Đại biểu Quốc hội đóng góp nhiều ý kiến quan trọng cho dự thảo Nghị quyết Kỳ họp
Ngày 25/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày thảo luận ở Hội trường xem xét, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025...
Tại phiên thảo luận đã có 39 đại biểu phát biểu và 04 đại biểu tranh luận. Đa số ý kiến đại biểu nhất trí với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Quốc hội. Các đại biểu quốc hội đều đồng tình và đánh giá cao báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của các Ủy ban của Quốc hội, báo cáo của Chính phủ xây dựng công phu, toàn diện, thẳng thắn nhìn nhận các hạn chế nguyên nhân và nghiêm túc đánh giá các khó khăn, thách thức. Các Ủy ban của Quốc hội cũng có nhiều ý kiến phản biện sâu sắc, trúng vấn đề.
Về kết quả 6 tháng đầu năm và giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021, các ý kiến cơ bản thống nhất với đánh giá của Chính phủ và cho rằng diễn biến bùng phát dịch lần thứ tư trong năm 2021 là phức tạp và nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề đến đời sống, sức khỏe, tính mạng của người dân; nhiều nơi, nhiều lĩnh vực kinh doanh đình trệ, nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động, thậm chí phá sản.
Các đại biểu đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, sự chủ động kịp thời của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt, khẩn trương của Chính phủ, sự đoàn kết, đồng lòng của cả hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước trong việc phòng chống dịch và phát triển kinh tế.
Về các kế hoạch và đối sách những tháng còn lại của năm 2021, các đại biểu cùng thể hiện quan điểm về việc phòng chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu. Chính phủ cần thực hiện tốt các giải pháp đề ra khẩn trương, quyết liệt thực hiện hiệu quả chiến lược vắc xin để kiểm soát dịch bệnh, cũng như tăng cường đàm phán để nhập khẩu chuyển giao công nghệ vắc xin, đẩy mạnh nghiên cứu để sản xuất trong nước. Quyết liệt và có giải pháp phù hợp với tình hình ở từng địa phương, từng địa bàn để ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh, thực hiện kịp thời hiệu quả các gói hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị cần giải quyết nợ xấu và kiểm soát việc tăng mới nợ xấu, kiểm tra, kiểm soát ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ “găm hàng”, thao túng thị trường, đặc biệt quan tâm giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội cho nhân dân, đảm bảo an ninh lương thực thực phẩm và thúc đẩy tiêu thụ xuất khẩu nông sản, nhất ở các vùng có dịch.
Đối với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2025, các đại biểu cơ bản thống nhất với bối cảnh nhiệm vụ, giải pháp như báo cáo của Chính phủ, thống nhất với 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội giai 2021-2025 Chính phủ đề xuất. Bên cạnh đó, ý kiến của các đại biểu trong điều kiện dịch bệnh hiện nay nhiều chỉ tiêu đòi hỏi sự nỗ lực phấn đấu cao nên cần bám sát và triển khai một cách toàn diện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, kiên trì thực hiện mục tiêu kép phù hợp với tình hình thực tiễn, trong đó nhấn mạnh kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu hàng đầu trong giai đoạn hiện nay, đẩy mạnh đẩy nhanh thực hiện chiến lược vắc xin để khống chế dịch bệnh...
Giai đoạn này cần thể hiện rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, xây dựng nền kinh tế tự chủ trên cơ sở làm chủ công nghệ, đa dạng hóa thị trường, nâng cao khả năng thích ứng của nền kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, ứng dụng và phát triển khoa học kỹ thuật, nâng cao chất lượng, hiệu quả của thị trường lao động.
Hoàn thiện phê duyệt quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030, phát triển liên kết vùng, liên vùng, liên kết giữa các khu vực kinh tế trong nước và khu vực kinh tế nước ngoài. Tiếp tục đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Kiên trì, kiên quyết bảo vệ các lợi ích chính đáng của Việt Nam đẩy mạnh thực hiện chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo…
Các đại biểu cũng đề nghị cần kiểm soát tốt thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, không để tăng nóng, tạo nguy cơ gây bong bóng; kiểm soát tốt các vấn đề về kinh tế, thương mại, tiền tệ trong điều kiện hội nhập, đặc biệt là thị trường lớn như Mỹ, EU. Giám sát, kiểm soát dòng vốn có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, bảo đảm an toàn, an ninh mạng, ngăn chặn các thông tin xấu, độc.
Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, các điểm nghẽn của nền kinh tế như công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, định mức, đơn giá đầu tư xây dựng, triển khai các dự án PPP, đấu thầu mua sắm công, nhất là mua vắc xin, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19.
Trong quá trình thảo luận, các Bộ trưởng: Bộ Lao động, Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung; Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đã phát biểu giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, các ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiêm túc tiếp thu và giải trình, đồng thời chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan liên quan của Chính phủ phối hợp để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết và trình Quốc hội xem xét thông qua.