Đại biểu kiến nghị dùng tiền từ thoái vốn DNNN bổ sung cho đầu tư công

Theo Ngọc Linh/ndh.vn

Sử dụng thêm nguồn từ thoái vốn cổ phần đang ở Quỹ sắp xếp hỗ trợ doanh nghiệp để đầu tư các dự án trung dài hạn là một trong các giải pháp mà đại biểu Hoàng Quang Hàm đoàn Phú Thọ kiến nghị lên Chính phủ trong bối cảnh ngân sách eo hẹp, giải quyết thiếu hụt nguồn lực so với nhu cầu không thể toàn vẹn.

Đầu tư công trung và dài hạn là nội dung chính được các đại biểu tập trung nêu ý kiến trong phiên họp nghị trường ngày 29/10. Nguồn: Internet
Đầu tư công trung và dài hạn là nội dung chính được các đại biểu tập trung nêu ý kiến trong phiên họp nghị trường ngày 29/10. Nguồn: Internet

Đầu tư công trung và dài hạn là nội dung chính được các đại biểu tập trung nêu ý kiến trong phiên họp nghị trường ngày 29/10. Theo đại biểu Hoàng Quang Hàm, phương án phân bổ ngân sách trung ương Chính phủ trình Quốc hội không có danh mục phân bổ chi tiết, thậm chí, không đúng quy định của Luật đầu tư công, dàn trải kém hiệu quả và tạo điều kiện cho cơ chế xin - cho. Báo cáo của Chính phủ cũng đang cho thấy hai năm còn lại tất cả các nguồn vốn bố trí đầu tư trung ương từ các nguồn thu, vay, thoái vốn cổ phần chỉ còn lại 440.000 tỷ đồng.

Việc thiếu vốn sẽ khiến các dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến kế hoạch các dự án mới, tăng mức độ dàn trải, phá vỡ thành quả cải cách đầu tư công dựa trên nguyên tắc chỉ thực hiện dự án sau khi cân được nguồn.

Tính dàn trải trong thực hiện đầu tư công cũng là thách thức được đại biểu Vũ Thị Lưu Mai, đoàn Hà Nội chỉ ra. Dẫn ra một số ví dụ như Úc chỉ tập trung cho 4 dự án lớn, Hàn Quốc 15/20 dự án cao tốc được đầu tư bởi thành phẩn tư nhân,… đại biểu Vũ Thị Lưu Mai cho rằng hiếm có quốc gia nào có số lượng dự án đầu tư công lớn và phân bổ dự án mỗi tỉnh như tại Việt Nam.

Điều này sẽ khó để có dự án quy mô lớn. Theo bà, dù nhu cầu và mong muốn mỗi địa phương là hoàn toàn chính đáng nhưng kế hoạch đầu tư công trung- dài hạn cần lựa chọn tránh dàn trải, công bằng không có nghĩa cào bằng mà phải đầu tư có trọng tâm.

Về giải pháp đối với bài toán nguồn lực không đáp ứng đủ nhu cầu, đại biểu Hoàng Quang Hàm cho rằng Chính phủ chỉ có hai con đường hoặc giảm nhu cầu, giãn hoãn tiến độ, tập trung cho các dự án lớn hoặc dùng các giải pháp tình thế để tăng nguồn lực và có thể phải thay đổi một số mục tiêu.

Thứ nhất, Chính phủ cần cắt giảm kế hoạch trung hạn đã giao cho các dự án đối với các dự án chưa cân đối được nguồn hoặc có mức độ cấp thiết ít nhất, chấp nhận một số dự án đình hạn.

Thứ hai, nếu nhất thiết thực hiện phương án đang trình, Chính phủ phải cân đối thêm nguồn bằng cách xin Quốc hội sử dụng tăng thu ngân sách trung ương 2019 – 2020 (nếu có), báo cáo trình cấp có thẩm quyền cho phép sử dụng nguồn từ thoái vốn cổ phần đang ở Quỹ sắp xếp hỗ trợ doanh nghiệp mà theo đại biểu Hàm khoản tiền này bản chất tiền này là của ngân sách.

Nếu tiếp tục còn thiếu thì nới trần bội chi trên cơ sở nới trần nợ công khi hiện nợ công còn dư địa để tăng bội chi.

Đại biểu Hoàng Quang Hàm nhấn mạnh hai phương án trên là cách để đảm bảo minh bạch trong phân bổ vốn, địa phương phải biết mình có bao nhiêu tiền, phân bổ ra sao tại các dự án sau khi rà soát cân đối nguồn và lập quy hoạch cho các dự án cấp bách, chuẩn bị vốn cho giai đoạn sau.

“Chính phủ mới chỉ trình nguyên tắc, hầu hết không có danh mục nên Quốc hội cũng chỉ quyết định được nguyên tắc và buộc phải giao Chính phủ rà soát lại”, vị đại biểu từ đoàn Phú Thọ nêu. Ông cho rằng Quốc hội có thể giao Chính phủ tự rà soát cắt giảm bổ sung nguồn vốn, tự thực hiện và chịu trách nhiệm hoặc trình thường vụ Quốc hội và báo cáo Quốc hội vào kỳ họp sau.

Tuy nhiên, nguyên tắc chung cần tuân thủ là danh mục và tổng mức vốn không quá mức vốn có thể cân đối được trong 2 năm còn lại. Ngành địa phương phải biết được Trung ương phân bổ bao nhiêu tiền, dự án Quốc hội phải biết tiền có bao nhiêu và đầu tư dự án nào, như quy định của Hiến pháp giao quyền quyết định ngân sách nhà nước cho Quốc hội.