Cuối cùng, Mỹ cũng phải nói chuyện với Syria

Theo Huỳnh Vũ/daibieunhandan.vn

(Tài chính) Trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria đã bước sang năm thứ 5 nhưng chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm, tuyên bố mới đây của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry về việc thương lượng với chính quyền của Tổng thống Bashar al Assad là tín hiệu về sự chuyển hướng trong chính sách của Washington đối với Damascus. Đồng thời, nó cũng đẩy các đồng minh của Mỹ ở bên kia bờ Đại Tây Dương vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tuyên bố trên đài truyền hình Mỹ CBS, Ngoại trưởng Kerry khẳng định “cuối cùng thì cũng phải thương lượng với Bashar al Assad” để chấm dứt cuộc chiến kéo dài tại Syria và dồn lực cho cuộc chống Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ, Washington đang dốc sức thúc đẩy các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Syria. Trước đó, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan cho biết Washington không muốn chứng kiến chính quyền đương nhiệm ở Syria sụp đổ, bởi điều này sẽ tạo ra khoảng trống quyền lực để các phần tử cực đoan như IS và al-Qaeda thâu tóm.

Ông John Brennan khẳng định lập trường của Washington về việc Tổng thống al-Assad không nên có vai trò gì trong Chính phủ tương lai của Syria, song Mỹ và các nước đồng minh mong muốn có một giải pháp chính trị nhằm bảo đảm cho sự hình thành của một chính phủ mang tính đại diện. Ông Brennan nhấn mạnh không một nước nào, liên minh quốc tế, hay các nước trong khu vực lại muốn chứng kiến sự sụp đổ của các thể chế chính trị và Chính phủ ở Damascus.

Theo giới phân tích, những phát biểu này mang tính dọn đường cho sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Syria, cho thấy giới chức Washington đã có những cân nhắc kỹ lưỡng về vấn đề nan giải này. Cuộc nội chiến cướp đi sinh mạng của hơn 200.000 người và biến đất nước Syria thành đống đổ nát, trong khi cuộc chiến chống IS tại đây vẫn bộn bề khiến Mỹ phải cân nhắc lại chính sách thù địch của mình đối với chế độ của Tổng thống al-Assad. Trong khi đó, phe đối lập tại Syria đang tan rã trong hỗn loạn trước sự trỗi dậy mạnh mẽ của IS. Chấp nhận điều chỉnh chiến lược với Damascus lúc này, sẽ là bước đi thực dụng của Washington.

Phát biểu mang tính bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Syria này ngay lập tức đã gây ra nhiều phản ứng gay gắt trong chính giới ở châu Âu và nhiều nơi khác. Đặc biệt tại Pháp, cả Thủ tướng và Ngoại trưởng đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ gợi ý của Washington. Đầu tháng 3 vừa qua, Tổng thống Francois Hollande cũng từng tuyên bố rằng Tổng thống al-Assad không phải là một đối tác đáng tin cậy trong cuộc chiến chống IS.

Trước đó, Tổng thống Hollande đã cực lực chỉ trích chuyến đi Syria của bốn nghị sỹ Pháp, trong đó có ba người đã gặp Tổng thống Assad tại Damascus. Cho tới nay, đối với Paris, giải pháp duy nhất cho Syria là kế hoạch chuyển tiếp chính trị, dựa trên bản thông cáo Geneve năm 2012, dự trù thành lập một chính phủ chuyển tiếp bao gồm đại diện của phe đối lập và chế độ Damascus, nhưng Tổng thống Assad phải ra đi.

Tờ Le Figaro nhận định: “Syria: Kerry khiến các nước châu Âu lúng túng” và nhấn thêm rằng “liên minh với al-Assad chống lại IS: Sự lựa chọn lưỡng nan mới của phương Tây”.

Cùng quan điểm trên, xã luận trên tờ La Croix viết: “Tìm kiếm hòa bình là mục tiêu cao cả nếu điều đó giúp chấm dứt nỗi thống khổ của hàng triệu người tỵ nạn và một thảm họa nhân đạo, lớn nhất từ sau Thế chiến thứ Hai.”

Vấn đề là 4 năm qua, mọi nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến tranh ở Syria đều đã thất bại, xung đột có nguy cơ còn kéo dài, trong lúc lực lượng IS đang kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ ở nước này, cũng như ở nước Iraq láng giềng. Mặc dù từ giữa năm 2014, liên minh quốc tế dưới sự chỉ huy của Mỹ đã mở chiến dịch tấn công ồ ạt vào IS ở Syria và Iraq, nhưng lực lượng này vẫn còn rất mạnh.

Dường như cuộc chiến ở Syria và cuộc chiến chống IS có mối liên hệ không thể tách rời. Vấn đề đặt ra với Mỹ lúc này là có nên xem Tổng thống al-Assad như một đồng minh trong cuộc chiến chống Hồi giáo cực đoan hay không?