Đãi cát tìm cổ phiếu tốt
Đợt điều chỉnh của thị trường chứng khoán (TTCK) trong hơn 1 tháng trở lại đây khiến nhiều mã CP giảm sâu, bất chấp kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội cho nhà đầu tư (NĐT) mua cổ phiếu (CP) tốt với giá rẻ nhất trong năm.
Nghịch lý thị trường
Phiên giao dịch ngày 4/1/2019, mã ASM (CTCP Tập đoàn Sao Mai) giảm xuống còn 6.800 đồng/CP (mức đáy của mã CP này trong nhiều năm trở lại đây). Điều bất thường là doanh nghiệp này đang ghi nhận những chuyển biến rất tích cực về kết quả kinh doanh (KQKD) trong nhiều năm.
Theo báo cáo tài chính (BCTC) quý III/2018, doanh thu thuần của ASM đạt 2.431,7 tỷ đồng (cao gấp gần 5 lần cùng kỳ), lãi gộp đạt gần 294 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số 57,7 tỷ đồng cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng năm 2018, ASM đạt 5.149 tỷ đồng doanh thu thuần (cao gấp 3,5 lần cùng kỳ), lãi gộp đạt 767 tỷ đồng (tăng mạnh so với con số 185 tỷ đồng của 9 tháng năm 2017).
Sau khi trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế thuộc về công ty mẹ đạt 957 tỷ đồng (cao gấp 7,7 lần cùng kỳ), tương đương EPS đạt 3.956 đồng/CP. Với kết quả ấn tượng này, ASM đã chính thức vượt 7,5% mục tiêu lãi năm 2018 sau 9 tháng. Sau khi ASM giảm xuống dưới mốc 7.000 đồng/CP, nhiều NĐT đã cảm thấy tiếc khi bỏ lỡ cơ hội mua vào CP của doanh nghiệp đang ăn nên làm ra với giá rẻ.
Từ mức đáy này, ASM lấy lại đà tăng và nhanh chóng vượt mốc 8.000 đồng/CP sau phiên giao dịch ngày 9/1/2019.
Một trường hợp tương tự là mã KSB (CTCP Khoáng sản Bình Dương). Dù hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, nhưng KSB vẫn chịu sức ép giảm giá do tác động của thị trường chung, đã lao dốc từ mức trên 35.000 đồng/CP thời điểm giữa tháng 10/2018 xuống chỉ còn hơn 25.000 đồng/CP trong phiên giao dịch hôm qua 16/1/2019.
Các yếu tố để NĐT đánh giá TTCK năm 2019, gồm sự chuyển dịch của dòng vốn nội, dòng vốn ngoại, các sự kiện khác ảnh hưởng đến thị trường như nâng hạng và thoái vốn.
Có thể nói, đây là mức giá khá hấp dẫn với doanh nghiệp nằm trong top 200 doanh nghiệp hiệu quả nhất châu Á. Trước đó, Tạp chí Forbes công bố danh sách 200 doanh nghiệp được lựa chọn ngẫu nhiên từ 24.000 doanh nghiệp (108 ngành nghề) có doanh thu dưới 1 tỷ USD kinh doanh hiệu quả nhất châu Á. Đáng chú ý, có 3 doanh nghiệp Việt Nam lọt vào danh sách này gồm CTCP Vicostone (VCS) và CTCP Tư vấn kỹ thuật điện 2 (TV2) và KSB.
Trong số 3 doanh nghiệp của Việt Nam lọt top 200, KSB đạt mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận ấn tượng trong những năm gần đây. Cụ thể, doanh thu năm 2015 đạt 738 tỷ đồng (tăng 18% so với năm trước đó 624 tỷ đồng). Năm 2016 cũng đạt mức tăng trưởng 15% doanh thu so với năm 2015, đạt 850 tỷ đồng.
Riêng năm 2017 doanh thu lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ đồng với 1.122,8 tỷ đồng (tăng trưởng 29% so với năm 2016). KSB tiếp tục duy trì KQKD ấn tượng trong năm 2018. Cụ thể, theo BCTC quý III/2018, doanh thu và lợi nhuận lũy kế 9 tháng năm 2018 đều tăng vượt trội so với năm 2017, lần lượt 776,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2017 là 744,6 tỷ đồng) và 212,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm ngoái là 191,6 tỷ đồng).
Tìm cơ hội trong khó khăn
Điều đáng nói, hiện tượng CP tốt nhưng vẫn giảm sâu như 2 trường hợp kể trên không hiếm trên TTCK. Thế nhưng, trong bối cảnh TTCK đang lệ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài, việc NĐT chưa mạnh dạn giải ngân là điều không quá bất ngờ, nhất là trong bối cảnh cận Tết như hiện nay. Trước tình cảnh này, nhiều CTCK đã tổ chức các buổi hội thảo nhằm giúp NĐT nhận diện được cơ hội để mua vào những mã CP trong mùa sell off lớn nhất trong năm.