Doanh nghiệp địa ốc Đà Nẵng tiến sang tỉnh bạn

Theo V.T.N (Báo Đầu tư Bất động sản)

Khi thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam gần như “đóng băng” do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp địa ốc đã tìm tới các thị trường lân cận.

Thị trường bất động sản các tỉnh lẻ ở miền Trung vẫn hoạt động bình thường giữa mùa dịch Covid-19. Nguồn: internet
Thị trường bất động sản các tỉnh lẻ ở miền Trung vẫn hoạt động bình thường giữa mùa dịch Covid-19. Nguồn: internet

Toan tính đúng hướng

Những ngày đầu tháng 8/2020, trong khi Đà Nẵng và Quảng Nam đang thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội, các dự án chuẩn bị mở bán buộc phải dừng lại, cũng như các công ty bất động sản buộc phải tạm nghỉ, thì tại Quảng Bình, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Đông Phong đang chuẩn bị các công việc hậu cần nhằm triển khai mở bán giai đoạn 2 dự án Khu đô thị biển Gosabe City tại TP. Đồng Hới.

Ông Lê Thuận Nhật Tân, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển bất động sản Đông Phong (trụ sở chính tại đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP. Đà Nẵng) cho biết, từ cuối tháng 4, khi có kế hoạch phát triển dự án mới ở Quảng Bình, ban lãnh đạo Công ty đã họp và đưa ra quyết định mở thêm trụ sở chi nhánh tại số 45 Trần Hưng Đạo, TP. Đồng Hới. Đồng thời, điều động tất cả nhân viên từ trụ sở chính Đà Nẵng ra làm việc tại đây để phát triển dự án.

Nhờ quyết định này nên hiện nay, mọi hoạt động kinh doanh của Công ty Đông Phong vẫn diễn ra bình thường, chứ không phải tạm dừng do ảnh hưởng của lệnh giãn cách xã hội như đối với các doanh nghiệp khác ở Đà Nẵng.

Cũng tương tự, một đơn vị khác có trụ sở tại Đà Nẵng là Công ty cổ phần Địa ốc Babylon hiện nay cũng đã chuyển hướng ra thị trường khác. Cụ thể, hơn một tháng trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 2, ông Nguyễn Bảo Huy, Tổng giám đốc Địa ốc Babylon đã ra quyết định hết sức táo bạo, đó là tạm thời đóng cửa trụ sở chính tại Đà Nẵng, thay vào đó là thành lập văn phòng chi nhánh mới của Công ty tại TP. Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Cùng với đó, Công ty Babylon cũng quyết định tập trung gần hết quân số vào làm việc tại văn phòng chi nhánh mới mở để triển khai công tác bán hàng cho các dự án tại đây.

Dự án đầu tiên được thực hiện là Điền Viên Tịnh Ấn Tây. Hướng đi mới này của Babylon gặt hái được những thành công bước đầu khi dự án Điền Viên Tịnh Ấn Tây nhận được nhiều sự quan tâm của khách hàng địa phương với lượng đặt mua khá tốt.

Giải thích lý do chọn địa bàn Quảng Ngãi là nơi hoạt động mới, ông Huy cho biết, Quảng Ngãi hiện nay có số lượng các dự án bất động sản mới khá lớn. Trong khi đó, giá bất động sản tại đây còn thấp hơn nhiều so với các nơi khác.

“So với một số thành phố khác như Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Đà Nẵng… cơ sở hạ tầng của TP. Quảng Ngãi chưa thể bằng, nhưng TP. Quảng Ngãi, cũng như các đô thị xung quanh hiện nay có tốc độ đô thị hóa đang diễn ra rất nhanh. Do vậy, mức giá thấp như hiện nay chắc chắn sẽ không giữ nguyên, mà sẽ tăng lên trong tương lai gần. Đây chính là cơ hội đối với thị trường bất động sản Quảng Ngãi”, ông Huy cho biết.

Tìm cơ hội trong thách thức

Trước bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhiều người tỏ ra bi quan về khả năng phát triển trở lại của 2 thị trường bất động sản miền Trung. Tuy nhiên, một số lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản cho rằng, trong bối cảnh thị trường có nhiều thách thức như hiện nay, nếu chọn hướng đi đúng, sản phẩm, phân khúc, đối tượng khách hàng phù hợp, thì doanh nghiệp vẫn sẽ có cơ hội phát triển chứ không hoàn toàn là “ngõ cụt”.

