Đà Nẵng: Bàn giải pháp kết nối sân bay Đà Nẵng và sân bay Chu Lai

Lê Văn

UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức họp bàn giải pháp tối ưu trong việc kết nối sân bay Đà Nẵng và sân bau Chu Lai, nhằm khai thác triệt để công năng hai sân bay lớn của khu vực miền Trung.

Trước mắt Cảng hàng không Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Ảnh: Phú Nam
Trước mắt Cảng hàng không Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho du lịch, nhất là du lịch quốc tế. Ảnh: Phú Nam

Theo UBND TP. Đà Nẵng, trước thời điểm hợp nhất hai địa phương, TP. Đà Nẵng đã thành lập tổ công tác nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt đô thị kết nối Quảng Nam. Điều này giờ đây đã thuận lợi hơn khi hai địa phương đã được sáp nhập làm một.

Vì vậy, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Lê Quang Nam đề xuất, cần phải sớm minh định rõ chức năng, quy mô của hai cảng hàng không này để khai thác hiệu quả, tránh lãng phí.

“Việc kết nối giao thông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quy mô, chức năng của hai cảng hàng không. Một khi mở rộng đường cao tốc và đầu tư đường sắt đô thị nối hai cảng hàng không thì thời gian di chuyển sẽ được rút ngắn đáng kể”, ông Lê Quang Nam cho biết.

Theo ông Lê Quang Nam, đầu tư hạ tầng để đáp ứng quy mô của hai Cảng hàng không Đà Nẵng và Chu Lai là điều bắt buộc. Về cơ bản, trước mắt Cảng hàng không Đà Nẵng sẽ ưu tiên cho du lịch, nhất là du lịch quốc tế khi dự kiến sắp tới sẽ gia tăng việc đón khách chất lượng cao nhưng không xây dựng thêm nhà ga T3. Phần dư địa còn lại sẽ tập trung ưu tiên cho Cảng hàng không Chu Lai vào giai đoạn tiếp theo.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Nam Hưng cho rằng, việc phân định rõ ràng vai trò và chức năng cho Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và Cảng hàng không Chu Lai là giải pháp tối ưu hóa để khai thác hiệu quả tiềm năng của cả hai cảng hàng không này.

Cảng hàng không Chu Lai được xác định trong quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, trung chuyển hàng hóa quốc tế và khu vực. Ảnh: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam
Cảng hàng không Chu Lai được xác định trong quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, trung chuyển hàng hóa quốc tế và khu vực. Ảnh: Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam

Qua đó giúp TP. Đà Nẵng (mới) trở thành trung tâm vận chuyển hàng không đa dạng, vừa phục vụ nhu cầu du lịch, thương mại cao cấp, vừa là đầu mối quan trọng cho vận tải hàng hóa và logistics.

Theo ông Trần Nam Hưng, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không có sản lượng hành khách lớn thứ 3 Việt Nam (năm 2024 đạt gần 13,5 triệu lượt hành khách).

Tổng diện tích đất của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng hơn 806ha. 

Về quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng là cảng hàng không quân sự và dân sự dùng chung (cấp 4E), đến năm 2030 đạt 25 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 100 nghìn tấn/năm. Đến năm 2050 là 30 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 300 nghìn tấn/năm.

Trong khi đó, sân bay Chu Lai là cảng hàng không có diện tích lớn nhất nước ta và là một trong số ít cảng hàng không ở Việt Nam được quy hoạch cấp 4F (cấp độ cao nhất trong phân loại cảng hàng không).

Về Cảng hàng không Chu Lai, tổng diện tích đất do chính quyền địa phương và cơ quan quân sự xác định hiện trạng, thống nhất ranh giới cắm mốc xác định là hơn 2.097ha.

Cảng hàng không Chu Lai được xác định trong quy hoạch là cảng hàng không quốc tế, sân bay trung chuyển hàng hóa quốc tế và khu vực, dùng chung dân dụng và quân sự.

Quy hoạch giai đoạn 2021- 2030 đạt 10 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 50 nghìn tấn/năm; định hướng đến năm 2050 đạt 30 triệu hành khách/năm, hàng hóa đạt 3 triệu tấn/năm.

Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Nam Hưng nhận định, sân bay Chu Lai được hoạch định là cảng hàng không trung chuyển hàng hóa quốc tế, trung tâm sửa chữa máy bay hạng nặng, là nơi điều tiết khách quốc tế đối với sân bay Đà Nẵng và một số cảng hàng không trong khu vực miền Trung. Vì vậy, sản lượng hành khách quy hoạch nhìn tương đối cao nhưng là khả thi trong tương lai.

Ông Trần Anh Vũ, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, dự kiến đơn vị sẽ mở rộng nhà ga T1 của Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và phối hợp cải tạo nâng công suất nhà ga quốc tế T2.

Trước tình hình trên, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Anh Tuấn cho rằng, việc hợp nhất hai địa phương Quảng Nam và TP. Đà Nẵng tạo ra một không gian mới với tiềm năng rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội.

Do đó, đề nghị TP. Đà Nẵng sớm rà soát lại kết cấu hạ tầng hàng không, trong đó cần phải có tầm nhìn về hàng không thông minh, “hàng không xanh”.

Bộ Xây dựng ủng hộ đề xuất tài trợ quy hoạch của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam và hỗ trợ để sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch này đúng như thời gian dự kiến, để sớm đưa vào khai thác tối ưu hai sân bay lớn của khu vực miền Trung này.