh doanh trong dài hạn, do lượng dự phòng rủi ro mới phải trích lập ít hơn sẽ giúp lợi nhuận tăng trưởng, đồng thời ngân hàng có khả năng ghi nhận thu nhập bất thường do thu hồi nợ.
Trong khi đó, các ngân hàng vẫn đang trong giai đoạn tự tái cơ cấu sẽ cần thêm thời gian để trích lập dự phòng rủi ro, kéo theo lợi nhuận cũng khó tăng đột biến.
Một vấn đề nữa được các ngân hàng đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây đó là Basel II. Theo thông tư 41 của NHNN, thời điểm áp dụng Basel II với hệ thống ngân hàng là đầu năm 2020. Như vậy, trong năm 2019, các ngân hàng sẽ cần hoàn thiện hệ thống công nghệ để tính toán các chỉ số an toàn cũng như chuẩn bị nguồn vốn để sẵn sàng cho thời điểm áp dụng Basel II.
Trong số những chỉ tiêu của Basel II, hệ số an toàn vốn tối thiểu (CAR) là một trong những yếu tố cốt lõi. Để đáp ứng và cải thiện CAR trong dài hạn, bắt buộc nhiều ngân hàng phải tăng vốn cấp một. Đây chính là nguồn cơn của cuộc đua tăng vốn điệu lệ ngân hàng thời gian qua, thông qua hình thức chủ yếu là phát hành thêm cho cổ đông chiến lược.
Ước tính, để đáp ứng được mức tăng trưởng tín dụng 14 – 15%/năm, các ngân hàng niêm yết cần phải tăng vốn thêm 237.000 tỷ đồng trong năm 2019.
Mặc dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng tìm được cổ đông chiến lược ưng ý, đặc biệt là các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước.
Với áp lực lớn từ ngân sách, dòng tiền mới chảy vào ngân hàng hiện nay chỉ có thể đến từ việc phát hành riêng lẻ cho các đối tác ngoại. Song, tình trạng chung hiện nay là ‘room’ giành cho khối ngoại ở các ngân hàng này đều đã kín.
BIDV mới chỉ vừa được NHNN chấp thuận bán cổ phần cho đối tác Hàn Quốc vào cuối năm nay, còn Vietinbank đã nhắc tới việc tăng vốn ròng rã suất 3 năm nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Thậm chí, phương án chia khoản lợi nhuận hơn 4.000 tỷ đồng còn dư lại sau khi trích lập các quỹ của Vietinbank năm 2017 cũng chưa được thông qua.
Nhìn chung, phân tích của VCBS nhận định, lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2019 sẽ khó có đột biến như những gì đã diễn ra trong năm 2018. Chỉ những ngân hàng quản lý tốt nợ xấu và trích lập dự phòng đầy đủ mới duy trì được mức tăng trưởng ổn định.
Với những ngân hàng có một phần hoạt động kinh doanh phụ thuộc vào phân khúc tài chính tiêu dùng, sẽ khó có thể duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Trong điều kiện lãi suất chịu áp lực gia tăng, các công ty tài chính tiêu dùng vẫn cần duy trì thị phần cho vay nên phải hạ tỷ suất lợi nhuận.
Một số còn lại các ngân hàng sẽ tiếp tục quá trình tái cơ cấu, trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản nợ. Nợ tồn đọng lớn có thể hạn chế khả năng tăng trưởng tín dụng và làm giảm đáng kể lợi nhuận của một số tổ chức tín dụng. Có thể một vài ngân hàng trong nhóm này sẽ có những bước tiến đáng kể trong năm 2019, tạo cơ sở cho tăng trưởng trở lại từ năm 2020.