Kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thu ngân sách
Tại phiên họp tổ của Quốc hội sáng ngày 2/11/2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã phân tích, làm rõ nhiều vấn đề về tình hình tài chính-ngân sách giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025.
Nguồn thu giảm nhưng vẫn đảm bảo các nhiệm vụ chi
Theo Bộ Trưởng Đinh Tiến Dũng, ước tính mức thu ngân sách năm 2020 giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Ngay từ khi dịch bệnh xảy ra, rất nhiều chính sách tài khoá đã được ban hành để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp như: gia hạn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế GTGT, tiền thuê đất, giảm 30% thuế TNDN, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay, chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô… Trong 10 tháng qua, kết quả thực hiện các chính sách này đã đạt gần 100 nghìn tỷ đồng.
Trong khi nguồn thu giảm, nhiều khoản chi ngân sách lại tăng lên. Bộ trưởng cho biết, trước tiên là phải đảm bảo 470 nghìn tỷ đồng vốn cho đầu tư theo dự toán năm nay. Đây là khoản chi quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, làm nền tảng cho các kỳ tiếp theo, đồng thời kích cầu trong nước. Theo Bộ trưởng, cùng với số vốn năm trước chuyển sang, tổng số vốn đầu tư năm nay khoảng 630.000 tỷ đồng, là gói đầu tư hàng năm lớn nhất từ trước đến nay. 10 tháng qua, ngân sách đã chi khoảng 17.800 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, hỗ trợ người dân.
Từ thực tế trên, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất tăng bội chi, tăng chi cho phòng chống dịch, nhưng trong phạm vi phải đảm bảo ổn định vĩ mô cho các năm tiếp theo. Cụ thể, mức bội chi năm 2020 ước tăng lên 5,59% GDP (tính theo GDP mới), nợ công tăng lên 57,4% GDP, dưới trần Quốc hội cho phép là 65%. Kết quả này có được nhờ sự phấn đấu, tích luỹ của các năm gần đây đã tạo dư địa cho điều hành, trong khi vẫn đảm bảo chi đầu tư, chi an sinh xã hội. Với kết quả của năm 2020 thì mức bội chi 5 năm bình quân đạt 3,8%, đạt mục tiêu dưới 3,9% của kế hoạch 5 năm theo kế hoạch.
Chính phủ cũng đã kịp thời báo cáo Quốc hội về việc triệt để tiết kiệm, cắt giảm 70% kinh phí hội nghị, công tác, cùng với 10% tiết kiệm chi thường xuyên. Đến nay, tổng số tiết kiệm chi thường xuyên đạt khoảng 17,4 nghìn tỷ đồng chỉ riêng ở trung ương.
Ảnh hưởng từ khó khăn chung của nền kinh tế
Từ những thực tế hiện nay, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, dự toán năm 2020 phải đánh giá kỹ lưỡng tình hình để làm nền cho giai đoạn 2021-2025. Theo kinh nghiệm từ giai đoạn 2008-2009, kinh tế khó khăn sẽ ảnh hưởng lâu dài đến thu ngân sách. 10 tháng năm 2020 mới thu được 75,2% dự toán, giảm 10,3% so cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 10 năm gần đây.
Nhận định tình hình dịch bệnh vẫn rất khó dự đoán, khó khăn kinh tế dự kiến còn kéo dài vài năm, Bộ trưởng cho rằng, cần "tiếp tục thắt lưng buộc bụng để tập trung cho an sinh xã hội, đầu tư phát triển, giữ ổn định vĩ mô". Bộ Tài chính đã đề xuất phương án thận trọng và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ dự toán thu ngân sách năm 2021 khoảng 1,34 triệu tỷ đồng, tỷ lệ huy động vào ngân sách giảm còn 15,5% GDP sau điều chỉnh.
Trong điều kiện cần tăng nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Tài chính cũng đã chủ động xây dựng phương án, đề xuất đưa bội chi 2021 lên 5% GDP chưa điều chỉnh, tương ứng 4% GDP đã điều chỉnh. Dự toán chi năm 2021 cho đầu tư tăng lên 28,3% tổng chi - mức cao nhất từ trước đến nay. Đây là yếu tố rất quan trọng để tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng, kích cầu trong nước của giai đoạn sau...