Đa số các nước EU yêu cầu thu hẹp quy mô Luật Chống phá rừng


Khoảng 20 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu Brussels thu hẹp quy mô, thậm chí có thể đình chỉ Luật Chống phá rừng của khối với lý do rằng chính sách này sẽ gây áp lực tới lĩnh vực nông nghiệp và nông dân. Đây được coi là động thái phản đối mới nhất nhằm vào chương trình nghị sự về môi trường của châu Âu, Reuters đưa tin.

Các nước yêu cầu sửa đổi điều gì?

Luật Chống phá rừng của châu Âu được Nghị viện châu Âu thông qua ngày 19/4/2023, có hiệu lực ngày 26/6/2023. Căn cứ vào các điều khoản chuyển tiếp khác tại Điều 38 thì Luật này sẽ có hiệu lực toàn bộ sau 18 đến 24 tháng. Luật được coi là công cụ để chống biến đổi khí hậu và bảo vệ đa dạng sinh học bởi các nhà lãnh đạo châu Âu cho rằng khu vực này đang gián tiếp phá rừng nếu tiếp tục để các sản phẩm nông nghiệp nhập khẩu vào châu Âu, từ thịt bò, đậu nành và các sản phẩm nông nghiệp khác… có nguồn gốc từ việc phá rừng. Luật được áp dụng cho hàng hóa của tất cả các nước, không có ngoại lệ. Những quy tắc đó cũng áp dụng tương tự cho nông dân châu Âu, những người sẽ bị cấm xuất khẩu các sản phẩm được trồng trên rừng bị phá hoặc suy thoái.

Theo đó, nông sản các nước và nông sản được sản xuất ở châu Âu chỉ được bán khi đáp ứng các nhóm điều kiện:

Một là, được sản xuất trên đất không bị phá rừng sau ngày 31/12/2020.

Hai là, được sản xuất tuân theo pháp luật của quốc gia sản xuất, bao gồm các quy định về quyền sử dụng đất, bảo vệ môi trường, quản lý rừng và bảo tồn đa dạng sinh học, quyền của bên thứ ba, quyền con người và quyền của người dân bản địa bị ảnh hưởng.

Ba là, được nhà nhập khẩu và thương nhân tuyên bố thẩm định xác nhận sản phẩm không đến từ vùng đất bị phá rừng hoặc đã dẫn đến suy thoái rừng, kể cả rừng nguyên sinh không thể thay thế, sau ngày 31/12/2020.

Bộ trưởng Nông nghiệp Áo Norbert Totschnig cho biết các bộ trưởng nông nghiệp từ 20 trong số 27 quốc gia thành viên EU đã ủng hộ lời kêu gọi của Áo về việc sửa đổi đạo luật này trong cuộc họp ở Brussels hôm 26.3.

Ông  Totschnig cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi Ủy ban châu Âu tạm thời đình chỉ việc thực thi quy định để tiến hành những điều chỉnh cần thiết trước khi luật có hiệu lực”.

Ba quan chức EU xác nhận với Reuters rằng khoảng 20 quốc gia đã ủng hộ lời kêu gọi trong một cuộc họp kín, trong đó có Pháp, Italy, Ba Lan và Thụy Điển.

Các yêu cầu của Áo bao gồm Luật phải giảm mạnh yêu cầu chứng nhận các sản phẩm không có nguồn gốc từ phá rừng trong EU và thời hạn lùi thời hạn yêu cầu về nông sản được sản xuất trên đất không có nguồn gốc từ phá rừng sau ngày 30/12/2020.

Áp lực từ nông dân và bầu cử

Người phát ngôn của Ủy ban châu Âu đã không trả lời ngay lập tức về việc liệu Brussels có sửa đổi luật này hay không.

Thời gian gần đây, các cuộc biểu tình rầm rộ và căng thẳng của nông dân trên khắp châu Âu đã buộc các nhà lãnh đạo EU phải dỡ bỏ bớt nhiều biện pháp bảo vệ môi trường để xoa dịu sự giận dữ của họ.

Nông dân đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình hơn ở Brussels vào ngày 26/3 trùng với cuộc họp của Bộ trưởng Nông nghiệp, làm tắc nghẽn nhiều khu vực với khoảng 250 máy kéo. Họ cũng thả củ cải đường và cỏ khô xuống đường.

Ủy viên Môi trường EU Virginijus Sinkevicius đã đặt câu hỏi tại sao các nước lại nêu quan ngại về chính sách này vài tháng trước cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào tháng 6, khi họ đã dành nhiều năm đàm phán về luật phá rừng và thông qua luật này vào năm ngoái. Ông Sinkevicius nói trong một cuộc họp báo: “Tất nhiên, chúng tôi sẽ lắng nghe các tranh luận, nhưng thực lòng tôi không thấy có vấn đề gì”.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn