Đã có động lực đột phá để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Theo thesaigontime.vn

(Tài chính) Tiến trình cải cách doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam sẽ có thêm động lực mới sau một quy định mang tính đột phá về doanh nghiệp. Quy định mang tính động lực này được đưa ra trong Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội thông qua.

Đã có động lực đột phá để tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy định mang tính động lực này được đưa ra trong Luật Doanh nghiệp mới được Quốc hội thông qua, theo đó, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, thay vì từ 51% trở lên trước đây.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung nói: “Quy định mới này sẽ tạo động lực rất lớn cho tiến trình cải cách DNNN ở Việt Nam do nó sẽ tạo ra các khuôn khổ pháp lý mới để các doanh nghiệp này tự chủ hơn trước rất nhiều”, ông Cung nói.

Ông giải thích, sau khi cổ phần hóa, doanh nghiệp đó sẽ không còn là DNNN nữa; và nó sẽ hoạt động như một doanh nghiệp tư nhân, hay cổ phần. Vì thế, sẽ có nhiều thay đổi về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

“Doanh nghiệp đó không còn có quyền và nghĩa vụ riêng, không chịu cách thức quản lý nhà nước riêng. Điều đặc biệt là các cổ đông bên ngoài đã bình đẳng, quyền và lợi ích của họ được bảo vệ, không bị cổ đông nhà nước, cổ đông mang tính chất nhà nước áp đặt và lấn lướt như trước”, ông nói.

“Như vậy, các cổ đông chiến lược sẽ sẵn sàng tham gia nhiều hơn. Cổ đông chiến lược tham gia nhiều hơn sẽ thúc đẩy quá trình cổ phần hóa và lúc này đây sẽ là những nhà đầu tư đích thực, không phải những cổ đông, những nhà đầu tư đầu tư vào doanh nghiệp để hưởng lợi từ đặc quyền đặc lợi của DNNN như trước đây”, ông giải thích.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đồng tình: “Quy định về DNNN trước đây không tạo động lực cho các nhà đầu tư bên ngoài góp vốn vì họ bị kiểm soát chặt chẽ. Quy định mới sẽ giúp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, tái cơ cấu, và thoái vốn; đồng thời thu hút đầu tư của thành phần kinh tế khác. Họ thấy không bị kiểm soát, không bị kiểm toán nhà nước vào kiểm tra, không bị các bộ, ngành quản lý thì họ mới muốn mua. Tóm lại, điều quan trọng là quy định này sẽ tạo ra động lực cho thành phần kinh tế khác góp vốn vào các DNNN hiện nay”.

Tiến trình cổ phần hóa ở Việt Nam vẫn bị bế tắc cho đến nay. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ đầu năm đến nay chỉ có vỏn vẹn 100 doanh nghiệp được cổ phần hóa, rất nhỏ so với con số 432 doanh nghiệp phải hoàn thành cổ phần hóa trong hai năm 2014-2015, như yêu cầu của Thủ tướng.

Theo báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội gần đây, đến cuối năm 2013, có 796 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Trong đó có 8 tập đoàn kinh tế; 100 tổng công ty nhà nước (chưa bao gồm Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam); 25 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con; 309 công ty TNHH MTV độc lập hoạt động trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ, sản phẩm công ích; có 354 công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh thương mại.

Như vậy, trong trường hợp tất cả 432 doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2015 thì rõ ràng, số lượng DNNN sẽ chỉ còn vòn vẹn 364.

Tuy nhiên, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cảnh báo, Chính phủ không nên chạy theo số lượng.

Bà nói: “Cải cách doanh nghiệp nhà nước cần theo hướng giảm tập trung vào con số doanh nghiệp cổ phần hóa, và thay vào đó cần chú ý đến chất lượng cổ phần hóa. Trước hết cần nâng tỉ lệ sở hữu tư nhân trong doanh nghiệp nhà nước để tăng mức độ hấp dẫn các nhà đầu tư, và tăng cường cải tiến quản trị doanh nghiệp”.

Bên cạnh đó, bà khuyến nghị, Việt Nam cần nâng cao minh bạch thông qua công khai thông tin thường kỳ với độ tin cậy cao, chấm dứt ưu đãi vốn và đất đai, và nên áp ngân sách cứng lên các doanh nghiệp nhà nước.

Theo Bộ Tài chính, năm 2013, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có tổng số nợ phải trả là 1.514.915 tỉ đồng, tổng nợ phải thu là 298.645 tỉ đồng, và tổng nợ khó đòi là 10.329 tỉ đồng.