Đài Loan siết quản lý, ngăn nạn ăn cắp bí mật công nghệ

Theo Bảo Nhi/nhipsongdoanhnghiep.laodongcongdoan.vn

Đài Bắc đang tăng cường bảo vệ ngành công nghiệp bán dẫn, đặt ra án tù 12 năm cho tội gián điệp công nghệ.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hôm 20/5, Quốc hội Đài Loan thông qua dự luật quy định mức án cao nhất cho tội gián điệp kinh tế có thể lên tới 12 năm tù. Đây là một phần trong chiến dịch trấn áp hành vi trộm cắp công nghệ về chất bán dẫn và các lĩnh vực khác.

Động thái của Đài Loan diễn ra khi chính quyền Bắc Kinh muốn xây dựng ngành công nghiệp bán dẫn độc lập, khiến nhu cầu của Trung Quốc về kỹ sư và công nghệ bán dẫn của Đài Loan tăng cao. Năm ngoái, Đài Loan cấm quảng cáo tuyển dụng cho công việc ngành bán dẫn ở đại lục.

Chất bán dẫn, thành phần quan trọng trong các sản phẩm từ ô tô đến điện thoại thông minh, là ngành công nghiệp cốt lõi của nền kinh tế Đài Loan, chiếm 35% kim ngạch xuất khẩu năm 2020. Trong đó, tập đoàn Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) là mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng công nghệ toàn cầu. Công ty cũng được xem là “trái tim” của công nghệ bán dẫn Đài Loan.

Giữ chân nhân tài trong ngành này được xem là ưu tiên hàng đầu trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chip toàn cầu chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo Đạo luật An ninh sửa đổi của Đài Loan, tội chuyển giao bất hợp pháp công nghệ lõi từ hòn đảo này sẽ phải chịu mức án tối thiểu là 5 năm và phạt tiền lên tới 100 triệu đài tệ (tương đương 3,36 triệu USD).

Nếu khoản thu lợi bất chính từ hoạt động gián điệp cao hơn số tiền phạt này, người phạm tội có thể bị phạt gấp 2-10 lần tiền kiếm được.

Hồi tháng 2, Hành chính viện Đài Loan cảnh báo sự thâm nhập của chuỗi cung ứng Trung Quốc vào Đài Loan trở nên nghiêm trọng trong những năm gần đây. Trung Quốc muốn thu hút nhân tài, đánh cắp các công nghệ quan trọng, phá vỡ các quy định của Đài Loan. “Những người này hoạt động và đầu tư bất hợp pháp ở Đài Loan, gây tổn hại đến an ninh công nghệ thông tin cũng như khả năng cạnh tranh của ngành”, đại diện Hành chính viện Đài Loan Lo Ping-cheng tuyên bố.

Các công ty Trung Quốc đang tăng cường đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn sau khi được chính quyền Bắc Kinh ủng hộ. Năm 2021, doanh số vi mạch tích hợp (IC) của các công ty tại nước này tăng 18,2% so với năm trước đó, đạt 1,05 nghìn tỷ nhân dân tệ (158,6 tỷ USD). Đây mức cao nhất trong 3 năm qua.

Bí quyết công nghiệp chip và đội ngũ kỹ sư giàu kinh nghiệm của Đài Loan từ lâu trở thành mục tiêu của Trung Quốc trong nỗ lực phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Theo chính quyền Đài Loan, có nhiều cáo buộc liên quan đến việc các công ty Trung Quốc đánh cắp bí mật thương mại chip trong vài năm qua.

Chỉ trong năm 2021, Đài Loan mở 23 cuộc điều tra liên quan đến các cáo buộc thuê lao động bất hợp pháp và đánh cắp bí mật thương mại. Đầu năm 2021, công ty chip Bitmain Technologies của Trung Quốc tuyển dụng trái phép hơn 100 kỹ sư ở Đài Loan.

Quyết tâm chống nạn “chảy máu” chất xám, dự luật vừa được Quốc hội Đài Loan thông qua còn quy định án hình sự cho tội “có ý định làm gián điệp”. Các công ty sẽ chịu trách nhiệm xác định “vi phạm tiềm ẩn” này của người lao động.

Ngoài ra, dự luật mới cũng trực tiếp điều chỉnh nhân sự của các tập đoàn công nghệ. Theo đó, nhân viên của các công ty kinh doanh công nghệ cốt lõi và nhận được sự đầu tư hoặc hỗ trợ từ cơ quan quản lý Đài Loan cần được chính quyền phê duyệt trước khi nhận chức vụ mới ở Trung Quốc. Những nhân sự nước ngoài đến Đài Loan làm việc ở các tập đoàn công nghệ cũng chịu sự kiểm soát của luật.

TSMC, nhà sản xuất chip theo hợp đồng hàng đầu thế giới, nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật. Nhân sự vi phạm có thể bị phạt tới 10 triệu Đài tệ.

Tuy nhiên, không ít người cho rằng việc bảo vệ nhân tài quá mức của Đài Loan có thể gây ra tác dụng phụ. Với nhiều rào cản trong tuyển dụng nhân sự, Đài Loan có thể tự làm khó các công ty công nghệ trong nước.

Ngoài ra, nếu chịu nhiều ràng buộc, có thể các công ty không còn hào hứng tham gia những chương trình nghiên cứu, phát triển do chính quyền hậu thuẫn.