EU sẵn sàng cùng Việt Nam gỡ khó trong triển khai JETP
Mới đây, trong buổi làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành, ông Peteris Ustubs - Vụ trưởng phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, Tổng cục Đối tác Quốc tế (DG INTPA) thuộc Uỷ ban châu Âu (EC) cho biết, EU rất quan tâm và mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc trong triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) tại Việt Nam.
Ngày 15/3, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đã tiếp và làm việc với Ngài Julien Guerrier - Vụ trưởng phụ trách khu vực Trung Đông, châu Á và Thái Bình Dương, Tổng cục Đối tác Quốc tế (DG INTPA) thuộc Uỷ ban châu Âu (EC), cùng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU).
Ông Peteris Ustubs đại diện phái đoàn EU trao đổi với Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành về mối quan tâm của EU.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các vấn đề liên quan tới việc triển khai quan hệ Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) tại Việt Nam.
Phái đoàn muốn lắng nghe quan điểm và những khó khăn của phía Việt Nam trong việc thực hiện cơ chế Đối tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP), do EU và Vương quốc Anh đồng chủ trì.
EU cũng quan tâm và mong muốn thúc đẩy sự phối hợp giữa EU và Việt Nam trong Chương trình Hợp tác Định hướng Đa niên EU - Việt Nam giai đoạn 2021 - 2027, tập trung vào tăng trưởng xanh bền vững và hành động khí hậu.
Thứ trưởng nhận định, đây là bước đi quan trọng để hướng tới việc thực hiện thành công mô hình mẫu hợp tác đối tác giữa một bên là các nước phát triển và một bên là các nước đang phát triển trong quá trình chuyển đổi, đóng góp vào nỗ lực chung giảm phát thải khí nhà kính; đồng thời đảm bảo tính công bằng, công lý trong thực hiện các hành động khí hậu.
Tuy nhiên, JETP là một vấn đề mới, mang tính chất liên ngành, do đó, Việt Nam vẫn đang gặp phải nhiều vướng mắc, khó khăn.
Ghi nhận những chia sẻ từ Thứ trưởng Lê Công Thành và đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai các cam kết vì môi trường và thực hiện JETP, ông Peteris Ustubs cho biết, Liên minh châu Âu rất quan tâm và mong muốn tiếp tục hợp tác, hỗ trợ Việt Nam tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy triển khai các thoả thuận hợp tác giữa hai bên một cách thiết thực, hiệu quả.
Với vai trò trong Ban Thư ký triển khai JETP, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận thức được những thách thức này.
Theo đó, Bộ đang tích cực học hỏi kinh nghiệm từ phía Indonesia và Nam Phi, hai quốc gia đã tham gia vào JETP trước; đồng thời tiếp tục trao đổi với các bộ ngành phía Việt Nam để tìm kiếm cơ hội và giải quyết các thách thức, khó khăn.
Theo Thứ trưởng Lê Công Thành, Ban Thư ký triển khai JETP có 4 nhóm, lần lượt do các Bộ Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính dẫn đầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường rất ủng hộ và mong muốn thúc đẩy JETP từ quá trình xây dựng đến triển khai.
Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 06 về quản lý tín chỉ carbon, tiến tới thí điểm thị trường carbon vào năm 2025 và chính thức vào năm 2028.
Theo đó, định giá carbon sẽ là động lực để các ngành kinh tế Việt Nam chuyển động, hướng tới giảm phát thải.
Đồng thời, Bộ cũng đang sửa đổi quy định làm đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp nghiên cứu khu vực biển làm điện gió, cũng như thủ tục về môi trường trong dự án năng lượng.
Thứ trưởng Lê Công Thành còn thông tin về một vài khó khăn, vướng mắc trong các lĩnh vực khác.
Cụ thể với chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn về năng lượng nền.
Trong đó, năng lượng tái tạo phải đi đôi với năng lượng nền. Hiện tại, Việt Nam đang xây dựng kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII, hướng tới giải quyết những vướng mắc này.
Hiện nay, cả Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết, tháo gỡ vướng mắc trong các vấn đề nói trên, bao gồm thủ tục dự án ODA, việc mua bán điện trực tiếp, kế hoạch triển khai Quy hoạch Điện VIII.