Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á
Đà Nẵng đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á. Đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.
UBND TP. Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia khu vực miền Trung – Tây Nguyên mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á, một thành phố hiện đại, phát triển và thịnh vượng. Đến năm 2045, xây dựng Đà Nẵng trở thành một trung tâm công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, từ nay đến năm 2025 sẽ từng bước hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, trường đại học, viện nghiên cứu, nhà đầu tư và các cơ quan nhà nước liên quan. Xây dựng và ban hành quy chế khuyến khích, hỗ trợ phối hợp, liên kết, hợp tác giữa các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, sẽ đẩy mạnh thu hút, tăng nhanh số lượng chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các lĩnh vực mũi nhọn, thế mạnh, tiềm năng của TP. Đà Nẵng. Kết nối mạng lưới chuyên gia khởi nghiệp ít nhất đạt 200 thành viên.
Đặc biệt, bình quân hàng năm có trên 150 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ươm tạo tại các vườn ươm, trung tâm hỗ trợ. Hình thành được từ 2 – 5 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có giá trị khoảng 1 triệu USD trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Thu hút được từ 1 – 3 doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới, 3 – 5 doanh nghiệp công nghệ hàng đầu trong nước đến đầu tư vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển tại Đà Nẵng.
Ngoài ra, Đà Nẵng sẽ thành lập từ 8 – 10 vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp tư nhân hoặc theo hình thức đối tác công tư; vốn đầu tư và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng đạt khoảng 1,1 nghìn tỷ đồng; đào tạo nhân lực phần mềm và nội dung số đáp ứng được nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này khoảng 46.000 nhân lực.
Đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ nâng cấp hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lên tầm quốc tế tương đương với một số hệ sinh thái đổi mới sáng tạo lớn trong khu vực Đông Nam Á, được các tổ chức quốc tế thừa nhận, đánh giá và xếp hạng.
Theo đó, Đà Nẵng sẽ tăng 2 lần số chuyên gia tư vấn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo so với năm 2025. Tăng 2 lần số doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được nuôi dưỡng tại các vườn ươm và số lượng doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành lập, hoạt động tại TP. Đà Nẵng so với năm 2025. Vốn đầu tư doanh nghiệp khởi nghiệp mới sáng tạo, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng tăng thêm khoảng từ 6 – 7 nghìn tỷ đồng so với năm 2025.
Đồng thời, Đà Nẵng xây dựng cơ chế khuyến khích thành lập các Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, thu hút được 3 – 5 quỹ đầu tư mạo hiểm đặt văn phòng đại diện tại TP. Đà Nẵng; khuyến khích cán bộ, giảng viên, sinh viên tham gia đào tạo về khởi nghiệp sáng tạo, hướng đến 100% các dự án khởi nghiệp có cơ hội được đào tạo trong các khoá học về khởi nghiệp sáng tạo, từng bước đưa giáo dục khởi nghiệp, sáng tạo đến các trường học trên địa bàn TP. Đà Nẵng.
Để đạt được mục tiêu này, Đà Nẵng sẽ thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Đà Nẵng trên cơ sở tái cơ cấu Trung tâm Thông tin Khoa học và Công nghệ trực thuộc Sở KH&CN TP. Đà Nẵng hoạt động theo mô hình tổ chức khoa học và công nghệ lập do Nhà nước đầu tư.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng sẽ triển khai dự án Khu làm việc và đào tạo khởi nghiệp Đà Nẵng để cung cấp các tiện ích để hỗ trợ, liên lết các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và ươm tạo cũng như hỗ trợ cho các doanh nghiêph khởi nghiệp và kết nối, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn.
Theo UBND TP. Đà Nẵng, kinh phí thực hiện đề án sẽ được trích từ nguồn đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, và các nguồn tài trợ, viện trợ từ các cá nhân và tổ chức.