Đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả điều hành kinh tế-xã hội của Chính phủ
Thảo luận ở hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước vào sáng ngày 03/11/2020, đa số đại biểu Quốc hội đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Thành tựu phát triển ấn tượng
Phát biểu tại phiên họp, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất đối với các báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước và đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nhắc lại, tháng 11/2019, khi Quốc hội bấm nút thông qua kế hoạch năm 2020, Covid-19 vẫn còn là khái niệm xa lạ. Đến nay, trên thế giới đã có 31 triệu người mắc với hơn 1 triệu người tỷ vong, đưa kinh tế toàn cầu suy thoái trầm trọng và ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế - xã hội Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, đại biểu cho rằng, kết quả thực hiện mục tiêu kép của Việt Nam rất đáng ghi nhận, con số tăng trưởng từ 2 đến 3% GDP là con số tuyệt vời trong bối cảnh đặc biệt của năm Covid-19. Kinh tế phát triển ổn định, GDP tăng trưởng dương, cán cân thương mại 9 tháng thặng dư 17 tỷ USD, dòng vốn FDI tăng trở lại, vốn giải ngân và vốn cam kết đều tích cực... Kết quả này đạt được là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ.
Đồng tình với đại biểu Nguyễn Văn Chiến, đại biểu Bùi Thanh Tùng (TP. Hải Phòng) đánh giá, năm 2020 có nhiều thách thức như: hạn mặn đầu năm, dịch bệnh Covid-19, những ngày qua thiên tai, bão lũ liên tục tại miền Trung nhưng đất nước vẫn đạt được những thành tựu phát triển ấn tượng. Việt Nam là nằm trong số ít những nước đạt mức tăng trưởng dương, vị thế của đất nước được nâng cao.
Chung nhận định trên, đại biểu Trần Hồng Nguyên (Bình Thuận) cho biết, qua tiếp xúc, cử tri đánh giá rất cao các kết quả đạt được vừa qua trong thực hiện các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh các nước tăng trưởng âm, Việt Nam có tăng trưởng dương khoảng 2%, là nỗ lực lớn của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và các cấp, các ngành trong thời gian qua.
Chuẩn bị giai đoạn phục hồi
Về mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2021, đại biểu Nguyễn Văn Chiến cho rằng, Chính phủ đặt ra kế hoạch phát triển năm 2021 với mục tiêu kép trong trạng thái bình thường mới, trong đó chỉ tiêu tăng GDP từ 6 đến 6,5% là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Chiến, nhiệm vụ quan trọng nhất hiện nay là phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2020 và chuẩn bị giai đoạn phục hồi từ năm 2021. Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục phát huy các nguồn lực, hoàn thiện thể chế, quy định, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, hoàn chỉnh chính sách an sinh xã hội, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chú trọng chính sách việc làm, tăng lương…
Dự báo giai đoạn tới còn nhiều khó khăn, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, cần sự đồng lòng, vào cuộc của các ngành, các cấp, quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu ngân sách, thu hồi các khoản nợ thuế; dự toán thu chi ngân sách cần sát hơn, đảm bảo hoàn thành dự toán; tiếp tục cắt giảm các nhiệm vụ chi thường xuyên; rà soát các dự án chậm giải ngân vốn đầu tư công, chậm tiến độ…
Trước những thiệt hại qua đợt bão lũ lịch sử tại miền Trung, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (TP. Cần Thơ) đề nghị Quốc hội có nghị quyết để Chính phủ có giải pháp, nguồn lực đủ để di dân ra khỏi vùng sạt lở, lũ quét; rà soát, nghiên cứu để phân vùng, cảnh báo, quy hoạch… đối với những địa phương có nguy cơ bị thiệt hại lớn khi có thiên tai.
Theo báo cáo của Chính phủ, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, nhưng tăng trưởng 9 tháng vẫn đạt 2,12%, cả năm ước đạt 2 - 3%; là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới nhờ nội lực, tận dụng tốt các cơ hội và khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế. Quy mô GDP tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015 (theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ 4 ASEAN); GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD.