Đại dịch Covid-19 cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đã gia tăng
Đất nước và nền kinh tế đã chống chịu tốt trong đại dịch nhưng cần tiếp tục cải cách, cần có những giải pháp mới để kinh tế phục hồi nhanh và bền vững, để đất nước trở nên mạnh hơn, mới hơn, có uy tín và vị thế cao hơn, TS. Nguyễn Đình Cung, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng trả lời phỏng vấn của phóng viên.
Phóng viên: Cho đến giờ phút này, dịch bệnh đã được kiểm soát tốt, nhiều địa phương được nới lỏng cách ly, sản xuất kinh doanh đã bắt nhịp trở lại. Ông đánh giá thế nào về sức chống chịu của chúng ta?
TS. Nguyễn Đình Cung: Dù đại dịch này làm cho sức lực của nền kinh tế nói chung và của doanh nghiệp, người dân nói riêng có phần suy giảm, nhưng may mắn là kinh tế vĩ mô vẫn tiếp tục ổn định. An ninh và an toàn hệ thống tài chính vẫn được duy trì.
Chúng ta đã thấy rằng đất nước và nền kinh tế đã chống chịu tốt trong đại dịch. Với những giải pháp Chính phủ đã quyết liệt triển khai, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, kịp thời hỗ trợ để sản xuất kinh doanh không bị đứt gãy.
Bên cạnh đó, cũng có thể thấy rằng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội mà chúng ta đạt được trong những năm qua đã làm tăng sức lực và mức độ chống chịu của đất nước trong việc đối phó và vượt qua thời kỳ đại dịch. Chúng ta có nguồn lực và năng lực để chống lại dịch bệnh.
Sức chống chịu của nền kinh tế và những bài học trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, đặc biệt là trong những năm gần đây, sẽ là những yếu tố thuận lợi thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Trong đại dịch, nền kinh tế như "lò xo bị nén lại". Chính phủ đã chỉ đạo phải chuẩn bị thật tốt để thúc đẩy nền kinh tế phục hồi sau đại dịch này. Theo ông dự đoán, sức “bật lò xo” của nền kinh tế sẽ như thế nào, sẽ theo mô hình nào?
Tôi hy vọng sẽ sớm phục hồi nhưng không thể bật lên như lò xo được. Vì sao? Vì đến nay dịch bệnh trong nước cơ bản đã được kiểm soát tốt nhưng trên thế giới chưa biết sẽ ra sao. Chừng nào chưa có vaccine đặc trị thì đại dịch vẫn còn tiếp diễn hoặc có nguy cơ quay trở lại. Như vậy là các quốc gia, trong đó có chúng ta vẫn phải áp dụng các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh và "cửa chưa thể mở hết". Trong khi, nền kinh tế chúng ta đang phụ thuộc nhiều vào cầu ở thị trường nước ngoài và đầu tư nước ngoài. Ở phía cung, cửa chưa mở hết nên đầu vào cho sản xuất cũng vẫn bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, quá trình tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang dở dang, mới chỉ đạt được những kết quả ban đầu. Những yếu kém nội tại của nền kinh tế vẫn còn và ta vẫn yếu kém về trình độ khoa học công nghệ. Mức độ sẵn sàng tiếp nhận công nghệ 4.0, chuyển đổi số và các mô hình kinh doanh mới còn thấp. Khu vực kinh tế tư nhân còn yếu về tài chính, quản trị và năng lực công nghệ...
Với những hạn chế như thế thì nền kinh tế không thể bật nhanh như lò xo, cũng khó bật nhanh theo hình chữ V. Nhưng, theo tôi, quá trình phục hồi cũng không lâu như hình chữ U mà sẽ nhanh hơn, sớm hơn.
Vậy chúng ta cần làm gì, thưa ông?
Phục hồi nhanh và bền vững nền kinh tế sẽ là ưu tiên số một. Và chúng ta cần thực hiện một số giải pháp khôi phục kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng để đất nước ta trở nên mạnh hơn, mới hơn, có uy tín và vị thế cao hơn trên trường quốc tế. Bên cạnh đó, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng vẫn tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm. Trong quá trình đó, không chỉ phải khắc phục triệt để các yếu kém nội tại của nền kinh tế mà còn phải giải quyết hàng loạt các vấn đề mới phát sinh do những thay đổi từ bên ngoài sau đại dịch.
Cho đến nay, chúng ta vẫn chưa biết đại dịch đến khi nào sẽ kết thúc. Vì vậy, chúng ta chia thành 3 giai đoạn để có giải pháp ứng phó tương ứng như sau: Giai đoạn 1 kiềm chế, kiểm soát và chống dịch; Giai đoạn 2 hết dịch bệnh ở trong nước, nhưng trên thế giới vẫn còn dịch và chưa có vaccine chống dịch, nguy cơ xâm nhập virus từ bên ngoài vẫn còn; Giai đoạn 3 là thời kỳ hết dịch bệnh trên toàn thế giới.
Trong giai đoạn thứ nhất, như thực trạng hiện nay, cần khởi động, duy trì trạng thái bình thường nhất có thể và hỗ trợ sản xuất kinh doanh đối phó với đại dịch, từng bước khôi phục, chuyển dần hoạt động sản xuất kinh doanh sang trạng thái bình thường nhất có thể dựa trên mức độ rủi ro lan truyền dịch bệnh và mức độ quan trọng của các ngành, nghề đối với nền kinh tế.
Theo đó, các tỉnh chia thành 3 nhóm, gồm rủi ro cao, rủi ro và rủi ro thấp. Cũng tương tự, các ngành, các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng chia thành 3 nhóm: Các ngành, các hoạt động thiết yếu đối với xã hội và nền kinh tế; Các ngành, các hoạt động rủi ro cao, không quan trọng, không thực sự thiết yếu; Các ngành, hoạt động còn lại. Chỉ cách ly địa điểm có ổ dịch.
Các ngành, hoạt động thiết yếu, các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng đối với nền kinh tế, có rủi ro hoặc rủi ro lan truyền thấp phải được duy trì hoạt động trong tất cả các vùng, trên địa bàn cả nước. Việc lưu thông hàng hóa phải duy trì thông suốt, đặc biệt là ở các cảng biển, cảng hàng không kết nối kinh tế nước ta với bên ngoài.
Vâng, rõ ràng việc phục hồi nhanh nền kinh tế trở lại như thời điểm trước dịch vẫn sẽ gặp nhiều khó khăn và đòi hỏi cần tiếp tục các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế?
Để sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế và phát triển nhanh, bền vững thì cần tiếp tục thực hiện nhanh và nhất quán các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, kéo thêm gói hỗ trợ sản xuất kinh doanh trong thời gian đủ dài để tăng cường sức chống chịu của doanh nghiệp, tăng tích lũy cho doanh nghiệp. Có thể kéo dài gói này thêm 6 tháng hay sang năm 2021.
Đồng thời, cần xây dựng chương trình kích cầu và kích cầu du lịch nội địa, chuẩn bị chương trình kích cầu và quảng bá du lịch quốc tế để nhanh chóng phục hồi.
Tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô và duy trì tăng tưởng ở mức hợp lý, qua đó ổn định tâm lý và cải thiện niềm tin thị trường, niềm tin tiêu dùng.
Tuy doanh nghiệp đã chống đỡ qua dịch bệnh nhưng sức khỏe bị bào mòn rất nhiều nên đầu tư tư nhân rất yếu, lúc này phải dùng đầu tư nhà nước để kích hoạt, tăng thêm sức bật cho nền kinh tế phục hồi.
Khoảng 700.000 tỷ đồng vốn đầu tư công cần được sử dụng, giải ngân nhanh chóng và hiệu quả để sớm hoàn thành các dự án đầu tư, điều này sẽ có tác động lan tỏa lớn, hỗ trợ tăng trưởng trước mắt và thúc đẩy phục hồi kinh tế sau đại dịch.
Nền kinh tế đã sang một trạng thái rất khác so với trước đây, rất khác so với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội chúng ta đã đặt ra. Các chỉ số kinh tế vĩ mô cũng bị tác động mạnh. Vì thế, cũng cần phải thay đổi một số chỉ tiêu như nâng tỷ lệ bội chi, nâng trần nợ công, phải chấp nhận chi nhiều hơn trong điều kiện thu ít đi, phải chấp nhận vay nợ nhưng nợ vay phải được sử dụng hiệu quả.
Và phải thay đổi cách thức quản lý đầu tư công, không để quá trình đầu tư công gặp nhiều điểm chết như hiện nay với những thủ tục dày đặc và kéo dài, xin hết chỗ này sang chỗ khác khiến có những dự án mà ai cũng thấy quan trọng và phải làm, chẳng hạn như dự án chống hạn mặn đồng bằng sông Cửu Long, nhưng mấy năm cũng vẫn chưa thực hiện.
Cảm ơn ông!