Ông Nhật Tân chia sẻ: “Trên thực tế, hiện nay vẫn có nhiều nhà đầu tư, khách hàng có nhu cầu tìm mua các sản phẩm bất động sản để đầu tư trung hạn, dài hạn và để dành, hoặc để giữ vốn. Nếu doanh nghiệp không chịu khó tìm kiếm, thay đổi phương thức makerting, quảng bá để tiếp cận những khách hàng này mà chấp nhận ngồi chờ đợi thị trường hết dịch tốt lên thì rất có khả năng doanh nghiệp sẽ “chết” trước khi dịch được khống chế”.

Dưới góc độ nhà đầu tư, chị Vũ Thị Nga (một nhà đầu tư ở TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) cho biết, hiện nay, giá vàng, chứng khoán biến động tăng giảm liên tục, nhưng về lâu dài, tính thanh khoản và hệ số an toàn sẽ không thể bằng bất động sản. Do vậy, nhiều nhà đầu tư vẫn muốn lựa chọn đầu tư sản phẩm bất động sản như hình thức giữ tiền trong trung hạn, dài hạn nhiều hơn là đầu tư vào các kênh đầu tư có hệ số rủi ro cao.

“Thực ra từ năm trước, những vấn đề về pháp lý như không có sổ đỏ, dự án bị sai phạm, chủ đầu tư bỏ rơi quyền lợi khách hàng, chiếm dụng vốn khác hàng…, đã khiến nhà đầu tư hết sức bất an khi đầu tư đất ở thị trường Đà Nẵng - Quảng Nam chứ không phải chỉ mỗi do dịch như hiện nay. Với tôi, lựa chọn đầu tư vào các dự án ở thị trường tỉnh lẻ, nơi có sự kiểm soát tốt của chính quyền với thị trường bất động sản, cũng như có tốc độ đô thị hóa cao vẫn tốt hơn là đi mua các lô đất tại các dự án chưa hoàn thiện hạ tầng, pháp lý để lướt sóng và nhận lấy rủi ro cao”, chị Nga cho biết.

Chị Nga lấy minh chứng cụ thể từ bản thân khi năm 2019, chị đầu tư gần 4 tỷ đồng mua 2 lô tại dự án Khu đô thị số 11 ở Khu đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn, Quảng Nam). Đến nay, dự án này vẫn chưa hoàn thiện pháp lý, nên chị không thể nhận được sổ đỏ như cam kết, mặc dù đã đóng đến 95% số tiền. Thậm chí, vừa qua chị Nga đã cất công “lặn lội” từ Gia Lai xuống Đà Nẵng để trực tiếp làm việc với chủ đầu tư xin rút lại tiền cọc 2 lô đất, nhưng chủ đầu tư chỉ đồng ý cho chị rút lại 1 lô và thanh toán số tiền 1,7 tỷ đồng cho chị theo từng đợt.

Chị Nga cho biết, dịch Covid-19 đang bùng phát ở Đà Nẵng và Quảng Nam, nhưng qua theo dõi thấy rằng một số địa phương như Quảng Bình, Ninh Thuận, hay Phú Yên tình hình vẫn đang kiểm soát tốt, chưa ghi nhận ca nhiễm, nhờ vậy thị trường một số khu vực này vẫn diễn ra bình thường. Do đó, chị quyết định mua một lô đất biệt thự tại dự án Gosabe City ven biển ở TP. Đồng Hới, Quảng Bình và chấp nhận đầu tư dài hạn. Điều khiến chị thấy an tâm đó là sau khi hoàn thành đóng tiền đầy đủ, chỉ 1 tuần sau đó chị đã nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như cam kết.

Chị Mai Tiên, Quản lý Sàn giao dịch Bất động sản Thành Công Gia Lai (TP. Pleiku, Gia Lai) cho biết, hiện nay, nhiều người quá tập trung vào bất động sản dự án mà quên mất một phân khúc khá tiềm năng là bất động sản lẻ thuộc sở hữu cá nhân.

Chị Tiên cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, giao dịch các sản phẩm lẻ như nhà ở trong khu dân cư, đất thổ cư, đất vườn… ngay tại Gia Lai vẫn diễn ra bình thường. Đây đang là “điểm tựa” cho các doanh nghiệp môi giới bất động sản vừa và nhỏ trên địa bàn.

“Giai đoạn này nếu cố gắng thì vẫn có khả năng duy trì được hoạt động của doanh nghiệp chứ không hẳn là không có cơ hội. Quan trọng là mình chọn sản phẩm phù hợp với đối tượng khách hàng phù hợp”, chị Tiên cho hay.