Cứu logistics nội: Giải pháp chưa đến... trên bàn
(Tài chính) Trong khi miếng bánh logistics có trị giá hàng tỷ USD đang rơi vào tay khối ngoại thì việc thiếu chính sách hỗ trợ, định hướng phát triển, cùng không ít rào cản trong cơ chế quản lý với các chi phí đen, chi phí ngầm đã càng khiến cho doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics của Việt Nam không thể cất cánh.
Buổi họp bàn về thực trạng và giải pháp phát triển dịch vụ logistics và giám định thương mại trên địa bàn Hà Nội do Sở Công Thương Hà Nội tổ chức ngày 27/8 nhằm tìm ra hướng đi cho ngành logistics và các DN logistics của một trong những thị trường có nhu cầu logistics lớn nhất cả nước. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn là buổi họp này lại "vắng bóng" các DN – nhân vật chính và chỉ còn lại đại diện của các sở, ban ngành tham gia.
Ngoại chiếm thượng phong
Theo Sở Công Thương Hà Nội, hiện có khoảng 800 DN cung ứng dịch vụ liên quan tới logistics đang hoạt động tại Hà Nội, phần lớn đều là DN có quy mô vừa và nhỏ, với số vốn trung bình là 18,6 tỷ đồng. Đáng chú ý, có khoảng hơn 60% doanh nghiệp logistics ở Hà Nội là các chi nhánh của các DN logistics lớn có trụ sở chính tại TP. Hồ Chí Minh, nên quy mô, cơ sở vật chất cũng như quy mô hoạt động logistics tại các chi nhánh này cũng nhỏ hơn. Số lượng các DN tư nhân chiếm tỷ lệ chủ yếu với hơn 80%, song hầu hết đều có quy mô nhỏ, vốn đầu tư ít với khoảng 8 tỷ đồng và chỉ cung cấp một hoặc một vài dịch vụ trong chuỗi logistic.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, do có nguồn vốn và nhân lực hạn chế nên tổ chức bộ máy, trình độ quản lý DN còn đơn giản, trình độ chuyên môn hoá trong tổ chức dịch vụ yếu kém. Hơn nữa, mạng lưới dịch vụ nhỏ lẻ và hầu hết các DN tư nhân chưa có đại lý tại nước ngoài nên hoạt động cung cấp dịch vụ của nhóm DN này còn manh mún, phân tán và kém hiệu quả. Sự yếu kém về năng lực cạnh tranh đã khiến cho các DN logistics nội chịu chấp nhận "thua đau" trên chính sân nhà khi 80% thị phần logistics hiện đang rơi vào tay của DN ngoại, bất chấp việc khối này chỉ chiếm khoảng 2% về số lượng.
Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện phía Bắc của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), cho biết mặc dù ngành logistics của Việt Nam hiện đứng thứ 48 thế giới về chỉ số hoạt động logistics, song đa số nhà cung cấp logistics đều có quy mô nhỏ, chủ yếu làm đại lý cho các công ty đa quốc gia. Chi phí logistics hiện đang ở mức cao khi chiếm đến 20,9% GDP, trong đó chi phí vận tải chiếm đến 60% trong toàn bộ chi phí logistics.
"Hoạt động logistics tại Việt Nam thiếu hiệu quả so với các nước là do thiếu độ tin cậy xuyên suốt trong chuỗi cung ứng kết nối Việt Nam với phần còn lại của thế giới. Nguyên nhân là do thiếu hiệu quả trong kỹ thuật và tổ chức thực hiện các hoạt động logistics, như luật pháp liên quan điều chỉnh logistics thường không dễ hiểu gây trở ngại, chi phí "bôi trơn" trong công tác vận chuyển, việc quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông vận tải không đồng bộ, vận tải đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu của chủ hàng và cảng biển chưa được khai thác hết tiềm năng", ông Tương đánh giá.
Phí "lót tay" đè DN
Thực tế trên được bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Tổng giám đốc thứ nhất Công ty Trách nhiệm hữu hạn tiếp vận Thăng Long, cho biết nhờ liên doanh với nước ngoài, DN đã tháo gỡ được nút thắt về vốn, song những bất cập về chính sách lại đang đặt ra rào cản cho DN. Bởi theo bà Hà: "Hạ tầng giao thông đang là vấn đề gây cản trở cho DN logistics, làm cho giá thành dịch vụ này tại Việt Nam cao hơn so với các nước trong khu vực. Vận tải ô tô chỉ là một phần trong toàn bộ chuỗi logistics, song năm qua là năm khắc nghiệt nhất khi các chính sách kiểm soát tải trọng, hạn chế tốc độ đưa ra đã "làm khó" DN. Trong khi đó, hạ tầng giao thông hiện vẫn chưa đáp ứng được cho nhu cầu của hoạt động như bến cảng, kho bãi, đường xá… Chưa kể, những hạn chế về hạ tầng pháp lý, như thủ tục thông quan điện tử hiện cũng đang "có vấn đề" khi cơ quan này áp dụng phần mềm thông quan tự động mới, song còn rất nhiều những văn bản pháp luật trước đó chưa thay đổi, như vấn đề giám sát… đã làm thông quan điện tử chậm lại, ảnh hưởng đến hoạt động logistics".
