Bội chi ngân sách năm 2019 sẽ giảm 0,1% GDP so với năm 2018

PV.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,1% GDP so với năm 2018 là tích cực.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: QH
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. Nguồn: QH

Dự kiến hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2018

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019 tại phiên họp của Quốc hội chiều ngày 22/10/2018, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, tổng thu NSNN cả năm 2018 ước vượt 3% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán.

Chi ngân sách ước thực hiện năm 2018 tăng 2,6% (39,2 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; Trong đó, chi đầu tư phát triển tăng 4,7% (18,66 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, chi thường xuyên tăng 1,3% (12,25 nghìn tỷ đồng) so với dự toán; Tỷ trọng chi đầu tư phát triển/tổng chi NSNN ước đạt 26,78% tổng chi NSNN, cao hơn số thực hiện năm 2017 là 25%; Tỷ trọng chi thường xuyên (đã bao gồm cả chi cải cách tiền lương, tinh giản biên chế) ước đạt 63,29% tổng chi NSNN, thấp hơn số ước thực hiện năm 2017 (64,68%). Bội chi NSNN ước bằng dự toán là 204 nghìn tỷ đồng. Ước dư nợ công năm 2018 là 61,4% GDP, nợ nước ngoài là 49,7% GDP, nằm trong phạm vi cho phép.

Trình bày Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện NSNN năm 2018, dự toán NSNN và phân bổ ngân sách Trung ương năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho rằng, so với các năm trước (2016 là 63,7% GDP, năm 2017 là 61,4%), tỷ trọng nợ công/GDP năm 2018 có xu hướng giảm, kỳ hạn vay dài, lãi suất thấp, tỷ trọng vay trong nước cao hơn. Đây là một kết quả tích cực, có thể bảo đảm thực hiện mục tiêu của Quốc hội về chỉ tiêu nợ công của giai đoạn 2016-2020.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự cố gắng của cộng đồng doanh nghiệp, sự phối hợp với trách nhiệm cao của các cơ quan trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ và dự báo sẽ hoàn thành các nhiệm vụ thu - chi NSNN với kết quả cao nhất so với một số năm gần đây theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Bội chi ngân sách năm 2019 giảm 0,1% GDP so với năm 2018

Về dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, dự toán thu ngân sách năm 2019 hơn 1,41 triệu tỷ đồng; Tỷ lệ huy động 23% GDP, trong đó khoảng 20% GDP thu từ thuế, phí. Dự toán chi ngân sách hơn 1,63 triệu tỷ đồng, trong đó chi đầu tư phát triển 429.300 tỷ đồng, bằng 26,3% tổng chi ngân sách.

Chính phủ dự kiến chi khoảng 16.200 tỷ đồng cho tăng lương cơ sở thêm 100.000 đồng từ ngày 1/7/2019. Theo đó, lương cơ sở sẽ tăng từ 1,39 triệu đồng lên 1,49 triệu đồng một tháng, tương đương tăng 7%. Lương hưu và trợ cấp ưu đãi người có công tăng cùng mức và thời điểm tăng lương cơ sở.

Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cơ bản nhất trí với dự toán, phương án Chính phủ và cho rằng, việc thực hiện cải cách tiền lương được thực hiện theo đúng lộ trình đã được Quốc hội quyết định trong Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, nhằm góp phần nâng cao thu nhập cho cán bộ, công chức. "Cải cách tiền lương năm 2019 được thực hiện đi đôi với tinh giản biên chế theo Nghị quyết 18-NQ/TW là phù hợp."-  Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhấn mạnh.

Về bội chi ngân sách và nợ công, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho hay, Chính phủ dự kiến bội chi NSNN năm 2019 khoảng 3,6% GDP, giảm 0,1% GDP so với năm 2018. Như vậy, trong bối cảnh khả năng tăng thu NSNN còn khó khăn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, nhiều nhiệm vụ chi cần được bảo đảm như chi lương và bảo đảm các chính sách an sinh - xã hội đã ban hành, việc giữ mức bội chi thấp là tích cực.

Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng thống nhất với Tờ trình của Chính phủ về các nguyên tắc phân bổ ngân sách trung ương năm 2019. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ phân bổ chi thường xuyên đối với các lĩnh vực chi để thực hiện các chế độ, chính sách bảo đảm chặt chẽ, sát với nhu cầu thực tế; Không bố trí dự toán chi thường xuyên đối với các nhiệm vụ chưa có đầy đủ căn cứ theo quy định; Đảm bảo việc phân bổ và giao dự toán NSNN đúng thời hạn theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Đồng thời, cần tập trung chỉ đạo quyết liệt trong công tác thu NSNN, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, trốn thuế, chống nợ đọng tiền thuế để tăng thu NSNN; Không ban hành chính sách làm giảm thu NSNN để bảo đảm tính ổn định của chính sách thu và tỉ lệ huy động vào NSNN...