Đà Nẵng thi hành án tín dụng, ngân hàng thu hồi hơn 24 tỷ đồng
Thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) về xử lý nợ xấu, trong 6 tháng đầu năm 2021 (tính từ tháng 01/10/2020 đến tháng 30/3/2021), Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng cùng các Chi cục thi hành án dân sự quận, huyện đã tập trung cao, quyết liệt trong việc triển khai nhiều giải pháp để thi hành các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng.
Bối cảnh nền kinh tế, xã hội gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 và tình hình thị trường bất động sản trầm lắng đã ảnh hưởng đến kết quả thi hành án. Trong 6 tháng, số việc phải giải quyết án tín dụng, ngân hàng trên địa bàn TP. Đà Nẵng là 764 việc, tương ứng với số tiền là gần 5,6 nghìn tỷ đồng. Trong số việc loại này, đã giải quyết được 26 việc thu được số tiền là hơn 24,6 tỷ đồng.
Theo chỉ đạo của Tổng cục Thi hành án dân sự mới đây, Cục Thi hành án dân sự TP. Đà Nẵng phải tiếp tục chỉ đạo Chấp hành viên tập trung rà soát các vụ việc thi hành án, xây dựng kế hoạch chi tiết, nâng cao hơn nữa trách nhiệm, đề ra những giải pháp tích cực, mang tính đột phá, thể hiện rõ quyết tâm trong việc nỗ lực tổ chức thi hành án đối với các vụ việc liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng.
Dù nhiều khó khăn trong điều kiện dịch bệnh Covd-19 và áp lực công việc nhưng mỗi đơn vị, mỗi Chấp hành viên phải quyết tâm phấn đấu nâng cao tỷ lệ giải quyết án tín dụng, ngân hàng góp phần hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ được giao năm 2021.
Thời gian qua, hoạt động thi hành án dân sự liên quan đến các tổ chức tín dụng đã có chuyển biến tích cực, tác động trực tiếp đến việc thu hồi nợ xấu, giảm nợ xấu, bảo đảm cho hoạt động của hệ thống tổ chức tín dụng được an toàn và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, kết quả thi hành án còn thấp, số việc, số tiền phải thi hành án còn lớn, tiến độ thi hành án kéo dài.
Thực tế, các án tín dụng, ngân hàng trên cả nước nói chung, tại TP. Đà Nẵng nói riêng thời gian qua tăng cao phổ biến là do giá trị cho vay lớn nhưng giá trị tài sản thế chấp lại thấp. Do vậy, khi cá nhân, doanh nghiệp không có khả năng thanh toán, tài sản thế chấp không đảm nênkhó thỏa thuận giữa người có tài sản và tổ chức tín dụng, dẫn đến tranh chấp kiện tụng.
Mặt khác, một số bản án, quyết định của Tòa án tuyên chưa xác định rõ ràng trong thứ tự tài sản bảo đảm, nhất là trong việc xử lý tài sản thế chấp của bên thứ 3 chưa phù hợp với nội dung của hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản.
Bên cạnh đó, tâm lý ngại mua tài sản thi hành án của người dân khiến quá trình tổ chức bán đấu giá tài sản thi hành án gặp nhiều khó khăn, nhiều lần mở bán, hạ giá vẫn không thành.