Cùng chung bức xúc trên, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho biết cùng với những rào cản về chính sách thì vấn nạn "chi phí đen", "chi phí ngầm" đang diễn ra phổ biến càng khiến cho DN vận tải và DN logistics kém sức cạnh tranh. "Thủ tục hải quan thiếu quy định chắc chắn rõ ràng, thay đổi bất thường hôm nay đúng mai sai, thủ tục thụ lý hồ sơ tốn kém, yêu cầu nặng nề, lại phân biệt đối xử giữa các DN. Trong khi đó, hoạt động vận tải đường bộ luôn nóng với tệ mãi lộ đang khá phổ biến gây khó khăn cho DN vận tải. Chi phí lót tay cùng với tình trạng quan liêu vô cảm đã tạo nên những rào cản cho DN, làm ảnh hưởng đến thời gian vận chuyển, giá, chất lượng dịch vụ và độ tin cậy dịch vụ của DN ngày càng kém hơn", ông Thanh nói.
Trở lại Hội nghị bàn các giải pháp để nâng cao năng lực cho DN logistics, mặc dù đại diện các bộ, ngành và hiệp hội cũng đã nhận thấy rõ những bất cập trong phát triển ngành logistics và "nỗi đau" thua trên sân nhà của DN nội. Song với việc vắng bóng "tiếng nói" của DN, những khó khăn thực tế từ chính DN vẫn chưa được nhìn nhận đầy đủ, chắc chắn các cơ quan ban ngành liên quan sẽ khó có thể đưa ra được những chủ trương, chính sách phù hợp, sát với thực tiễn để giúp DN logistics và ngành dịch vụ logistics phát triển.
Ông Trần Nguyên Năm, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)
Cần có các chính sách đồng bộ về vốn, khuyến khích đầu tư xây dựng, phát triển cung cầu dịch vụ logistics. Trong đó, bên cạnh những ưu đãi đầu tư để thu hút vốn, cần có chính sách ưu đãi đặc biệt cho các bên tham gia góp vốn xây dựng trung tâm logistics, ủng hộ liên doanh liên kết giữa DN để cùng góp vốn… Phát triển logistics cũng cần quỹ đất lớn, nên cần tiến hành quy hoạch địa điểm xây dựng logistics, công bố đầy đủ quy hoạch, các địa phương ban hành chính sách cụ thể về đất đai để thu hút các nhà đầu tư, ban hành công khai khung giá đất từng khu vực, kéo dài thời hạn thuê và chuyển nhượng.
Cần có ban chỉ đạo liên ngành
Ông Nguyễn Tương, Trưởng Văn phòng đại diện phía Bắc của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA)
Để Hà Nội thành trung tâm logistics cả nước cần giải quyết các vấn đề về luật pháp liên quan đến logistics, phát triển hạ tầng giao thông vận và công nghệ thông tin, nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ của DN, cải tiến thủ tục hành chính và có sự hợp tác giữa các nhà sử dụng dịch vụ logistics và nhà cung cấp dịch vụ. Cụ thể, cần thành lập một tổ chức liên ngành cấp thành phố, bao gồm đại diện của các ngành liên quan đảm nhiệm việc tư vấn pháp luật, chính sách quản lý và phát triển logistics. Xây dựng cơ chế pháp lý hoạt động trên địa bàn thành phố trên cơ sở luật pháp và chính sách của Nhà nước về hoạt động logistics và tính đặc thù của Hà Nội trong mối quan hệ với cả nước, chú trọng khâu quản lý DN trong quá trình hoạt động. Phối hợp chặt chẽ hoạt động của hiệp hội ngành nghề liên quan, tăng đối thoại với DN…
DN cần tăng tính liên kết
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội
Cần tiếp tục hoàn thiện khung thể chế pháp lý tạo thuận lợi cho ngành logistics, nhất là những quy định, chính sách phức tạp, chồng chéo gây cản trở cho DN logistics. Đặc biệt là chính sách liên quan đến hải quan, thông quan phức tạp, áp dụng các quy định về nhãn mác hàng hoá, kho bãi, thiết bị thông tin quy trình và các chứng từ thông quan… gây chậm trễ và phát sinh chi phí hoạt động. Tuy nhiên, DN cũng cần phải nâng cao quy mô, năng lực cung cấp dịch vụ logistics với chất lượng cao và chi phí thấp, trên cơ sở tăng cường tính liên kết, liên doanh của DN để tăng năng lực cạnh tranh. Việc tăng liên kết có vai trò quan trọng giúp DN nội giành thị phần.